'Ừ nhưng mà', 'Em điên rồi' và 7 câu nói hủy diệt tình yêu

Một số cụm từ thường hay sử dụng trong mối quan hệ có thể khiến đối phương tổn thương, mất lòng tin và dẫn đến những cuộc tranh cãi không hồi kết.

 Trong mối quan hệ, đôi khi những câu nói tưởng chừng vô hại nhưng sẽ làm tổn thưởng đến đối phương. Ảnh minh họa: Nicolás Ortega/New York Times.

Trong mối quan hệ, đôi khi những câu nói tưởng chừng vô hại nhưng sẽ làm tổn thưởng đến đối phương. Ảnh minh họa: Nicolás Ortega/New York Times.

Jancee Dunn, cây bút của tờ The New York Times, có một người bạn là chuyên gia tư vấn mối quan hệ. Trong một cuộc trò chuyện, người phụ nữ nói với Dunn rằng gần như hàng tuần, cô đều phải nghe thấy cụm từ "Tôi chưa bao giờ nói vậy" từ các cặp đôi trong mỗi buổi tham vấn tâm lý.

Câu nói này thường dẫn đến các cuộc tranh cãi không hồi kết về việc người này đã nói hay không nói điều gì đó trong quá khứ.

Điều này khiến Dunn mong muốn tìm hiểu rằng ngoài câu nói trên, còn những câu nói hay cụm từ nào khác mà các nhà tâm lý học mong muốn các cặp đôi cần tránh khi cãi vã.

Và dưới đây là những lựa chọn của họ, cũng như giải thích vì sao các cặp đôi nên hạn chế nói những điều này, và đâu là những câu có thể thay thế.

 Những cụm từ không công nhận nỗ lực của đối phương sẽ khiến mối quan hệ trở nên căng thẳng. Ảnh minh họa: Keira Burton/Pexels.

Những cụm từ không công nhận nỗ lực của đối phương sẽ khiến mối quan hệ trở nên căng thẳng. Ảnh minh họa: Keira Burton/Pexels.

“Anh luôn luôn như vậy…”, “Em chẳng bao giờ…”

“Anh/em luôn luôn…” và “anh/em chẳng bao giờ…” thường xuyên phóng đại sự việc. Câu nói đó mang hàm ý không công nhận bất kỳ nỗ lực nào của đối tác, theo Kier Gaines, một chuyên gia tâm lý làm việc tại Washington (Mỹ).

Khi nghe những câu nói như vậy, đối phương trở nên phòng thủ. Chưa hết, từ mục đích nhằm giải quyết vấn đề, cuộc trò chuyện trở thành một trận đấu khẩu.

“Hãy cố gắng duy trì cuộc trò chuyện ở hiện tại. Việc quay lại quá khứ sẽ khiến cuộc trò chuyện trở nên phức tạp và khó giải quyết hơn”, ông nói.

Ví dụ, thay vì nói "Em chẳng bao giờ giúp đỡ anh dọn dẹp", hãy chọn một cách tiếp cận cụ thể hơn và nêu rõ những hành động vô tâm của đối phương mà bạn nhận thấy. Tiếp đến, hãy chia sẻ lý do tại sao điều đó khiến bạn phiền lòng.

“Hãy tập trung vào việc mô tả và thể hiện cảm xúc trong thời điểm hiện tại. Điều này giúp làm giảm bớt sự phức tạp của cuộc trò chuyện, tăng khả năng hiểu và giải quyết vấn đề”, Gaines nói thêm.

 Thay vì tự vệ và đưa ra những lời phản biện, chúng ta nên nêu rõ cảm xúc của mình. Ảnh minh họa: Liza Summer/Pexels.

Thay vì tự vệ và đưa ra những lời phản biện, chúng ta nên nêu rõ cảm xúc của mình. Ảnh minh họa: Liza Summer/Pexels.

“Ừ nhưng mà…”

Tiến sĩ Alexandra Solomon, nhà tâm lý học lâm sàng và trợ lý giáo sư tại Đại học Northwestern (Mỹ), cho rằng bà nghe cụm từ “Ừ nhưng mà…” rất thường xuyên.

Cụm từ này thường được sử dụng trong bối cảnh một người đang bày tỏ mối lo ngại hay vấn đề, người còn lại tỏ ra đồng ý nhưng phải kèm theo một lời phản đối.

Ví dụ, một người nói rằng “Anh đã đến muộn 10 phút đấy", đối phương đáp lại “Ừ đúng vậy, nhưng tuần trước em cũng đến muộn còn gì".

Theo chuyên gia, câu trả lời này như một cách tự vệ hoặc đối kháng, đặt ra sự so sánh giữa đôi bên. Điều này có thể tạo một không khí căng thẳng giữa cả hai.

“Ừ nhưng mà…” cũng ngụ ý rằng sự đồng tình của người này chỉ là một hành động mang tính hình thức. Trên thực tế, họ không hiểu hoặc không chấp nhận điều đó.

Tiến sĩ Solomon đề xuất rằng thay vì tự vệ và đưa ra lời phản biện, người trong cuộc nên nêu rõ cảm xúc và ngôn từ mà họ nghe thấy từ đối phương. Điều này có thể giúp tạo ra một cuộc trò chuyện tích cực, thúc đẩy sự hiểu biết và tôn trọng trong mối quan hệ.

 Sự so sánh khiến mối quan hệ đổ vỡ. Ảnh minh họa: Cottonbro Studio/Pexels.

Sự so sánh khiến mối quan hệ đổ vỡ. Ảnh minh họa: Cottonbro Studio/Pexels.

“Anh/em nên giống như…”

Theo Gaines, việc so sánh người yêu với người khác là một điều tối kỵ.

