Ðưa ứng dụng công nghệ thông tin về cơ sở

Là huyện vùng cao còn nhiều khó khăn nhưng Bắc Hà đã có sự quan tâm đầu tư về cơ sở vật chất, đảm bảo 100% xã, thị trấn trên địa bàn có thể ứng dụng công nghệ thông tin vào công việc và dịch vụ hành chính công.

Cán bộ xã Tả Củ Tỷ sử dụng máy vi tính phục vụ công việc.

Cán bộ xã Tả Củ Tỷ sử dụng máy vi tính phục vụ công việc.

Tả Củ Tỷ là xã khó khăn nhất của huyện Bắc Hà, cách trung tâm huyện gần 30 km, đường sá đi lại khó khăn. Nhờ được quan tâm đầu tư cơ sở vật chất nên 22 cán bộ, công chức xã có máy vi tính phục vụ công việc. Theo ông Phàn Văn Dồn, Phó Chủ tịch UBND xã, vài năm trước xã được đầu tư 10 máy vi tính để cán bộ làm việc. Vì số máy ít nên nhiều khi làm việc rất khó khăn. Từ tháng 3/2020, xã Tả Củ Tỷ và xã Bản Già sáp nhập thành 1 và lấy tên xã mới là Tả Củ Tỷ, cơ sở vật chất chuyển về 1 xã nên lượng máy vi tính phục vụ cho công việc tăng gấp đôi, mỗi cán bộ 1 máy. Ở xã cũng có 3 máy tính xách tay phục vụ công việc của lãnh đạo và kế toán xã. 100% máy vi tính được kết nối mạng LAN. 15/22 cán bộ xã được đào tạo bài bản, sử dụng thành thạo máy vi tính phục vụ công việc. Đặc biệt, xã đã có mạng internet tại trung tâm, khoảng 10 hộ ở thôn Sảng Mào Phố đã được dùng internet và có 1 điểm truy cập internet công cộng.

Theo thống kê của huyện Bắc Hà, đến tháng 6/2020, 21 xã, thị trấn trên địa bàn đã có mạng LAN và mạng internet đến trung tâm xã. Riêng UBND xã Bản Phố được đầu tư hệ thống mạng LAN do Sở Thông tin và Truyền thông lắp đặt. 100% phòng, ban chuyên môn của huyện có mạng LAN, mạng internet. Tổng số có 597 máy vi tính đang sử dụng tốt tại các xã, thị trấn, cơ quan trong huyện phục vụ công việc, trong đó 569 máy để bàn, 28 máy xách tay. Từ cuối năm 2019, huyện đã triển khai thành công phần mềm họp trực tuyến tới các cơ quan, đơn vị, UBND các xã, thị trấn. Phối hợp với Kho bạc Nhà nước triển khai thành công dịch vụ công qua Kho bạc Nhà nước, đảm bảo 100% hồ sơ, chứng từ được thực hiện trên môi trường mạng. Các ngành trên địa bàn đã đưa vào sử dụng hiệu quả 12 phần mềm quản lý chuyên ngành riêng như phần mềm đánh giá công chức, cơ sở dữ liệu ngành, phần mềm quản lý nhân sự, phần mềm kiểm định chất lượng…

Ông Trần Ngọc Phương, Phó Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện (cơ quan tham mưu, triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trên địa bàn huyện) cho biết: Thời gian qua, huyện đã đầu tư đồng bộ cơ sở vật chất công nghệ thông tin nhằm phục vụ xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh gắn với cải cách hành chính. Nhờ đó, việc ứng dụng công nghệ thông tin ở huyện được nâng lên. Điều đó thể hiện bằng việc Bắc Hà triển khai hiệu quả công việc trên môi trường mạng. Trong 6 tháng đầu năm 2020, tổng số văn bản đến là 71.814, văn bản đi là 10.281 và văn bản điện tử được ký số tại cơ quan, đơn vị là 8.412.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính trên địa bàn vẫn còn một số khó khăn, hạn chế như: Một số thủ tục hành chính mức độ 3, mức độ 4 không phát sinh hồ sơ dẫn tới tỷ lệ thủ tục hành chính được giải quyết qua mức độ 3, mức độ 4 của huyện còn thấp; việc triển khai dịch vụ BCCI trong dịch vụ công còn gặp khó do nhu cầu của người dân…

Trong thời gian tới, huyện Bắc Hà tiếp tục đôn đốc các địa phương sử dụng các phần mềm dùng chung của tỉnh; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin tại các đơn vị trên địa bàn huyện; tổ chức chấm điểm việc ứng dụng công nghệ thông tin tại các cơ quan, đơn vị, UBND các xã trên địa bàn huyện để có định hướng mới trong đầu tư cơ sở vật chất, trang - thiết bị nhằm nâng cao hơn nữa việc ứng dụng công nghệ thông tin và xây dựng chính quyền điện tử trên địa bàn.

Đức Toàn

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/khoa-hoc-va-doi-song/ua-ung-dung-cong-nghe-thong-tin-ve-co-so-z13n20200817090419764.htm