Ðưa pháp luật tới gần dân hơn

ĐBP - Những năm qua, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh luôn được các cấp, ngành, các tổ chức chính trị xã hội đẩy mạnh tuyên truyền và đã đạt nhiều kết quả tích cực. Trong đó, việc mở các phiên tòa xét xử lưu động tại các địa phương của Tòa án nhân dân tỉnh được xem là một trong những giải pháp hiệu quả, là cầu nối góp phần đưa pháp luật đến gần với người dân.

Việc xét xử lưu động luôn thu hút đông đảo người dân quan tâm, tham dự phiên tòa. Trong ảnh: Hàng nghìn người dân theo dõi xét xử Vụ án “Nữ sinh giao gà” tại Sân vận động TP. Ðiện Biên Phủ. Ảnh: Tú Trinh

Năm 2019, tòa án nhân dân 2 cấp đã tổ chức xét xử lưu động 113 vụ, trong đó Tòa án nhân dân tỉnh xét xử 5 vụ, còn lại là Tòa án nhân dân các huyện, thị xã, thành phố. Những vụ án đưa ra xét xử lưu động chủ yếu với các tội danh như: Mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy, mua bán người...

Nói về công tác xét xử lưu động của Tòa án nhân dân 2 cấp trong thời gian qua, ông Phạm Văn Nam, Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh cho biết: Các vụ án được lựa chọn đưa ra xét xử lưu động thường là những vụ án hình sự có tính chất điển hình về tội danh, hành vi phạm tội và thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận; đặc biệt, xét xử lưu động là hình thức xét xử công khai được tổ chức tại nơi xảy ra vụ án hoặc địa bàn được coi là điểm “nóng” của tội danh đưa ra xét xử. Qua quá trình xét hỏi, tranh tụng và tuyên án, hội đồng xét xử phân tích, tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật có liên quan để những người có mặt tại phiên tòa hiểu rõ, từ đó rút ra bài học cho bản thân, đồng thời giáo dục, khuyên răn con cháu sống và làm việc theo Hiến pháp, pháp luật Nhà nước. Tuy nhiên, do việc xét xử lưu động phải thực hiện nơi xảy ra vụ án, vì vậy cơ sở vật chất phục vụ cho hoạt động có lúc, có nơi chưa đảm bảo, việc di chuyển các phương tiện phục vụ cho công tác còn nhiều khó khăn, tốn kém. Trong khi đó kinh phí dành riêng cho việc xét xử lưu động không có nên đơn vị phải trích từ nguồn chi thường xuyên của Tòa án nhân dân tỉnh để thực hiện. Nhưng với mục đích mang kiến thức pháp luật đến gần dân hơn, Tòa án nhân dân tỉnh luôn khắc phục khó khăn thực hiện các phiên xét xử lưu động nhằm nâng cao nhận thức của người dân về pháp luật. Qua đó, đẩy lùi tội phạm, đảm bảo an ninh trật tự, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Cũng theo ông Phạm Văn Nam, có một số quan điểm cho rằng không nên xét xử lưu động, không chỉ tốn kém, mất nhiều thời gian, công sức, trong khi người dân có thể tìm hiểu pháp luật trên các báo, trang thông tin điện tử… Tuy nhiên, với một tỉnh miền núi như Ðiện Biên thì việc xét xử lưu động là rất cần thiết, vì không phải người dân nào cũng có điều kiện để cập nhật thông tin trên mạng internet, hoặc đọc sách báo. Nhất là đối với địa bàn vùng sâu, vùng xa, nơi có nhiều người dân tộc thiểu số, trình độ pháp luật của người dân còn hạn chế thì đây là kênh phổ biến giáo dục pháp luật hiệu quả, dễ “thấm” sâu vào đời sống của nhân dân, gắn với các vụ việc, sự kiện, con người cụ thể. Ðồng thời, đây cũng là biện pháp tăng cường tính công khai, minh bạch, nghiêm minh của tòa án, tạo niềm tin trong nhân dân về vai trò quản lý xã hội của Nhà nước, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người dân.

Dự phiên xét xử lưu động vụ án “nữ sinh giao gà” cuối năm 2019, do Tòa án nhân dân tỉnh tổ chức tại Sân vận động tỉnh, bà Ngô Thị Mai, phường Noong Bua (TP. Ðiện Biên Phủ) bày tỏ: Ðược tận mắt chứng kiến Hội đồng xét xử làm việc - tranh tụng, đưa ra các bằng chứng xác thực mà các bị cáo không thể chối cãi mới thấy được tính nghiêm minh của pháp luật đối với tội phạm nguy hiểm. Nếu không tham dự phiên tòa xét xử lưu động vừa qua thì tôi và một số người dân cũng không biết việc không tố giác tội phạm cũng là một hành vi phạm tội.

Mỗi bản án đưa ra sau khi phiên tòa kết thúc không chỉ thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật đối với người phạm tội mà còn có tác dụng răn đe, giáo dục, phòng ngừa tội phạm. Từ đó, người dân sẽ có ý thức và tích cực, chủ động hơn trong việc tố giác tội phạm; đồng thời, cung cấp nhiều thông tin có giá trị cho cơ quan công an nhằm đấu tranh hiệu quả với các loại tội phạm, góp phần đảm bảo an ninh trật tự tại cơ sở.

Thực tế, do hiểu biết còn hạn chế, nhiều người phạm tội nhưng không hề biết hành vi đó là vi phạm pháp luật, hoặc có những đối tượng biết rõ hành vi đó là phạm pháp nhưng vẫn cố tình, chính vì vậy việc xét xử lưu động là cách đưa pháp luật đến với người dân nhanh nhất. Hiệu quả không chỉ ở khía cạnh nâng cao nhận thức pháp luật cho người dân, đảm bảo tính nghiêm minh, răn đe mà qua đó còn giúp người dân có thêm thông tin về các thủ đoạn phạm tội mới, nâng cao ý thức cảnh giác, đấu tranh và phòng ngừa tội phạm.

Tú Trinh

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/phap-luat/176022/%C3%B0ua-phap-luat-toi-gan-dan-hon