U23 Việt Nam và hành trình 'đãi cát tìm vàng'
Trong bối cảnh bóng đá trẻ khu vực đang chuyển mình mạnh mẽ, đội tuyển U23 Việt Nam không chỉ mang theo sứ mệnh bảo vệ ngôi vương, mà còn gánh trên vai kỳ vọng trở thành nền tảng cho mục tiêu dài hơi của bóng đá nước nhà - hướng tới vòng loại thứ ba World Cup 2030 và xa hơn là VCK World Cup 2034.

Đội tuyển U23 Việt Nam đã có mặt tại Indonesia để sẵn sàng cho hành trình bảo vệ chức vô địch U23 Đông Nam Á
Bước đi thận trọng
Nếu như ở hai kỳ đăng quang trước (2022 và 2023), U23 Việt Nam lần lượt dưới quyền dẫn dắt của HLV Đinh Thế Nam và HLV Hoàng Anh Tuấn có thể “dễ thở” hơn trước các đối thủ khu vực, thì lần này, tình hình đã khác. Không phải ngẫu nhiên mà Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) quyết định cử HLV trưởng đội tuyển quốc gia Kim Sang-sik trực tiếp dẫn dắt U23, một động thái cho thấy tầm quan trọng của giải đấu này trong chiến lược chuẩn bị lâu dài.
Sự cạnh tranh ở sân chơi U23 Đông Nam Á đang khốc liệt hơn bao giờ hết. Chủ nhà U23 Indonesia đặt quyết tâm cao độ nhằm đăng quang ngay trên sân nhà, trong khi U23 Malaysia và U23 Thái Lan cũng không giấu tham vọng “vẽ lại bản đồ” bóng đá trẻ khu vực.
Chính sách nhập tịch cầu thủ cùng sự đầu tư bài bản từ cấp liên đoàn cho thấy đây không còn là sân chơi mang tính giao hữu hay cọ xát đơn thuần. Mỗi trận đấu giờ đây đều là bài kiểm tra thực lực thực sự, không chỉ cho cầu thủ trẻ mà còn cho cả các nền bóng đá.
Sau ba tuần rèn quân và thi đấu giao hữu tại Việt Nam, HLV Kim Sang-sik chốt danh sách 23 cầu thủ sang Indonesia, một đội hình pha trộn giữa kinh nghiệm trẻ và khát khao chứng tỏ bản thân. Những cái tên như Phạm Lý Đức, Nguyễn Văn Trường, Khuất Văn Khang, Nguyễn Đình Bắc hay Nguyễn Thái Sơn đều là những người đã hoặc đang có mặt trong hệ thống đội tuyển quốc gia, với nền tảng kỹ chiến thuật tốt, thể hình phù hợp và ý chí cầu tiến rõ rệt.
Điều đáng chú ý là việc thầy Kim loại bỏ một loạt cầu thủ từng ghi dấu ấn như Đinh Xuân Tiến, Hồ Văn Cường hay Lê Văn Thuận, những cái tên vốn quen mặt với người hâm mộ. Sự lựa chọn này phản ánh cách tiếp cận hoàn toàn khác biệt đó là không ưu tiên danh tiếng hay quá khứ, mà đặt trọng tâm vào phong độ thực tại và sự thích nghi với triết lý bóng đá hiện đại. Tập thể U23 lần này không phải để “thử nghiệm”, mà là bước sàng lọc nghiêm túc cho quá trình dài hạn.
Dù gặp một số trở ngại trong công tác di chuyển ở Jakarta do tình trạng giao thông ùn tắc, toàn đội vẫn duy trì kỷ luật tập luyện cao. Buổi tập đầu tiên vào tối 14.7 tập trung vào các bài thả lỏng, hồi phục sau hành trình bay, trước khi bước vào giáo án chiến thuật chuyên sâu từ ngày 15.7.
Lãnh đội Nguyễn Anh Tuấn, các trợ lý kỹ thuật và HLV Kim Sang-sik cũng đã tham dự đầy đủ các cuộc họp kỹ thuật và họp báo do ban tổ chức sắp xếp.
