U23 Đông Nam Á 2025: AFF tăng cường chống tiêu cực
Trước thềm các trận đấu sôi động của Giải vô địch U23 Đông Nam Á 2025, Liên đoàn Bóng đá Đông Nam Á (AFF) đang siết chặt các biện pháp phòng chống tiêu cực, trong đó có buổi họp trực tuyến quan trọng với các đội tuyển tham dự, trong đó có cả U23 Việt Nam.

AFF siết chặt công tác phòng chống tiêu cực tại giải vô địch U23 Đông Nam Á 2025. Ảnh: VFF
Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, sáng 16/7, đội tuyển U23 Việt Nam cùng các đội tuyển khác đã tham dự cuộc họp trực tuyến do AFF tổ chức, tập trung vào các quy định và cơ chế ngăn chặn tiêu cực trong bóng đá. Đây là hoạt động thường xuyên trong khuôn khổ các giải đấu của AFF nhằm bảo vệ uy tín, hình ảnh và sự toàn vẹn của bóng đá khu vực.
Tại cuộc họp, đại diện AFF đã phổ biến những nội dung cốt lõi, nhấn mạnh các quy định xử lý nghiêm khắc đối với mọi hành vi dàn xếp tỷ số, mua chuộc cầu thủ hoặc trọng tài và các hình thức gian lận khác. Ban tổ chức khuyến cáo toàn bộ thành viên các đội tuyển phải tuyệt đối tuân thủ: không tham gia cá cược; không tiết lộ thông tin nội bộ và không móc nối với các đối tượng bên ngoài nhằm trục lợi. AFF khẳng định mọi trường hợp liên quan tiêu cực sẽ phải đối mặt với những hình phạt nặng, bao gồm việc bị truy cứu trách nhiệm pháp luật và cấm tham gia hoạt động bóng đá vĩnh viễn.
Ngoài ra, AFF cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hợp tác chặt chẽ với các cơ quan điều tra, cảnh sát và các tổ chức chống gian lận thể thao quốc tế để kịp thời chia sẻ thông tin, phối hợp xử lý khi có sự cố phát sinh. Các quy định về tinh thần fair-play, chống bạo lực sân cỏ cũng được phổ biến kỹ lưỡng.
Cuộc họp trên diễn ra trong bối cảnh nước chủ nhà Indonesia cũng đang thể hiện quyết tâm làm trong sạch nền bóng đá dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Indonesia (PSSI) Erick Thohir. Ông Thohir từng nhiều lần khẳng định sẽ "quét sạch" tiêu cực và hợp tác chặt chẽ với các cơ quan pháp luật để xử lý triệt để các vụ việc.
Quyết tâm này được thể hiện qua công tác an ninh được thắt chặt ở mức độ cao cho giải đấu. Hàng trăm nhân viên an ninh, bao gồm cảnh sát và quân đội, đã được triển khai để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các trận đấu diễn ra tại Jakarta và Bekasi. Mặc dù mục tiêu chính là an toàn cho khán giả và các đội tuyển, sự hiện diện an ninh dày đặc cũng góp phần tạo ra một môi trường được kiểm soát chặt chẽ, gây khó khăn cho các hoạt động phi pháp có thể ảnh hưởng đến kết quả trận đấu.