Ðưa hàng tết lên vùng cao

Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 đã cận kề, thời điểm này các đại lý, cửa hàng kinh doanh, chợ, siêu thị... tại các huyện vùng cao đã chủ động dự trữ, nhập thêm các loại mặt hàng, nhu yếu phẩm thiết yếu phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân.

Nhân viên Siêu thị GreenMart Bá Thước sắp xếp lại hàng hóa phục vụ tết.

Nhân viên Siêu thị GreenMart Bá Thước sắp xếp lại hàng hóa phục vụ tết.

Để cung ứng hàng hóa cho thị trường tết, nhiều tháng qua các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đã lập kế hoạch, xây dựng chiến lược với mong muốn đưa hàng Việt về với bà con vùng sâu, vùng xa, đặc biệt khó khăn. Tại các cửa hàng, đại lý, siêu thị, chợ một số huyện vùng cao, hàng hóa được bày bán có mẫu mã, chủng loại phong phú, đa dạng, chất lượng tốt, nguồn gốc rõ ràng. Phần lớn là mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu sinh hoạt hằng ngày của người dân, như: nếp, đậu các loại, dầu ăn, sữa, gia vị, bánh kẹo, may mặc, gia dụng...

Như thường lệ, cứ vào dịp này, cửa hàng tạp hóa của chị Nguyễn Thị Hải, ở khu phố Chiềng Trải (thị trấn Lang Chánh) lại chuẩn bị số lượng lớn hàng hóa phục vụ bán tết. Tuy vậy, năm nay dự báo sức mua giảm, gia đình chị chỉ nhập về các mặt hàng truyền thống, phù hợp với thu nhập của bà con để tránh tồn đọng. Chị Hải cho biết, do tính đặc thù và điều kiện kinh tế ở vùng cao, thời điểm này dù nhiều sản phẩm được bày bán nhưng số lượng người mua rải rác. “Bây giờ đường sá đi lại thuận tiện, nhiều điểm bán hàng lưu động về tận thôn, bản, người dân có thể thỏa sức lựa chọn mua sắm, không còn phải lo chuyện ra trung tâm huyện sắm sửa tết như trước đây nữa”, chị Hải nói.

Xe lưu động cung ứng hàng hóa cho các cửa hàng, khu vực chợ Ba Si, xã Kiên Thọ, Ngọc Lặc.

Xe lưu động cung ứng hàng hóa cho các cửa hàng, khu vực chợ Ba Si, xã Kiên Thọ, Ngọc Lặc.

Do chỉ họp duy nhất vào ngày thứ 7 hằng tuần, lượng hàng hóa đổ dồn về nhiều, người mua, kẻ bán ở chợ phiên Trung Hạ (Quan Sơn) đông đúc hơn hẳn. Ngoài bày bán các sản phẩm rau, củ, quả, nông sản địa phương, phiên chợ xuất hiện nhiều mặt hàng được các doanh nghiệp, tiểu thương từ nhiều nơi mang đến phục vụ nhu cầu mua sắm của Nhân dân như: quần áo, giày dép, đồ thủ công mỹ nghệ, gia dụng... Anh Phạm Văn Thuật, bản Din, xã Trung Hạ, cho biết: Thông qua các kênh thông tin, tuyên truyền bà con ngày càng quan tâm hơn đến chất lượng, mẫu mã, nguồn gốc sản phẩm, không ham rẻ, mua hàng kém chất lượng như trước. Thay vào đó, lựa chọn, sử dụng nhiều hơn các mặt hàng trong nước sản xuất...

“Thời điểm hiện tại, siêu thị đã nhập về đầy đủ các loại mặt hàng, chủ yếu là hàng Việt Nam chất lượng cao, đồng thời chủ động phối hợp với chính quyền địa phương đưa một số nông sản sạch để bày bán. Xu hướng mua sắm năm nay đã có sự thay đổi, đó là người dân tập trung vào các dòng sản phẩm chăm sóc sức khỏe. Trong giai đoạn này, siêu thị cũng đã triển khai nhiều chương trình khuyến mại, quan tâm đến chất lượng đầu vào sản phẩm cũng như thị hiếu nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân trong dịp tết đến xuân về...”, chị Lê Thị Trâm Anh, quản lý Siêu thị GreenMart, có địa chỉ tại huyện Bá Thước thông tin.

Nhộn nhịp chợ phiên Trung Hạ, xã Trung Hạ, huyện Quan Sơn.

Nhộn nhịp chợ phiên Trung Hạ, xã Trung Hạ, huyện Quan Sơn.

Chợ thị trấn Cành Nàng (Bá Thước) có quy mô 1.200m2, với trên 100 gian hàng, bày bán đầy đủ các loại mặt hàng từ lương thực, thực phẩm, đến đồ gia dụng, quần áo, giày dép... các loại. Để đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân địa phương và các xã lân cận, đặc biệt trong những ngày tết, các tiểu thương chủ động nhập về nhiều các sản phẩm hàng hóa phong phú, đa dạng. Theo ông Nguyễn Văn Quyết, ban quản lý chợ, để kích cầu tiêu dùng, thời gian trước, trong và sau tết, đơn vị đã phối hợp các ngành chức năng thường xuyên kiểm tra, theo dõi nguồn gốc xuất xứ sản phẩm cũng như vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm. Tổ chức để các tiểu thương ký cam kết thực hiện văn hóa, văn minh, ứng xử trong buôn bán, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng găm hàng, ép giá, hàng kém chất lượng. Khuyến khích các doanh nghiệp trong và ngoài huyện tăng cường các chuyến hàng lưu động, đem hàng Việt về buôn bán ở chợ.

“Trên địa bàn huyện có khoảng gần 1.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh, buôn bán nhỏ, ngoài ra còn có hệ thống siêu thị, chợ truyền thống ở các xã, thị trấn. Hằng năm, bên cạnh việc phòng ngừa, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng sản xuất, buôn bán, vận chuyển, kinh doanh hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, kém chất lượng, không đảm bảo an toàn thực phẩm, phòng đã tham mưu UBND huyện triển khai nhiều nội dung trong hoạt động quản lý thị trường. Phối hợp chặt chẽ các cơ quan, đơn vị tổ chức nhiều hoạt động cung - cầu, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm nông sản an toàn. Tăng cường rà soát, nắm bắt tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất nông sản, thực phẩm trên địa bàn huyện cũng như xây dựng kế hoạch dự trữ hàng hóa, đảm bảo chuẩn bị đầy đủ lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu với chất lượng, giá cả hợp lý, góp phần phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân trước, trong và sau tết...”, ông Hà Văn Kiên, Phó trưởng Phòng Kinh tế hạ tầng huyện Bá Thước, cho biết.

Bài và ảnh: TRUNG LÊ

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/dua-hang-tet-len-vung-cao-34832.htm