UAE công bố hợp đồng khí đốt lớn trước thềm COP28
Gã khổng lồ hydrocarbon của Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), ADNOC, hôm thứ Tư (ngày 9/8) đã công bố một hợp đồng trị giá 3,6 tỷ USD nhằm mở rộng cơ sở hạ tầng xử lý khí đốt. Hợp đồng này được trao cho một liên doanh giữa một công ty địa phương và một tập đoàn Tây Ban Nha.
Thông báo này được công bố khi quốc gia vùng Vịnh giàu dầu mỏ chuẩn bị tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh khí hậu của Liên hợp quốc, COP28, vào cuối tháng 11, trong bối cảnh các nhà hoạt động môi trường đang chỉ trích tác động của nhiên liệu hóa thạch đối với hiện tượng nóng lên toàn cầu.
"ADNOC Gas đã trao hợp một đồng trị giá 3,6 tỷ USD nhằm mở rộng cơ sở hạ tầng xử lý khí đốt tại UAE", theo hãng thông tấn chính thức WAM.
Hợp đồng được trao cho một liên doanh giữa hai công ty chuyên về kỹ thuật dầu khí là Công ty Xây dựng Dầu khí Quốc gia của Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và Tập đoàn Tecnicas Reunidas của Tây Ban Nha.
"Việc vận hành cơ sở hạ tầng xử lý khí đốt mới trong phạm vi hợp đồng sẽ giúp tối ưu hóa nguồn cung cho khu liên hợp công nghiệp Ruwais", ở phía tây của tiểu vương quốc Abu Dhabi, WAM cho biết.
WAM khẳng định đây là một phần trong chiến lược của UAE nhằm "tăng cường hoạt động khai thác khí đốt từ các mỏ hiện có và phát triển các nguồn tài nguyên chưa được khai thác".
ADNOC Gas là công ty con của ADNOC, hiện sở hữu trữ lượng khí đốt ước tính lớn thứ 7 trên thế giới và là một trong những nhà xuất khẩu dầu thô hàng đầu thế giới.
Tháng trước, ADNOC đã bày tỏ tham vọng "tăng tốc" nhằm đạt được mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2045 thay vì năm 2050 như công bố trước đây.
Việc bổ nhiệm ông chủ của ADNOC, Sultan Al-Jaber, làm Chủ tịch COP28 hồi tháng 1 đã làm dấy lên hoài nghi và thậm chí là chỉ trích từ nhiều nhà bảo vệ môi trường.
Tuy nhiên, người bảo vệ ngành công nghiệp hydrocacbon, ông Sultan Al-Jaber, đã thừa nhận trong một cuộc phỏng vấn với AFP rằng việc cắt giảm lượng dầu và khí đốt là "cần thiết" và "không thể tránh khỏi", đồng thời kêu gọi hành động thực tế để tránh một "cuộc khủng hoảng năng lượng" trên toàn cầu.