U biểu bì lạc chỗ, bé gái 13 tuổi bất ngờ bị điếc

ThS.BS. Ông Huy Thanh - Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng TP Cần Thơ thông tin đến báo Sức khỏe&Đời sống cho biết, các bác sĩ của bệnh viện vừa điều trị thành công 1 trường hợp bị điếc do khối cholesteatoma bẩm sinh trong tai giữa ăn mòn chuỗi xương con.

Cách đây 6 tháng, phòng khám Tai Mũi Họng của bệnh viện tiếp nhận bé gái 13 tuổi (quê Thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long) đến khám vì bị điếc và ù tai trái.

Qua thăm khám và khai thác bệnh sử, tiền sử, các bác sĩ được biết cách nay 1 năm, bé bắt đầu bị nghe kém tai trái, tình trạng nghe kém ngày càng nặng dần, kèm thỉnh thoảng có ù tai. Bé có đi khám và điều trị nhiều nơi nhưng không khỏi và tình trạng ngày càng nặng dần nên người nhà đưa bé đi khám tại bệnh viện Nhi Đồng Cần Thơ.

Hình ảnh Cắt Lớp Vi Tính: khối cholesteatoma ăn mòn xương con và lan rộng trong tai giữa trái

Hình ảnh Cắt Lớp Vi Tính: khối cholesteatoma ăn mòn xương con và lan rộng trong tai giữa trái

Tại đây, các bác sĩ cho bé nội soi tai, đo các test thăm dò chức năng tai và chụp cắt lớp vi tính tai xương đá. Kết quả phát hiện khối bất thường trong tai giữa lan rộng và hình ảnh mất liên tục hệ thống xương con trong tai giữa bên trái, sức nghe tai trái giảm khá nhiều nên bé chỉ nghe rõ được âm thanh bằng tai phải.

BS.CKI Võ Thị Thùy Linh – Trưởng Khoa Ba chuyên khoa - nhận thấy đây là bệnh khó, phức tạp, có thể nguy hiểm đến tính mạng nếu không can thiệp sớm nên cho bệnh nhi nhập viện ngay, tiến hành làm các xét nghiệm cần thiết và hội chẩn với TS.BS. Phạm Thanh Thế (bác sĩ có kinh nghiệm nhiều năm về phẫu thuật Tai), quyết định lên kế hoạch phẫu thuật cho bé.

Khối Cholesteatoma ăn mòn xương con trong tai giữa

Khối Cholesteatoma ăn mòn xương con trong tai giữa

Sau 5 giờ phẫu thuật, khối cholesteatoma ăn mòn xương trong tai giữa trái đã được lấy sạch và kiểm soát tốt. Các phẫu thuật viên nhận định “Đây là một trường hợp khó và hiếm gặp, bệnh nhi rất may mắn khi được phát hiện và phẫu thuật kịp thời, vì nếu để lâu hơn thì khối cholesteatoma có thể phá hủy xương lan rộng gây liệt mặt, gây chóng mặt và điếc tai trong không hồi phục và nguy hiểm hơn nữa là lan lên não gây viêm màng não, áp xe não nguy hiểm đến tính mạng”.

 Hình ảnh nội soi trước mổ và sau mổ cholesteatoma và tạo hình xương con lần 2

Hình ảnh nội soi trước mổ và sau mổ cholesteatoma và tạo hình xương con lần 2

Theo BS. Phạm Thành Công: “Sau khi phẫu thuật lấy sạch khối cholesteatoma, chúng tôi còn phải thực hiện một công đoạn không kém phần quan trọng sau 3 tháng là tái tạo lại hệ thống truyền âm để hồi phục lại sức nghe cho bệnh nhân”. Bé gái được theo dõi chặt chẽ sau 3 tháng và quay lại nhập viện phẫu thuật lần 2. Sau hơn 2 giờ phẫu thuật tạo hình lại xương con bị mất đi do khối cholesteatoma ăn mòn xương gây ra trước đó, bé gái đã dần hồi phục lại sức nghe.

Hiện tại, kết quả sau 3 tháng tạo hình xương con, sức nghe cải thiện gần như bình thường, giờ đây bé có thể tự tin đi học và hòa nhập với cuộc sống.

Khi trẻ có biểu hiện nghe kém hoặc không chú ý tới môi trường xung quanh, các bậc phụ huynh nên đưa bé đi khám tại các cơ sở chuyên khoa Tai Mũi Họng để phát hiện bệnh và xử trí kịp thời.

Khánh Quốc

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/u-bieu-bi-lac-cho-be-gai-13-tuoi-bat-ngo-bi-diec-n182334.html