Ðưa Cà Mau vào nhóm thứ hạng cao về PAR INDEX

Chỉ số Cải cách hành chính (PAR INDEX) của tỉnh Cà Mau năm 2024 đạt 89,33%, xếp hạng 20/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (tăng 2,44%, tăng 14 bậc so với năm 2023); xếp thứ 3 khu vực Ðồng bằng sông Cửu Long. Ðây là năm mà Chỉ số Cải cách hành chính (CCHC) của tỉnh có vị trí xếp hạng cao nhất trong 13 năm qua kể từ khi Bộ Nội vụ triển khai việc chấm điểm, xác định Chỉ số CCHC của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đến nay.

Quyết tâm đưa tỉnh Cà Mau vào nhóm có thứ hạng cao trong bảng xếp hạng Chỉ số CCHC cấp tỉnh được cụ thể hóa thành nhiệm vụ cụ thể và giao trách nhiệm thực hiện đối với các Sở: Nội vụ, Tư pháp, Tài chính, Khoa học và Công nghệ, Văn phòng UBND tỉnh. Theo đó, phấn đấu năm 2025 các lĩnh vực đánh giá, tiêu chí, tiêu chí thành phần của Chỉ số PAR INDEX, Chỉ số SIPAS được cải thiện so với kết quả đã đạt được năm 2024.

Tỉnh Cà Mau khẩn trương thực hiện lộ trình sắp xếp cán bộ, công chức các ngành, các cấp đáp ứng điều kiện, tiêu chuẩn về trình độ chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, đảm bảo yêu cầu nhiệm vụ sau sắp xếp, tinh gọn bộ máy.

Tỉnh Cà Mau khẩn trương thực hiện lộ trình sắp xếp cán bộ, công chức các ngành, các cấp đáp ứng điều kiện, tiêu chuẩn về trình độ chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, đảm bảo yêu cầu nhiệm vụ sau sắp xếp, tinh gọn bộ máy.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Văn Bi nhấn mạnh: “Phải xem nhiệm vụ cải thiện, nâng cao Chỉ số PAR INDEX, Chỉ số SIPAS của tỉnh là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị. Từ đó, tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả công tác CCHC toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương; đồng thời có biện pháp khắc phục đối với các nội dung còn hạn chế để cải thiện, nâng cao Chỉ số PAR INDEX, Chỉ số SIPAS trong năm 2025 và những năm tiếp theo”.

Ðể đạt được mục tiêu nêu trên, tỉnh đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, chỉ đạo điều hành, đặc biệt là xây dựng và phát triển Chính quyền điện tử, Chính quyền số. Thực hiện kiểm tra CCHC ít nhất 30% số cơ quan, đơn vị, đồng thời hoàn thành việc xử lý hoặc kiến nghị xử lý kịp thời tất cả những vấn đề được phát hiện qua kiểm tra theo đúng quy định.

Hệ thống quản lý văn bản và điều hành (iOffice) đến nay đã triển khai sử dụng đến 661 cơ quan, đơn vị Nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp xã, với gần 11.000 tài khoản người dùng đang hoạt động; tỷ lệ chữ ký số được sử dụng đạt 100%, văn bản đi sử dụng chữ ký số đạt 99,75%, hồ sơ công việc được xử lý trên môi trường mạng đạt trên 93%.

Ðẩy mạnh tuyên truyền để người dân lựa chọn và sử dụng phương thức nộp hồ sơ trực tuyến, không trực tiếp làm thay để người dân dần thao tác được các bước thực hiện trên môi trường điện tử.

Ðẩy mạnh tuyên truyền để người dân lựa chọn và sử dụng phương thức nộp hồ sơ trực tuyến, không trực tiếp làm thay để người dân dần thao tác được các bước thực hiện trên môi trường điện tử.

Từ đầu năm đến nay, Ðoàn kiểm tra CCHC tỉnh đã tiến hành kiểm tra ngẫu nhiên hồ sơ thủ tục hành chính (TTHC) lĩnh vực đất đai và hồ sơ thực hiện trích lục bản đồ địa chính thửa đất, trích đo địa chính thửa đất. Ðồng thời, điện thoại trực tiếp tất cả người dân có tên trong hồ sơ được kiểm tra để khảo sát mức độ hài lòng của người dân tại chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai 3 đơn vị cấp huyện: Ðầm Dơi, Trần Văn Thời và Ngọc Hiển; qua đó kịp thời chấn chỉnh quy trình thực hiện.

