U ám triển vọng kinh tế toàn cầu
Cùng với khủng hoảng chuỗi cung ứng, sức ép lạm phát và rủi ro tài chính gia tăng ở nhiều nơi có thể khiến kinh tế toàn cầu lao dốc sau giai đoạn tăng trưởng nhanh
Trong báo cáo "Triển vọng kinh tế toàn cầu" mới nhất được công bố hôm 11-1, Ngân hàng Thế giới (WB) hạ dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới trong năm nay, đồng thời cảnh báo tình trạng lạm phát, nợ nần và thu nhập bất bình đẳng gia tăng có thể cản trở đà phục hồi của các nền kinh tế mới nổi.
WB dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ giảm còn 4,1% trong năm nay, so với mức 5,5% của năm ngoái và có thể tiếp tục giảm còn 3,2% vào năm 2023.
Cùng với khủng hoảng chuỗi cung ứng, sức ép lạm phát và rủi ro tài chính gia tăng ở nhiều nơi có thể khiến kinh tế toàn cầu lao dốc sau giai đoạn tăng trưởng nhanh.
Những nền kinh tế lớn như Mỹ, Trung Quốc và các nước nằm trong khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) nhiều khả năng cũng không thoát được xu hướng "giảm tốc" trong năm 2022 - WB khẳng định.
Tăng trưởng kinh tế Trung Quốc năm nay bị dự đoán giảm còn 5,1%, từ mức 8% của năm ngoái, một phần do tác động kéo dài của đại dịch Covid-19 cũng như quyết định siết chặt quy định của giới chức.
Tương tự, Ngân hàng Goldman Sachs (Mỹ) cũng hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc trong năm 2022 xuống còn 4,3% với lập luận rằng Bắc Kinh có thể tăng cường các biện pháp hạn chế nhằm kiềm chế sự lây lan của Omicron.
Nhiều nhà phân tích khẳng định với hãng tin Bloomberg rằng nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới có thể duy trì chính sách "không Covid-19" đến ít nhất là mùa thu năm nay.
WB dự đoán tăng trưởng của các nền kinh tế phát triển nói chung sẽ giảm từ 5% của năm 2021 xuống còn 3,8% của năm 2022 nhưng nếu được điều tiết phù hợp, tốc độ này vẫn đủ để giúp họ khôi phục sản lượng kinh tế về mức trước đại dịch vào năm 2023.
Trái lại, các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển (EMDE) được dự đoán là vẫn chịu thương tổn nặng nề từ Covid-19.
Đà tăng trưởng của họ không đủ mạnh để khôi phục sản lượng hoặc đầu tư về mức trước đại dịch vào năm 2023. Nhìn chung, theo WB, tốc độ tăng trưởng của EMDE sẽ giảm còn 4,6% trong năm 2022, so với 6,3% của năm 2021.
Báo cáo của WB còn cho biết Covid-19 đã khiến tình trạng bất bình đẳng thu nhập trở nên tồi tệ hơn, đặc biệt là giữa các quốc gia. Trong khi đó, lạm phát đang ở mức cao chưa từng thấy kể từ năm 2008, gây tác động đặc biệt nghiêm trọng đối với nhóm lao động thu nhập thấp.
Tình trạng giá cả leo thang buộc nhiều nền kinh tế mới nổi và đang phát triển thu lại chính sách hỗ trợ để kiềm chế lạm phát dù kinh tế còn chưa phục hồi từ đại dịch Covid-19.
Đại dịch cũng đã đẩy tổng nợ toàn cầu lên mức cao kỷ lục trong 50 năm trở lại đây. Khẳng định điều này có thể làm phức tạp nỗ lực phối hợp giảm nợ trong tương lai, WB kêu gọi hợp tác toàn cầu để hỗ trợ các nền kinh tế đang phát triển mở rộng nguồn lực tài chính cần thiết cho quá trình phát triển bền vững.
"Các nước đang phát triển hiện phải đối mặt với những vấn đề dài hạn nghiêm trọng liên quan đến tỉ lệ tiêm phòng Covid-19 thấp, chính sách vĩ mô toàn cầu và gánh nặng nợ" - Chủ tịch WB David Malpass nói.
Nhà sáng lập Công ty Hotels Above Par (Mỹ) Brandon Berkson khẳng định ngành du lịch trong năm 2022 sẽ bận rộn hơn so với giai đoạn trước đại dịch, bởi “ai cũng muốn bù đắp cho quãng thời gian đã mất”.
Dù vậy, Phó Chủ tịch điều hành Manoj Chacko của Công ty WNS (Ấn Độ) cảnh báo nhu cầu bùng nổ trở lại có thể gây ra nhiều vấn đề nếu mọi chuyện diễn ra quá nhanh. Chẳng hạn như các hãng hàng không có thể gặp khó khăn trong việc tuyển dụng lại phi công - những người có thể cần chương trình đào tạo và bồi dưỡng kỹ năng bổ sung.
Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/u-am-trien-vong-kinh-te-toan-cau-20220112203321294.htm