UAE đốt rác để phát điện
Đối với những núi rác thải chất đống trên sa mạc, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) đã tìm ra cách xử lý mới: dùng lò đốt biến chúng thành điện năng.
UAE, một trong những nước xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới, đang xây dựng các nhà máy đốt rác phát điện đầu tiên tại vùng Vịnh để giảm bớt vấn nạn rác thải lâu năm, cùng lúc đó là giảm sự phụ thuộc vào các trạm phát điện chạy bằng xăng, dầu.
Các nhóm hoạt động môi trường không ủng hộ hoàn toàn biện pháp này. Họ cho rằng việc tái chế, làm phân hữu cơ và thay đổi thói quen trong bối cảnh tỷ lệ tiêu thụ lãng phí quá lớn sẽ tốt hơn cho môi trường, đồng thời cảnh báo nguy cơ ô nhiễm từ các lò đốt sử dụng nhiều khí nhà kính.
Tuy nhiên, kỹ sư cấp cao Nouf Wazir tại công ty quản lý rác thải Bee’ah, lập luận việc đốt rác phát điện chính là cách tận dụng những thứ không thể tái chế được nữa. “Không phải mọi người đều hiểu rằng rác cũng có giá trị”, nữ kỹ sư nói. Cơ sở đốt rác ở thành phố Sharjah dự kiến đi vào hoạt động trong năm nay, với công suất đốt trên 300.000 tấn rác mỗi năm để cấp điện cho 28.000 hộ gia đình.
Tại Dubai, một nhà máy khác cũng đang được phát triển với chi phí 1,1 tỷ USD, theo tiết lộ của Hitachi Zosen Inova – một trong những công ty tham gia dự án trên. Khi được hoàn thành năm 2024, nhà máy ở Dubai sẽ là một trong những cơ sở lớn nhất thế giới, có khả năng tiêu hủy 1,9 triệu tấn rác mỗi năm, tương đương 45% lực lượng rác hộ gia đình hiện nay tại thủ đô Dubai.
Sức tiêu thụ mạnh
Khi UAE đã mọc lên như nấm từ một tiền đồn trên sa mạc thành một trung tâm kinh doanh thịnh vượng, chất thải đã tăng lên gấp bội.
Khi UAE phát triển từ một tiền đồn trên sa mạc trở thành một trung tâm kinh doanh thịnh vượng, chất thải đã tăng lên gấp bội. Việc tiêu thụ điện cũng vậy. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế, việc sử dụng điện tại quốc gia này đã tăng 750% kể từ năm 1990.
Giờ đây với gần 10 triệu người, tức gấp 5 lần dân số cách đây 30 năm, quốc gia giàu có này càng sử dụng nhiều điện năng cũng như thải ra nhiều rác tính theo đầu người hơn bất kỳ quốc gia nào khác. Các nhà chức trách đã đặt ra mức thải rác là 1,8 kg/người mỗi ngày.
Ông Riad Bestani, nhà sáng lập ECOsquare – công ty cố vấn về vấn đề quản lý rác thân thiện với môi trường ở Dubai – cho biết tại UAE, người dân tiêu thụ rất nhiều và họ cũng vứt bỏ rất nhiều.
Các bãi rác nằm ngổn ngang khắp UAE. Chỉ riêng ở Dubai đã có 6 khu chứa rác với diện tích khoảng 1,6 triệu mét vuông. Nếu không có các giải pháp khác, ước tính rằng các bãi rác sẽ chiếm 5,8 triệu mét vuông vào năm 2041 – rộng lớn hơn 800 sân bóng đá cộng lại.
Bà Emma Barber, Giám đốc của Dgrade chuyên thiết kế quần áo và phụ kiện từ chai nhựa tái chế, cho biết: Chi phí trả cho các bãi chôn lấp là không đáng kể nên người dân dễ dàng đổ tất cả các vật liệu vào sa mạc".
UAE đã đặt mục tiêu đa dạng hóa hoạt động sản xuất điện, hơn 90% trong số đó đến từ các nhà máy chạy bằng khí đốt. Năm ngoái, UAE đã khai trương nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của thế giới Arab và tận dụng đặc điểm địa lý là một trong những khu vực nắng nóng nhất thế giới để tăng đáng kể nguồn năng lượng Mặt trời.
Trong thời gian chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh về khí hậu COP26 ở Glasgow khai mạc ngày 31/10, UAE cho biết họ đang nhắm mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050.
Phân loại và tái chế
Trong khi những người ủng hộ khẳng định nhà máy đốt rác phát điện sẽ giảm thiểu nguy cơ gây ô nhiễm, các nhà hoạt động lại đòi hỏi những cách tiếp cận khác. Theo ông Janek Vahk tại tổ chức Zero Waste Europe, việc đốt rác có thể dễ dàng hơn cách chôn lấp tốn diện tích, song không thân thiện với môi trường.
Ông Vahk nói với hãng thông tấn AFP: "Điều có lợi nhất cho khí hậu và môi trường sẽ tái chế và làm phân trộn”. Zero Waste Europe đã kêu gọi ngừng hoạt động các lò đốt chất thải mới và loại bỏ dần các lò đốt cũ vào năm 2040, đồng thời đưa ra cảnh báo rằng điện mà họ sản xuất giải phóng nhiều khí nhà kính ngang ngửa với nhiên liệu hóa thạch.
Theo ông, các nhà máy đốt rác sẽ hoạt động hiệu quả hơn tại những quốc gia Tây Bắc châu Âu khí hậu lạnh, để tận dụng luôn lượng nhiệt sản sinh ra, chứ không phải ở vùng sa mạc nóng bức. Chi phí xây dựng các cơ sở này cũng rất lớn và chúng đòi hỏi nguồn đầu vào liên tục để duy trì vận hành.
Ông Rami Shaar, nhà đồng sáng lập công ty khởi nghiệp thu thập quần áo cũ và tái chế Washmen, cho rằng phương án đốt rác lấy điện không phải nguồn năng lượng xăng cần thiết.
Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/uae-dot-rac-de-phat-dien-20211104154706017.htm