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương không ngừng đổi mới, sáng tạo trong công tác CCHC, chủ động nghiên cứu, triển khai hoặc đề xuất những sáng kiến, giải pháp mới trong thực hiện CCHC tại cơ quan, đơn vị, địa phương. Phấn đấu trong năm mỗi sở, ban, ngành tỉnh có ít nhất một sáng kiến hoặc giải pháp mới trong thực hiện CCHC có phạm vi áp dụng trên địa bàn tỉnh. Phấn đấu trong năm tỉnh có ít nhất 3 sáng kiến hoặc giải pháp mới về CCHC được Bộ Nội vụ công nhận.

Một trong những giải pháp để nâng cao mức độ hài lòng của người dân là tỉnh tiếp tục thực hiện công tác rà soát, đơn giản hóa TTHC, đặc biệt là TTHC liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh. Từ đầu năm đến nay, Chủ tịch UBND tỉnh quyết định cắt giảm thời gian giải quyết đối với 5 TTHC, từ 20% trở lên, đến nay toàn tỉnh có trên 1.400 TTHC được cắt giảm thời gian giải quyết so với quy định, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Ðồng thời, tỉnh tiếp tục phát huy hiệu quả trong tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả TTHC theo hướng không phụ thuộc vào địa giới hành chính đối với 105 TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp tỉnh, cấp huyện; từ đầu năm đến nay đã tiếp nhận 986 hồ sơ.

Những tháng đầu năm nay, tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn và trước hạn đạt cao: cấp tỉnh đạt 100%, cấp huyện đạt 99,73%, cấp xã đạt 99,73%; mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước trung bình đạt 97,4%.

“Các cơ quan, đơn vị, địa phương phải phân định rõ các bước trong quy trình giải quyết TTHC, đảm bảo rõ người rõ việc, rõ thời gian hoàn thành. Cán bộ, công chức, viên chức trực tiếp tham gia quy trình giải quyết TTHC phải thường xuyên rà soát hồ sơ TTHC nhằm đảm bảo giải quyết kịp thời. Tăng cường kiểm tra, giám sát để kịp thời phát hiện cán bộ, công chức, viên chức chưa đáp ứng yêu cầu hoặc chậm xử lý giải quyết hồ sơ TTHC cho tổ chức, cá nhân; xử lý, kiến nghị xử lý các trường hợp cán bộ, công chức, viên chức có sai phạm trong quá trình giải quyết TTHC”, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Văn Bi chỉ đạo.

Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu công tác tuyên truyền phải đảm bảo trọng tâm, trọng điểm, để người dân lựa chọn và sử dụng phương thức nộp hồ sơ trực tuyến, không trực tiếp làm thay để người dân dần thao tác được các bước thực hiện trên môi trường điện tử, góp phần tăng tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến; phấn đấu năm 2025 có 100% hồ sơ TTHC do cơ quan hành chính của tỉnh tiếp nhận, giải quyết được đồng bộ, công khai trên Cổng Dịch vụ công quốc gia và công khai trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh.

Hiện tại, song song với tinh gọn tổ chức bộ máy, sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, Cà Mau khẩn trương cơ cấu, sắp xếp lại đội ngũ công chức, viên chức các cấp, các ngành theo vị trí việc làm; đảm bảo 100% công chức, viên chức được bố trí đúng đề án vị trí việc làm được phê duyệt. Ðồng thời, rà soát, đánh giá đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã; từ đó đưa ra lộ trình, sắp xếp cán bộ, công chức cấp xã đáp ứng điều kiện, tiêu chuẩn về trình độ chính trị, chuyên môn nghiệp vụ theo quy định, đảm bảo yêu cầu nhiệm vụ sau sắp xếp./.

Mộng Thường

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/dua-ca-mau-vao-nhom-thu-hang-cao-ve-par-index-a38978.html