U22 Việt Nam và cái giá của hành trình làm mới
Thất bại của U22 Việt Nam tại SEA Games 32 có thể được lý giải: cầu thủ chưa thẩm thấu được chiến thuật của HLV Troussier.
Một điều nữa, triết lý của HLV Troussier cũng chưa phù hợp với năng lực cầu thủ.
Những “ngơ ngác” của học trò
Ngay trước khi để Taufany Muslihuddin sút tung lưới Quan Văn Chuẩn lần thứ 3, người ta thấy HLV Philippe Troussier lao ra đường piste ra dấu cho các cầu thủ cần chơi chậm lại. Ông muốn nhắm vào Nguyễn Văn Trường – người hấp tấp sút lên trời, phung phí một nỗ lực trả ngược khá vừa tầm của Lê Văn Đô.
Đây không phải lần đầu tiên Văn Trường có những cú sút bất hợp lý như vậy. Khi gặp U22 Thái Lan, trong một tình huống 3 đánh 2 và đồng đội di chuyển không bóng rất thoáng, cầu thủ CLB Hà Nội vẫn xử lý cá nhân, khiến cơ hội trôi qua.
Ông Troussier rõ ràng muốn các học trò kiểm soát bóng tốt hơn, dàn xếp, ban bật, chạy chỗ để bóng đưa đến những cự ly dứt điểm thuận lợi hơn. Ông không hề nôn nóng muốn định đoạt trận đấu trong thời gian chính thức. Ngay cả khi đá hiệp phụ 30 phút, chúng ta vẫn còn nguyên đó lợi thế hơn người.
Nhưng ở trong sân, mọi thứ không tuân theo những chỉ đạo đó. Cầu thủ U22 Việt Nam dường như chỉ muốn sớm kết thúc cuộc tra tấn thể lực với một đối thủ tuy thiếu người nhưng chơi co cụm, câu giờ và… vẫn còn rất khỏe.
Thừa mong muốn ghi bàn nhưng lại thiếu ý tưởng để biến nó thành hiện thực, U22 Việt Nam đã phải trả giá đắt bởi những sai lầm. Ở bàn thua khiến chúng ta không thể gượng dậy được nữa, Huỳnh Công Đến là người chuyền một đường vội vã để đối thủ phản công, và cũng chính anh lại dễ dàng bị vượt qua ở vị trí đánh chặn.
Công bằng mà nói, tinh thần các cầu thủ U22 Việt Nam khá vững vàng, đặc biệt trong hoàn cảnh bất lợi bị dẫn trước. Họ không ào ạt lao lên, không xáo trộn đội hình, không vỡ trận, nhưng khi có những lợi thế nhất định thì họ mới bộc lộ rõ sự lúng túng và “thiếu bài”.
Và những bất cập trong triết lý của thầy
Việc U22 Việt Nam thiếu bài tấn công là quá rõ ràng, vì chúng ta từng chơi hơn 2 người so với U22 Malaysia, hơn 1 người so với U22 Indonesia, nhưng đều không thể tạo ra nhiều cơ hội tiếp cận cầu môn. Bản thân ông Troussier yêu cầu học trò chơi chậm lại, nhưng ngay cả trong lúc chậm, chúng ta cũng không chắc chắn rằng các phương án dứt điểm hiệu quả hơn.
Phút 90+2, Nguyễn Văn Tùng khống chế bóng rất đĩnh đạc trước hàng thủ U22 Indonesia, anh chờ các đồng đội leo lên ở hai biên nhưng không ai có tín hiệu sẵn sàng phối hợp. Tiền đạo từng ghi 5 bàn trước đó buộc phải sút chân trái cầu may.
Trong nhiều tình huống khác, nhân lực tấn công của U22 Việt Nam không hề ít, nhưng thay vì tự tin đập nhả lôi kéo hàng thủ đối phương để tìm khe hở, họ chọn cách đưa bóng xuống biên và tạt. Trong những trận đấu cân sức cân tài, HLV Sritaro của U22 Thái Lan hay Sjafri của U22 Indonesia không quá khó khăn để bắt bài cách chơi này của chúng ta.
