Ðưa Chỉ thị 17 vào đời sống

Từ khi Chỉ thị số 17-CT/TU của Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền đối với việc khai thác nguồn lợi thủy sản có tính hủy diệt trên địa bàn tỉnh (Chỉ thị 17) được ban hành, các địa phương huyện Cái Nước tích cực triển khai thực hiện, qua đó góp phần nâng cao ý thức của người dân trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Ông Huỳnh Hùng Em, Phó chủ tịch UBND huyện, cho biết: “UBND huyện đã chỉ đạo UBND cấp xã giao công an xã tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, rà soát, lập danh sách các hộ sống bằng nghề khai thác có tính chất hủy diệt, vận động người dân ký cam kết và giao nộp hóa chất, dụng cụ khai thác có tính chất hủy diệt, đồng thời chuyển đổi nghề”.

Trên địa bàn các xã, thị trấn của huyện Cái Nước đến nay đã triển khai tuần tra, kiểm soát trên 110 cuộc, xử lý vi phạm hành chính 13 vụ, tổng mức phạt 53 triệu đồng; vận động 18 cá nhân ký cam kết không khai thác tận diệt; vận động 2 hộ tự giao nộp bộ kích điện. Ðến nay, chưa phát hiện cá nhân dùng hóa chất, chất độc để khai thác thủy sản (KTTS).

Công an xã Thạnh Phú tăng cường công tác tuyên truyền người dân thực hiện nghiêm Chỉ thị 17.

Công an xã Thạnh Phú tăng cường công tác tuyên truyền người dân thực hiện nghiêm Chỉ thị 17.

Xử lý nghiêm vi phạm

Vào lúc 0 giờ 30 phút ngày 17/12/2023, Công an xã Thạnh Phú nhận được tin báo của quần chúng Nhân dân ấp Láng Cùng, trên sông Lung Dừa thuộc ấp Láng Cùng có 1 phương tiện vỏ máy đang thực hiện hành vi dùng dụng cụ kích điện để KTTS.

Ðại úy Dương Thanh Sang, Phó trưởng Công an xã Thạnh Phú, cho biết: “Khi nhận được tin báo cũng là lúc lực lượng đang đi tuần tra. Vì lực lượng mặc đồ thường phục nên đối tượng không để ý, vẫn cho phương tiện hoạt động khai thác bình thường. Ðể bắt được đối tượng, chúng tôi phải lên kế hoạch kỹ càng vì nhận thấy đối tượng sử dụng kích điện công suất lớn, nếu lực lượng ập vào vây bắt có thể gây thương vong đến tính mạng”.

Theo đó, lực lượng đã bắt được quả tang đối tượng thực hiện hành vi vi phạm. Tại trụ sở, đối tượng khai tên Trần Chí Linh, ngụ xã Lợi An, huyện Trần Văn Thời, hành nghề KTTS bằng dụng cụ kích điện được một thời gian. Tang vật thu được là trên 10 kg cá lớn, nhỏ. Về sự nguy hiểm của hành vi, Ðại úy Sang cho biết: “Ðối tượng không dùng kích điện bình thường, mà dùng dây điện lắp xung quanh thân vỏ và nút kích điện được đặt dưới chân đối tượng. Khi đối tượng nhấp vào nút thì điện sẽ phát ra cả thân vỏ, tạo ra luồng điện rất lớn làm tê liệt nguồn thủy sản trong vùng đó. Ngoài ra, qua đấu tranh đối tượng khai nhận, nếu gặp lực lượng chức năng thì bắt buộc lực lượng sẽ nhảy xuống sông mới bắt được đối tượng, lúc đó để tẩu thoát, đối tượng sẽ nhấn nút kích điện, tạo ra nguồn điện dưới nước làm tê liệt lực lượng chức năng, đối tượng sẽ dễ dàng tẩu thoát”.

Vỏ máy được cải hoán và bao kín bằng điện có công suất lớn của đối tượng Trần Chí Linh.

Vỏ máy được cải hoán và bao kín bằng điện có công suất lớn của đối tượng Trần Chí Linh.

Ông Nguyễn Văn Tèo, hộ dân tại ấp Láng Cùng, bức xúc: “Ban đêm họ chạy ầm ầm, có khi 2, 3 phương tiện, chúng tôi thấy thì báo cho công an viên ấp, nhưng có khi họ hoạt động vào khung giờ khuya, mọi người ngủ hết, đâu có hay mà báo. Riết rồi nguồn lợi thủy sản dưới sông rạch không còn gì luôn. Với những đối tượng này, đề nghị phải xử lý nghiêm”.