Việc so sánh có thể gây ra sự ghen tỵ, tạo ra nhiều vấn đề như hoài nghi về hình ảnh bản thân, ảnh hưởng đến sự tự tin và lòng tự trọng trong mối quan hệ.

“Ví dụ nhé, ‘Danny mỗi tháng đưa vợ đi hẹn hò đến tận 3 lần, anh nên giống như anh ấy’. Tuy nhiên, Danny là một người khác, vợ anh ấy cũng là một người khác. Mỗi người chỉ nên là chính bản thân", Gaines nói thêm.

 “Tôi chưa từng trải qua điều này trong các mối quan hệ trước…” là câu nói nhạy cảm, đầy ác ý, đổ lỗi cho người kia về các vấn đề của cả hai. Ảnh minh họa: Cottonbro Studio/Pexels.

“Tôi chưa từng trải qua điều này trong các mối quan hệ trước…” là câu nói nhạy cảm, đầy ác ý, đổ lỗi cho người kia về các vấn đề của cả hai. Ảnh minh họa: Cottonbro Studio/Pexels.

“Anh/em chưa từng trải qua điều này trong các mối quan hệ trước…”

Theo Tiến sĩ Wonbin Jung, chuyên gia tâm lý ở Silicon Valley (Mỹ), chuyên trị liệu cho các cặp đôi LGBTQ+, câu nói “Anh/em chưa bao giờ gặp vấn đề như vậy ở những mối quan hệ trước” là lời nói đầy ác ý.

Câu nói mang hàm ý trách móc hoặc đổ lỗi cho đối tác về các vấn đề trong mối quan hệ hiện tại. Điều này tạo ra một không khí của căng thẳng và có thể ảnh hưởng đến mức độ tin cậy và an toàn trong mối quan hệ.

Gaines khuyến khích việc không đưa người khác vào cuộc trò chuyện và thay vào đó là tập trung vào việc diễn đạt về nhu cầu của bạn.

Ông cho rằng điều này có thể làm cho bạn cảm thấy tổn thương, song nó mang lại kết quả tích cực hơn nhiều trong quá trình giao tiếp và giải quyết vấn đề trong mối quan hệ.

 Theo các chuyên gia, không ai có quyền quyết định xem phản ứng của người kia là “thái quá". Ảnh minh họa: RDNE Stock Project/Pexels.

Theo các chuyên gia, không ai có quyền quyết định xem phản ứng của người kia là “thái quá". Ảnh minh họa: RDNE Stock Project/Pexels.

“Anh/em đang phản ứng thái quá…”

Khi nói những lời này, người nói đang ám chỉ rằng đối tác của họ đang thể hiện cảm xúc mạnh mẽ hoặc quá mức so với tình huống.

Nhưng theo Tiến sĩ Solomon, không ai có quyền quyết định xem phản ứng của người kia là “thái quá". Câu nói này thường dùng để né tránh trách nhiệm hoặc đưa ra một đánh giá mặc định về cách người khác biểu đạt cảm xúc của họ.

Thay vì đánh giá, hãy bày tỏ sự lắng nghe và mở lòng bằng cách nói: "Được, anh/em đang lắng nghe. Hãy chia sẻ thêm với anh/em. Giúp anh/em hiểu rõ hơn về những khó khăn em/anh đang đối diện là gì”.

 Câu nói "bình tĩnh đi" chỉ khuyến mọi chuyện tệ hơn. Ảnh minh họa: Dids/Pexels.

Câu nói "bình tĩnh đi" chỉ khuyến mọi chuyện tệ hơn. Ảnh minh họa: Dids/Pexels.

“Bình tĩnh đi đã”

Theo Tiến sĩ Jung, việc yêu cầu hoặc thúc giục đối tác giữ bình tĩnh thường chỉ mang lại hiệu ứng ngược, như "thêm dầu vào lửa.

Câu nói “Anh/em điên rồi" cũng mang tính chất tương tự.

Nếu cả 2 đang mất bình tĩnh, ông thường khuyến khích họ nên nghỉ ngơi ngắn và giải tỏa sự căng thẳng.

Bên cạnh đó, nửa kia cũng nên quan tâm đến đối tác của mình bằng cách hỏi han, giúp đỡ, lắng nghe, hoặc ôm ấp.

 Bạn không thể đo lường được cảm xúc của người khác, nên không thể đưa ra những câu chủ quan như "đó không phải vấn đề lớn". Ảnh minh họa: Ron Lach/Pexels.

Bạn không thể đo lường được cảm xúc của người khác, nên không thể đưa ra những câu chủ quan như "đó không phải vấn đề lớn". Ảnh minh họa: Ron Lach/Pexels.

“Đó không phải là vấn đề lớn…”

Khi bạn nói rằng một vấn đề mà đối tác lo lắng là không quan trọng, điều đó sẽ làm giảm giá trị, sự thấu hiểu trong mối quan hệ.

“Bạn không thể đo lường được cảm xúc của người khác. Bạn không có cơ sở tham chiếu cũng không thể tự đưa ra nhận định đó”, Gaines nói.

Thay vào đó, chuyên gia gợi ý rằng bạn nên thể hiện sự tôn trọng và nhìn nhận rằng mỗi người đều có những quan điểm khác nhau.

Sau đó, hãy yêu cầu đối tác giúp bạn hiểu tại sao vấn đề đó quan trọng, và đưa ra bất kỳ sự hỗ trợ nào bạn có thể.

Thiên An

Nguồn Znews: https://znews.vn/u-nhung-ma-em-dien-roi-va-7-cau-noi-huy-diet-tinh-yeu-post1453392.html