Kiểm soát bóng theo triết lý của HLV Philippe Troussier là một yêu cầu chính đáng. Nhưng nó chỉ là nền tảng để chúng ta có thể làm những việc tiếp theo. U22 Việt Nam thì lại bế tắc trong những việc tiếp theo đó.
Thiệt thòi cho Troussier là trong tay ông lúc này không có một cầu thủ chia bài đúng nghĩa. U22 Việt Nam không còn mẫu kĩ thuật cá nhân tốt như Nguyễn Quang Hải, Nguyễn Hoàng Đức, những người chỉ bằng một cú xoay trụ hay một động tác giả thoát pressing là có thể mở ra khoảng trống mênh mông. Cũng không còn những hậu vệ vừa giỏi đeo bám và tranh chấp vừa tinh tế chuyền những đường phản công như Đoàn Văn Hậu, Nguyễn Thanh Bình, Bùi Hoàng Việt Anh… - những cái tên mà ông Troussier rất tiếc.
Nhưng nhìn rộng ra đối thủ, Thái Lan, Indonesia cũng tuân thủ luật chơi tuổi dưới 22, cũng thiếu những quân cờ chủ lực mà HLV của họ hằng ưa thích. Về phía chúng ta, không thể nói các cầu thủ thiếu chất lượng, vì Phan Tuấn Tài, Lương Duy Cương, Vũ Tiến Long, Trần Quang Thịnh… đều đã từng chơi tốt, giành một hoặc vài danh hiệu như HCV SEA Games 31, vô địch U23 Đông Nam Á, vào tứ kết U23 châu Á cách đây chỉ 1 năm dưới tay các HLV Park Hang-seo, Gong Oh-kyun hoặc thầy nội Đinh Thế Nam. Nhưng kỳ SEA Games này, họ không “sáng” như kỳ vọng.
Trong cách vận hành lối chơi của HLV Troussier, có vẻ như phòng ngự không phải yếu tố được chú trọng đúng mức. Minh chứng là U22 Việt Nam thua tất cả các trận giao hữu và đá tập, trong đó thủng lưới trước cả các CLB trung bình yếu như TPHCM, Bà Rịa Vũng Tàu.
Nhưng vào giải chính với mục tiêu chính, hàng thủ vẫn là nơi “đốt” mọi hy vọng của toàn đội với những sai sót cá nhân và những lỗi tập thể lặp đi lặp lại. Ban huấn luyện của chúng ta đã không rút kinh nghiệm kịp thời cho các học trò.
Bây giờ là thời điểm rất nhạy cảm để so sánh ông Troussier và ông Park. Chúng ta chỉ nên nhìn vào kết quả và xu hướng cầm quân.
Ông Park khi vào trận luôn đặt yếu tố thủ chắc lên đầu. Đội bóng của ông nhiều thời điểm chơi không đẹp mắt, không thỏa mãn giấc mơ vươn tầm, nhưng ít nhất, với các đối thủ Đông Nam Á ở độ tuổi U22, U23, chúng ta đều thắng trong các trận quan trọng.
Ông Troussier với bất lợi của người đến sau, muốn và cần phải có những cách tân. Cách tân cơ bản là truyền lửa tấn công cho đội bóng. Nhưng với thực lực của chúng ta hiện tại, tấn công mà không lo phòng thủ là nước đi đầy mạo hiểm.
Đổi thay nào cũng cần có thời gian và có trả giá. Nhưng đổi thay nào thì cũng phải dựa trên sự phù hợp với năng lực, với sở trường. Giữa ước muốn và thực tế luôn có độ vênh mà nếu người HLV không thể cân bằng, uy tín của ông sẽ bị ảnh hưởng trước tiên.
Ông Troussier còn hợp đồng khá dài với bóng đá Việt Nam. Chúng ta cũng cần ủng hộ ông trong các cơ hội khác với đội tuyển lớn, như vậy mới công bằng. Nhưng e rằng ngay từ lúc này, vị thế của ông đã không còn yên ả…
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/u22-viet-nam-va-cai-gia-cua-hanh-trinh-lam-moi-post1431120.html