Ùa về một trời ký ức tuổi thơ

Trong những buổi gặp mặt của nhóm bạn thời thơ ấu, thế nào cũng có 'tiết mục' nhắc lại kỷ niệm đáng nhớ. Khác với bây giờ, kỷ niệm về những năm 'một chín chín mấy' không liên quan tới internet, mà gắn liền với những trò nhảy ngựa nhảy dây, bắt chuồn chuồn, chọi dế... Kể những câu chuyện vui nho nhỏ, cuốn sách 199 mấy hồi ấy làm gì? như chuyến tàu đưa độc giả trở về nhà ga ký ức tuổi thơ.

Cuốn sách 199 mấy hồi ấy làm gì? được chia làm 2 phần. Phần I là những câu chuyện gắn với kỷ niệm về khu tập thể, về sinh hoạt hè, về nếp sống ngày thường và trong các ngày lễ Tết... Phần lớn là khác với bây giờ. Trẻ con Hà Nội bây giờ nào có ai lấy lon sữa bò làm nồi, lấy rau muống dại, hoa mướp để chơi đồ hàng. Kẹo bánh nhiều, giờ có đứa trẻ nào ăn “tiết kiệm” bằng cách cất bã kẹo cao su để ngày mai nhai lại?... Đó là kỷ niệm tưởng của riêng tác giả, nhưng thực ra là ký ức tuổi thơ mà nhiều trẻ em sống ở Hà Nội những năm 1990 đã trải qua.

Hai tác giả Trang Neko và Xuân Lan đã khéo léo chọn các chi tiết cuốn hút để dẫn dắt câu chuyện, hoàn thành cuốn sách vừa vui vẻ, dễ thương, vừa đầy hoài niệm khiến nhiều độc giả “U40”, “U50” như gặp lại bản thân mình trong từng trang viết. Kết thúc câu chuyện tuổi thơ của tác giả, đó là khi cô bé phải chuyển nhà: “Việc chuyển đi khỏi khu tập thể giống như một nấc thang khiến tôi phải chào tạm biệt quãng thời gian thơ ấu của mình sớm hơn. Tôi cố gắng gom những niềm vui, những tiếng cười đã từng hiện diện ở nơi này để cất vào một góc của trái tim mình”.

Một phần của những niềm vui, tiếng cười ấy đã được tác giả trải ra từng trang sách. Phần 2 của 199 mấy hồi ấy làm gì? là “bộ phim” mà theo các tác giả, “chắc là ai cũng còn nhớ”. Ở đó, đồ ăn vặt “huy hoàng” là ô mai giun, ô mai đất, thứ hoa quả miễn phí không thể không nếm thử là hoa dâm bụt và dâu da xoan, món mút mát thần tiên là kem túi... Ở đó có những trò chơi vận động như ném lon, ủn đẩy, nhảy ngựa, nhảy dây... Ở đó, đồ chơi “huyền thoại” là “lật đật” Liên Xô, là con quay, là gấp giấy “Đông Tây Nam Bắc”, nhà ai có điều kiện thì chơi điện tử xếp gạch, máy bắn vòng nước... Và còn cả những bộ phim “kinh điển” của tuổi thơ “199 mấy” như Hãy đợi đấy, Thủy thủ Popeye, Bao Thanh Thiên, Ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên..., các bộ “truyện tranh thời thiếu thốn” như Đô rê mon, Bảy viên ngọc rồng, Thủy thủ mặt trăng...

Phần phụ lục chỉ một trang giấy nhưng khiến ai cũng phải bật cười khi “gặp” lại hai nhân vật đặc biệt thời thơ bé mà vốn chẳng ai biết mặt là “ông ba bị” và “mẹ mìn”. Hai “hung thần” vừa quen vừa lạ này đã được biết bao phụ huynh ngày ấy “triệu tập” thường xuyên để vừa dỗ vừa dọa để lũ trẻ nghe lời.

Với lời văn ngắn gọn, dễ thương của Trang Neko cùng những bức tranh sinh động của họa sĩ Xuân Lan, cuốn sách 199 mấy hồi ấy làm gì? không chỉ là món quà tuổi thơ cho những người đã từng là trẻ con, mà còn là lời nhắc nhở người lớn hãy để trẻ em hôm nay có được một tuổi thơ tự do khám phá thế giới xung quanh mình như nhân vật trong cuốn sách, thay vì chỉ gắn với ti vi, điện thoại hay các thiết bị điện tử thông minh.

Vân Lam

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/sach/986942/ua-ve-mot-troi-ky-uc-tuoi-tho