Bài toán thành tích và chiến lược dài hạn
Sẽ là thiếu thực tế nếu chỉ đặt mục tiêu vô địch lên hàng đầu. Từ góc nhìn phát triển bền vững, bóng đá trẻ phải được xem như mảnh đất “trồng người”. Những chiếc cup đã giành được trong quá khứ, dù có giá trị về mặt danh hiệu, cũng chưa thể là bảo chứng cho sự chuyển giao thế hệ hiệu quả.
Câu hỏi đặt ra là: Bao nhiêu cầu thủ từ các lứa vô địch U23 Đông Nam Á 2022, 2023 hay SEA Games 31 thực sự góp mặt trong đội tuyển quốc gia hiện nay?
Thực tế đáng lo ngại ở AFF Cup 2024, chỉ có Vĩ Hào là cầu thủ U23 hiếm hoi có suất đá chính trong đội hình đội tuyển quốc gia. Những cái tên như Văn Trường, Thái Sơn, Quốc Việt, Văn Khang hay Trung Kiên vẫn đang “chấp chới” ở ranh giới đội hình chính thức. Từ năm 2015 đến nay, chưa có giai đoạn nào mà sự hiện diện của các cầu thủ lứa U23 lại mờ nhạt đến vậy trong đội tuyển Việt Nam.
Trong khi đó, theo lộ trình của đề án phát triển bóng đá Việt Nam, đội tuyển quốc gia sẽ bắt đầu vòng loại World Cup 2030 từ năm 2027 và vòng loại World Cup 2034 từ 2031.
Giai đoạn 2027-2031 chính là thời kỳ đỉnh cao phong độ của các cầu thủ sinh năm 2003-2004, tức lứa U23 hiện tại. Việc đầu tư, phát hiện, rèn giũa những “hạt vàng” trong đội hình hiện nay là điều kiện tiên quyết để Việt Nam có thể hiện thực hóa giấc mơ World Cup.
Giải U23 Đông Nam Á 2025, xét cho cùng không chỉ là nơi để tranh cup, mà còn là nơi “đãi cát tìm vàng”. Trong bối cảnh cầu thủ trẻ ngày càng thiếu sân chơi do áp lực thành tích tại cấp CLB và đội tuyển quốc gia, việc được thi đấu trong môi trường có tính cạnh tranh thực sự như hiện tại là cơ hội rất quý giá.
Vấn đề không nằm ở thắng hay thua trận, mà ở chỗ có thể tìm thấy ai thực sự là “vàng thật” để đưa lên ĐTQG. Những cái tên như Trung Kiên, Văn Trường, Thái Sơn, Lý Đức... đều đang đứng trước ngã rẽ hoặc khẳng định mình ở U23 để tiến bước lên tuyển, hoặc tiếp tục luẩn quẩn trong vòng xoay “cầu thủ triển vọng”.
Trong bóng đá, bản lĩnh và kinh nghiệm tích lũy qua các giải đấu là thứ không thể mua bằng tiền. Áp lực từ Thái Lan, Indonesia, Malaysia ở giải lần này sẽ là phép thử đủ tầm để thấy được ai có tố chất để trở thành trụ cột tương lai.
Không có con đường tắt nào để đến với World Cup, và cũng không có “phù thủy” nào có thể biến một lứa cầu thủ chưa chín thành đội hình mạnh chỉ sau một đêm. Mọi thứ phải bắt đầu từ sự tôi luyện và hành trình ở Indonesia năm nay chính là một phần của chặng đường đó.
Trong những ngày tập luyện tại Jakarta, U23 Việt Nam không chỉ đối mặt với những buổi tập nặng, mà còn đối mặt với chính kỳ vọng từ người hâm mộ và bài toán tái định vị bản thân trong bối cảnh bóng đá trẻ Đông Nam Á đang chuyển mình.
Chúng ta hoàn toàn có cơ sở để vượt qua vòng bảng nơi chỉ phải đối đầu với Lào và Campuchia, nhưng các trận bán kết hoặc chung kết tiềm tàng gặp Indonesia, Malaysia hay Thái Lan sẽ là “cuộc chiến thật sự”.
Nguồn Văn hóa: http://baovanhoa.vn/the-thao/u23-viet-nam-va-hanh-trinh-dai-cat-tim-vang-152671.html