Tại xã Trần Thới, Thiếu tá Ngô Ðức Em, Trưởng Công an xã, cho biết: "Thời gian qua, đơn vị tích cực phối hợp với các đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến từng hộ dân trên địa bàn, đồng thời cho các trường hợp nằm trong diện nghi vấn sử dụng dụng cụ kích điện ký cam kết không thực hiện hình thức KTTS tận diệt. Tuy nhiên, trên địa bàn vẫn còn xảy ra vụ việc mà đối tượng là người từ địa phương khác đến KTTS trên tuyến sông do xã quản lý”.

Công an xã Trần Thới họp bàn phương án tác chiến với các đối tượng dùng công cụ khai thác thủy sản theo hình thức hủy diệt.

Công an xã Trần Thới họp bàn phương án tác chiến với các đối tượng dùng công cụ khai thác thủy sản theo hình thức hủy diệt.

Ðầu năm nay, vào khoảng 0 giờ ngày 6/1, trên đường tuần tra ở ấp Cái Chim, tuyến sông Bào Chấu, lực lượng công an phát hiện có đối tượng đang KTTS bằng hình thức kích điện. Lực lượng đã trưng dụng phương tiện của người dân tiến hành vây bắt. Ðối tượng là Tô Văn Thừa, ngụ ấp Tân Phú, xã Tân Hưng Ðông; dụng cụ thu được là bình ắc quy 200 Ah và dụng cụ kích điện có công suất lớn. "Dụng cụ kích điện này sẽ làm tê liệt các loài cá lớn, các loài cá nhỏ có thể chết hoặc nếu may mắn sống sót thì mất khả năng sinh sản”, Thiếu tá Ngô Ðức Em chia sẻ.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Lên Văn Sử trao Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho những tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong triển khai và thực hiện Chỉ thị 17

Phó chủ tịch UBND tỉnh Lên Văn Sử trao Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho những tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong triển khai và thực hiện Chỉ thị 17

Cần chế tài đủ mạnh

Nhìn lại các vụ việc trên, hầu hết phương tiện kích điện do các đối tượng mua của người khác hoặc tự chế để sử dụng và ngày càng tinh vi, sức hủy diệt mạnh hơn.

Ðại úy Dương Thanh Sang thông tin: “Quá trình điều tra, lực lượng chức năng gặp rất nhiều khó khăn trong việc truy tìm nguồn gốc dụng cụ kích điện".

Ông Huỳnh Hùng Em chia sẻ: “Trên địa bàn huyện có hơn 218 tuyến kênh, chiều dài trên 780 km, trong khi đó lực lượng làm nhiệm vụ không nhiều, do vậy việc phát hiện đối tượng rất khó khăn. Mặt khác, đối tượng khai thác cũng rất ranh ma, lợi dụng một số tuyến vắng người, tuyến không có lộ giao thông nông thôn, lợi dụng đêm khuya khi lực lượng làm nhiệm vụ và người dân nghỉ ngơi để KTTS tận diệt. Song song đó, các đối tượng còn sử dụng công cụ, phương tiện cải hoán nên gây khó khăn cho lực lượng làm nhiệm vụ”.

Thiếu tá Ðức Em bộc bạch: “Ðơn vị được trang bị phương tiện thủy để tuần tra trên sông, tuy nhiên phương tiện có công suất nhỏ, trong khi phương tiện của các đối tượng được cải hoán, công suất lớn, nên khi có sự việc xảy ra thì vây bắt không được. Mặt khác, nếu trưng dụng phương tiện của người dân thì cũng gặp khó, vì đối tượng chủ yếu hoạt động vào ban đêm, khi đó người dân đã ngủ, việc trưng dụng phương tiện gây phiền hà đến bà con”.

Ðây không chỉ là khó khăn riêng của huyện Cái Nước mà là khó khăn chung của các địa phương có nhiều tuyến sông lớn. Ðó là chưa kể đến vấn đề đối tượng dùng kích điện có thể ảnh hưởng đến tính mạng của mình và lực lượng làm nhiệm vụ.

Theo khoản 1 Ðiều 28 Nghị định số 42/2019/NÐ-CP của Chính phủ, đối với hành vi vi phạm dùng dụng cụ kích điện (không sử dụng tàu cá) để KTTS, mức phạt hành chính từ 3-5 triệu đồng.

Ông Nguyễn Văn Bửu, Trưởng ấp Láng Cùng, cho rằng: “Tôi nghĩ mức phạt này quá thấp đối với hành vi khai thác tận diệt thủy sản. Cần nâng cao mức phạt, thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự đối với những đối tượng dùng dụng cụ điện công suất lớn để khai thác thủy sản. Tổ chức xử lý vi phạm lưu động một vài đối tượng, từ đó mới tạo được sức răn đe chung và cảnh cáo những đối tượng vì hám lợi mà không chịu từ bỏ ý đồ khai thác thủy sản trái phép"./.

Kim Cương

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/dua-chi-thi-17-vao-doi-song-a32764.html