Tỷ phú trồng đào trên đất ATK
Đó là anh Nguyễn Văn Quỳnh, sinh năm 1983, hội viên Chi hội Nông dân thôn Hồng Phong 1, xã Chiến Thắng, huyện Bắc Sơn. Với ý chí và khát vọng vươn lên làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương, anh đã phát triển thành công mô hình trồng cây đào thất thốn và nhất chi mai, đem lại doanh thu trên 1 tỷ đồng mỗi năm.
Những ngày giáp Tết Nguyên đán 2025, chúng tôi có dịp đến tham quan mô hình trồng đào thất thốn của gia đình anh Nguyễn Văn Quỳnh. Giới thiệu về khu vườn trồng đào rộng hơn 2 ha của gia đình, anh Quỳnh cho biết: Trên diện tích này, trước đây gia đình tôi chỉ trồng ngô, trồng mía nên hiệu quả kinh tế đem lại không cao. Sau đó, tôi cũng chuyển đổi sang trồng nhiều loại cây cảnh khác nhưng thấy không phù hợp. Nhận thấy điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương rất phù hợp để trồng cây đào cảnh, vì vậy, năm 2010, tôi đã xuống vườn đào Nhật Tân (Hà Nội) mua 100 gốc đào thất thốn về trồng thử nghiệm.
Những năm đầu khi anh Quỳnh mới bắt tay vào trồng đào, do chưa có kinh nghiệm nên mặc dù cây đào thất thốn phát triển tốt nhưng lại không nở hoa đúng dịp tết, do vậy gia đình anh chưa có thu nhập từ cây đào. Để có kiến thức, kỹ thuật trồng đào, anh Quỳnh đã chủ động tìm hiểu qua sách, báo, mạng internet và đến tận các vườn đào ở Hà Nội để học hỏi thêm. Bên cạnh đó, trong quá trình chăm sóc cây đào, anh tự đúc rút dần kinh nghiệm cho bản thân. Ngoài ra, anh còn nghiên cứu, học hỏi thêm kỹ thuật uốn, tạo thế cho cây đào. Nhờ đó, hằng năm vườn đào của gia đình anh không những nở hoa đúng vào dịp tết mà các cây đào thất thốn còn có nhiều thế đẹp được khách hàng yêu thích. Đến nay, gia đình anh có trên 1.000 gốc đào. Hằng năm, khách hàng ở khắp các tỉnh lại tìm đến tận nhà anh để mua hoặc thuê cây đào với giá dao động từ 1 đến 5 triệu đồng/cây (tùy kích cỡ). Mỗi năm, gia đình anh bán trên 500 gốc đào thất thốn và cho thuê trên 300 cây.
Không dừng lại ở đó, năm 2013, nhận thấy giá trị kinh tế của cây nhất chi mai, anh Quỳnh đã đưa vào trồng thử trên diện tích đất ruộng của gia đình. Sau 3 năm trồng và chăm sóc, thấy cây phát triển tốt, khách tìm mua nhiều, giá trị kinh tế lại cao nên anh đã tự tìm hiểu kỹ thuật nhân giống từ rễ cây. Đến nay, gia đình anh đã trồng được trên 2.000 cây nhất chi mai. Mỗi năm, gia đình anh xuất bán trên 300 cây nhất chi mai, với giá bán dao động từ 500 nghìn đồng đến 3 triệu đồng/cây (tùy kích cỡ).
Hằng năm, từ mô hình trồng cây đào thất thốn và cây nhất chi mai, tổng thu nhập của gia đình anh Quỳnh đạt hơn 1 tỷ đồng, tạo việc làm cho 4 - 5 lao động thời vụ tại địa phương. Không chỉ làm kinh tế giỏi, anh còn nhiệt tình tham gia các phong trào tại địa phương, sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm cho các hội viên, người dân có nhu cầu. Hiện nay, anh là Phó Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp cây đào xã Chiến Thắng.
Ông Dương Công Tý, Chủ tịch Hội Nông dân xã Chiến Thắng cho biết: Mô hình trồng cây đào thất thốn và cây nhất chi mai của hội viên Nguyễn Văn Quỳnh là mô hình kinh tế điển hình của hội. Với những thành tích đó, vừa qua, anh Nguyễn Văn Quỳnh được đề nghị Hội Nông dân tỉnh khen thưởng vì có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua sản xuất kinh doanh giỏi. Từ hiệu quả của mô hình này, hằng năm, Hội Nông dân xã thường xuyên đưa các hội viên khác đến tham quan, học tập anh Quỳnh trong cách nghĩ, cách làm và tinh thần vượt khó vươn lên để phát triển kinh tế gia đình, góp phần tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho hội viên.
Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/ty-phu-trong-dao-tren-dat-atk-5034504.html