Tỷ phú Roman Abramovich: Từ cậu bé mồ côi đến tài phiệt có tài sản kếch xù
Tài sản kếch xù mang lại cho nhà tài phiệt người Nga danh tiếng những cũng là thứ khiến ông bị rơi vào tầm ngắm của rất nhiều thế lực.
Tỷ phú Roman Abramovich được cho là nhận sự hậu thuẫn đặc biệt từ Tổng thống Putin. (Ảnh: Reuters).
Hành trình vươn lên của tỷ phú Roman Abramovich được tờ The Guardian của Anh mô tả là "một câu chuyện độc đáo của nước Nga". Có tuổi thơ cơ cực, nghèo khó, mồ côi, ông chủ CLB Chelsea đã được trui rèn giữa thời buổi đầy biến động của nước Nga, để từ đó vươn lên trở thành nhà tài phiệt với khối tài sản kếch xù.
Sinh năm 1966, Abramovich mất cả cha lẫn mẹ khi mới 3 tuổi và ông được người thân nuôi dưỡng ở nước cộng hòa Komi, miền bắc băng giá của Nga. Sau khi trở về từ quân ngũ, ông học thành kỹ sư, và công việc đầu tiên của vị tài phiệt là thợ cơ khí.
Trong thời kỳ cải tổ (perestroika) nước Nga do Mikhail Gorbachev khởi xướng, khi tự do hóa kinh tế tạo điều kiện hoạt động cho các doanh nghiệp nhỏ, Abramovich đã bắt đầu điều hành công ty đồ chơi trẻ em, nổi tiếng với những con vịt nhựa. Văn phòng của ông khi đó đặt ngay tại căn hộ của mình ở Moscow.
Sau khi Liên bang Xô Viết sụp đổ, Roman Abramovich đã chuyển sang kinh doanh vận chuyển dầu mỏ và các sản phẩm công nghiệp khác.
Thương vụ bắt tay với tỷ phú Boris Berezovsky chính là bước ngoặt cho hành trình làm giàu của Roman Abramovich. Giàu có từ các thương vụ trong lĩnh vực ô tô cùng việc xây dựng các mối quan hệ chính trị, Berezovsky là đối tác kinh doanh lý tưởng của Abramovich.
Khi đó, Berezovsky đã đề xuất ý tưởng của Abramovich với Tổng thống đương nhiệm là ông Boris Yeltsin: Sáp nhập một nhà sản xuất dầu thô vào một nhà máy lọc dầu, sau đó giao quyền kiểm soát việc kinh doanh mở rộng cho Abramovich và Berezovsky.
Đổi lại, Berezovsky sẽ sử dụng doanh thu từ công ty dầu mỏ mới để tài trợ cho một đài truyền hình, phục vụ phát sóng những chương trình tuyên truyền ủng hộ Yeltsin. Sau đó, Tổng thống Yeltsin đã thành lập công ty Sibneft theo sắc lệnh vào năm 1995, khi Abramovich mới chỉ 29 tuổi.
Nắm lấy thời cơ này, Abramovich đã mua 90% cổ phần của Sibneft với giá khoảng 240 triệu USD. Tuy nhiên, tờ The Guardian cho rằng vị tỷ phú người Nga chỉ sử dụng 18,8 triệu USD vốn riêng. Thậm chí, tờ báo Anh đưa tin rằng Roman Abramovich đã chi tiền để Berezovsky giúp mình có nhưng mối quan hệ chính trị.
Ông chủ CLB Chelsea trong chuyến thăm Khu tự trị Chukotka vào năm 1999. (Ảnh: Sipa US).
Roman Abramovich cùng đội ngũ của minh đã đưa Sibneft đi lên, để rồi vào năm 2005, gã khổng lồ khí đốt Gazprom đã mua 72% cổ phần Sibneftvới giá 7,4 tỷ bảng Anh.
The Guardian cho biết ông chủ CLB Chelsea có "quan hệ tốt" với Tổng thống Nga, Vladimir Putin, người kế nhiệm ông Yeltsin. Nhờ đó, sự nghiệp kinh doanh của Roman Abramovich tiếp tục thăng hoa. Theo đó, ông đã kiếm được rất nhiều tiền từ việc mua lại các công ty trong ngành nhôm của Nga với giá hời.
Năm 2003, Abramovich đã bán 25% cổ phần của công ty nhôm RusAl cho một nhà tài phiệt khác, Oleg Deripaska, với giá 1,9 tỷ USD. Ông còn bán thêm 25% với giá 540 triệu USD. Cùng năm đó, nhà tài phiệt người Nga trở nên nổi tiếng toàn cầu khi mua CLB Chelsea.
Hàng tỷ đô la mà Abramovich kiếm được từ tư nhân hóa các công ty ở Nga đưa ông từ trẻ mồ côi trở thành nhà tài phiệt với khối tài sản kếch xù gồm bất động sản đắt tiền, chuyên cơ riêng, du thuyền và siêu xe.
Người đàn ông này cũng không ngại móc hầu bao chi tiền cho CLB Chelsea nhằm thực hiện hóa giấc mơ giành danh hiệu của đội bóng thành London.
Tuy nhiên, việc làm ăn của nhà tài phiệt người Nga từ lâu đã trở thành cái gai trong mắt giới chức Anh. Theo The Guardian, ông sở hữu 29% cổ phần của Evraz, một nhà sản xuất thép được cho là cung cấp nguyên vật liệu cho quân đội Nga sản xuất xe tăng.
Chính phủ Anh đã lấy Evraz làm lý do để nhắm mục tiêu vào Abramovich và các lệnh trừng phạt dành cho vị tỷ phú đã được đưa ra, Nước Anh cho rằng ông có "mối quan hệ thân thiết trong nhiều thập kỷ" với Tổng thống Putin, bất chấp Evraz lẫn tỷ phú Roman Abramovich nhất quyết phủ nhận phán quyết này.
Mới đây, theo tờ Wall Street Journal, tỷ phú người Nga Roman Abramovich và các thành viên phái đoàn đàm phán hòa bình Ukraine có các triệu chứng nghi nhiễm độc sau cuộc họp ở Kyiv hồi đầu tháng 3.
Cụ thể, sau cuộc họp ở thủ đô Ukraine, ông Abramovich cùng ít nhất hai thành viên cấp cao của phái đoàn Ukraine đã xuất hiện các triệu chứng bao gồm mắt đỏ, chảy nước mắt liên tục và bong tróc da trên mặt và tay của họ, tờ báo Mỹ dẫn lời các nhân chứng. Trước đó, ông Abramovich đã di chuyển từ Moscow đến nhiều thành phố ở Ukraine để tham dự các cuộc đàm phán hòa bình.
Hiện sức khỏe của ông Abramovich và các nhà đàm phán Ukraine đã ổn định và không còn nguy hiểm đến tính mạng.