U mỡ có nguy hiểm không?
U mỡ là hiện tượng tăng sinh mô mỡ tích tụ dưới da tuy không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe nhưng gây mất thẩm mỹ nếu xuất hiện ở cổ, cánh tay, trán.
Vậy u mỡ là gì, nguyên nhân do đâu và có nguy hiểm không?
Thế nào gọi là u mỡ? Nguyên nhân gây u mỡ
U mỡ là một khối tăng sinh mô mỡ nằm giữa da và lớp cơ bên dưới, phát triển chậm, khi sờ vào có cảm giác chắc, không cứng, dễ dàng di chuyển khi ấn nhẹ ngón tay. U mỡ thường xuất hiện ở lưng, cánh tay, vai, cổ.
U mỡ thường vô hại, có thể không cần điều trị. Tuy nhiên, nếu u mỡ gây đau, khó chịu hoặc phát triển lớn làm mất thẩm mỹ, giới hạn vận động, cản trở sinh hoạt thường ngày thì nên can thiệp, loại bỏ sớm.
Nguyên nhân:
Bệnh Dercum là chứng rối loạn hiếm gặp khiến u mỡ phát triển, gây đau, khó chịu, thường gặp ở cánh tay, chân và thân.
Hội chứng Gardner: dạng rối loạn được gọi là đa polyp gia đình (FAP).
Đa u mỡ di truyền.
Bệnh Madelung: thường gặp ở người hay uống rượu.
Tuổi tác: Người từ 40 – 60 tuổi dễ mắc.
Một số triệu chứng bệnh phổ biến của u mỡ:
Các triệu chứng gây ra bởi u mỡ thường do khối u lớn gây chèn ép vào dây thần kinh và các cơ quan khác trong cơ thể gây nên.
- Khối u dạng tròn, sờ không đau và có thể xuất hiện nhiều u mỡ ở các vị trí khác nhau, thường xuất hiện ở vùng vai, cổ, lưng, cẳng tay, cẳng chân.
- Khi khối u chèn ép dây thần kinh, có thể bị đau ở vùng có u mỡ.
- Khi khối u hình thành trong ổ bụng, có thể gây nên các triệu chứng rối loạn tiêu hóa, đau bụng.
- Khi khối u lấn sâu vào hầu họng, có thể bị khó nuốt, khó thở.
Vì u mỡ có thể được tìm thấy ở các bộ phận trong cơ thể như ruột, phổi, lồng ngực… nên ở mỗi vị trí khác nhau sẽ xuất hiện những triệu chứng bệnh khác nhau.
Các biến chứng bệnh u mỡ
- U mỡ thực chất được xem là loại u lành tính, không gây nguy hiểm tới tính mạng con người nhưng vẫn có ảnh hưởng đến sức khỏe, thẩm mỹ của người bệnh như một số trường hợp sau đây:
- Bệnh nhân có u mỡ được chẩn đoán là nguy hiểm khi có dấu hiệu phát triển quá nhanh và kích thước khối u lớn (Trong một vài trường hợp kích thước của khối u có thể tăng gấp đôi sau 12 tháng).
- Khối u mỡ phát triển sâu vào trong họng, ngực hay trung thất sẽ gây ra triệu chứng khó thở, khó nuốt.
- Các khối u mỡ hình thành tại vùng đầu cổ hoặc vai gáy có nguy cơ chèn ép lên nhiều nhóm dây thần kinh quan trọng gây đau nhức khó chịu. Nếu u mỡ không được xử lý sớm, các khối u sẽ tiếp tục phát triển với kích thước lớn hơn gây ra hậu quả nghiêm trọng như cản trở các nhóm mạch máu lớn hay chèn ép hệ thần kinh gây liệt.
- Trường hợp các khối u mỡ phát triển bên trong ổ bụng sẽ gây nhiều triệu chứng bệnh khác nhau như chướng bụng, đau bụng và thậm chí có thể làm rối loạn chức năng hoạt động của các cơ quan trong ổ bụng. Nguyên nhân chủ yếu là do các khối u mỡ hình thành và phát triển quá nhanh với kích thước lớn chèn ép lên các tổ chức xung quanh, cản trở hoạt động bình thường của các cơ quan.
Lời khuyên của bác sĩ
Đa phần u mỡ đều lành tính, không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe. Song, người bệnh không nên chủ quan mà chậm trễ điều trị. Ngay khi thấy khối u hoặc nốt sưng xuất hiện ở bất cứ đâu trên cơ thể, nên đến gặp bác sĩ để kiểm tra để được chẩn đoán và can thiệp kịp thời.
Vì nếu để u phát triển với kích thước lớn có thể chèn ép vào các dây thần kinh, ảnh hưởng đến mạch máu và là yếu tố gây nhiều bệnh khác. Cần gặp bác sĩ ngay khi thấy đau đột ngột. Kích thước u phát triển nhanh chóng. U cứng và không di chuyển dễ dàng khi chạm vào.
Để giảm nguy cơ phát triển của u mỡ bạn cần:
Duy trì cân nặng phù hợp, tránh thừa cân béo phì.
Tập luyện và sinh hoạt điều độ, khoa học.
Hạn chế các chấn thương ngoài ý muốn, bảo vệ bản thân khỏi các tác động lực quá mạnh.
Thăm khám sức khỏe định kỳ, kiểm soát tốt các bệnh lý mãn tính hoặc phát hiện sớm các dấu hiệu bệnh di truyền có khả năng gây ra u mỡ.
Hạn chế tiếp xúc với môi trường chứa hóa chất độc hại để giảm nguy cơ phát triển u mỡ.
Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/u-mo-co-nguy-hiem-khong-169240124154627655.htm