Tỷ trọng dự trữ ngoại hối bằng USD giảm xuống mức thấp kỷ lục
Tỷ trọng đồng USD trong dự trữ ngoại hối toàn cầu đã giảm xuống mức thấp kỷ lục vào cuối năm 2024, khi các quốc gia tìm cách giảm sự phụ thuộc vào một đồng tiền duy nhất.

(Ảnh minh họa: Reuters)
Theo Nikkie Asia, tỷ trọng đồng USD trong dự trữ ngoại hối toàn cầu đã giảm xuống mức thấp nhất vào cuối năm 2024, khi các quốc gia ngày càng đa dạng hóa tài sản nắm giữ nhằm giảm sự phụ thuộc vào một đồng tiền duy nhất.
Theo dữ liệu từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), đồng bạc xanh chiếm 57,8% trong tổng số 12.360 tỷ USD dự trữ toàn cầu, giảm 0,6 điểm % so với năm trước và là mức thấp nhất kể từ khi dữ liệu được thống kê từ năm 1995. Vào khoảng năm 2000, tỷ trọng của đồng USD từng vượt 70%.
Thay vào đó, vàng đang nổi lên như một kênh đầu tư thay thế an toàn. Nga hiện nắm giữ khoảng 2.300 tấn vàng, chiếm 32% dự trữ ngoại hối của nước này, gấp đôi so với cách đây 10 năm.
Mỹ đã sử dụng khả năng truy cập vào hệ thống thanh toán bằng đồng USD như một công cụ trừng phạt tài chính đối với các quốc gia như Nga và Trung Quốc. Sau khi Nga xâm lược Ukraine vào năm 2022, các ngân hàng lớn của Nga đã bị cắt khỏi mạng lưới thanh toán toàn cầu SWIFT.
"Những quốc gia có thái độ phản đối Mỹ và các nước phương Tây dường như đang xây dựng một hệ thống thanh toán bằng các đồng tiền khác thay vì USD," giáo sư kinh tế Kiyotaka Sato tại Đại học Quốc gia Yokohama nhận định.
Ngày càng có nhiều lo ngại rằng thế giới sẽ dần rời xa đồng đô la dưới thời Tổng thống Donald Trump. Hiện tại, quan điểm chung là ông Trump sẽ không đến mức từ bỏ vai trò chủ chốt của đồng USD.
Tuy nhiên, theo ông Keiichi Iguchi, chiến lược gia cấp cao tại Resona Holdings, thị trường vẫn có lo ngại sâu sắc rằng vị thế của đồng USD như một đồng tiền chủ chốt có thể bị lung lay.
Ngoài ra, nhiều quốc gia châu Á cũng tăng cường tích trữ đồng yên Nhật – đồng tiền từng bị xem nhẹ do lãi suất thấp.
Tỷ trọng đồng yên trong dự trữ ngoại hối toàn cầu đã tăng năm thứ ba liên tiếp, đạt 5,82% vào cuối năm 2024. Việc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản nâng lãi suất đã góp phần nâng lợi suất trái phiếu và thu hút thêm dòng tiền đầu tư.
“Với lập trường cứng rắn của ông Trump, ngay cả với các đồng minh, việc bán USD và tích lũy đồng yên có thể đã tăng nhanh như một biện pháp phòng ngừa rủi ro,” ông Akira Moroga, chiến lược gia thị trường tại Ngân hàng Aozora cho biết.
“Xu hướng giảm tỷ trọng USD không chỉ do lo ngại về chính sách của Mỹ, mà còn là sự dịch chuyển sang hệ thống tài chính đa tiền tệ, trong đó đồng euro và yên đóng vai trò ngày càng lớn,” ông Daisuke Karakama, chuyên gia kinh tế thị trường tại Ngân hàng Mizuho nhận định.

Hội thảo Khoa học ‘Kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế’ do Hội Doanh nhân Tư nhân Việt Nam chủ trì, Tạp chí Điện tử Doanh nhân Việt Nam tổ chức. Hội thảo khoa học sẽ diễn ra vào lúc 8h00 ngày 26/05/2025, tại Khách sạn Thắng Lợi, 200 Yên Phụ, TP Hà Nội.
Hội thảo có sự hiện diện và tham gia thảo luận của đại diện một số cơ quan Đảng, bộ, ngành, các chuyên gia kinh tế đầu ngành, đại diện Hội và hiệp hội, đại diện ngân hàng, doanh nhân tư nhân…
Bên cạnh các bài tham luận riêng từ đại diện cơ quan Đảng, các chuyên gia và đại diện hiệp hội, … Hội thảo cũng tập trung thảo luận các nhóm vấn đề chính như cơ hội, tiềm năng, thách thức của kinh tế tư nhân trong sứ mệnh một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế, cũng như việc thể chế hóa đầy đủ và khoa học Nghị quyết 68/NQ-TW vào thực tiễn trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.