UAE 'lột xác' bến thuyền thành siêu cảng thế giới

Các Tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất (UAE) đã xây đảo nhân tạo để làm cảng, mở khu vực kinh doanh tự do, kết nối với sân bay, cao tốc, đưa bến thuyền bé nhỏ trở thành cảng biển sôi động bậc nhất trên thế giới.

Quá trình "lột xác"

UAE có tổng cộng 10 cảng chính, trong đó một cảng lọt top 50 cảng container hàng đầu thế giới do Hội đồng Vận tải biển Thế giới xếp hạng. Đó là cảng Jebel Ali nằm ở Dubai.

Cảng Jebel Ali. Nguồn: Gulf.

Cảng Jebel Ali. Nguồn: Gulf.

Đây là cảng có lượng lưu thông hàng hóa lớn thứ 9 trên thế giới, là bến cảng nhân tạo lớn nhất và cũng là cảng lớn và sôi động nhất ở Trung Đông, chiếm khoảng 85% lưu lượng container của Dubai.

Cảng này được xây dựng vào cuối những năm 1970, mở cửa vào năm 1979. Jebel Ali nằm trên một hòn đảo nhân tạo dài 9km, rộng 2km và có độ sâu 17m. Cảng có sức chứa 20 triệu container 20 feet tiêu chuẩn(TEU) và có thể tiếp nhận tới 85% số tàu lớn nhất thế giới.

Nắm rõ khả năng và lợi thế của UAE, trong chuyến thăm vương quốc này hồi đầu tháng 12, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã gợi ý một số định hướng như phát triển các đô thị cảng biển thay vì cảng biển đơn thuần, các quỹ đầu tư UAE có thể tham gia ngay vào việc phát triển các trung tâm tài chính của Việt Nam.

Jebel Ali có cơ sở vật chất hiện đại và dịch vụ đa dạng, khiến nơi đây trở thành lựa chọn ưu tiên của các công ty vận tải biển. Mỗi năm, lưu lượng hàng hóa đi qua Jebel Ali làhơn 14 triệu TEUs mỗi năm.

Cảng Jebel Ali được kết nối thuận tiện với thành phố bằng mạng lưới đường bộ và đường sắt chuyên dụng.

Để nhìn lại quá trình UAE xây dựng được hệ thống cảng tầm cỡ như vậy, phải quay về mốc thời gian đầu những năm 1900.

Thời điểm đó, bến thuyền của Dubai được mở cửa tự do và hàng hóa bắt đầu được di chuyển qua vùng biển xung quanh. Các tàu buôn lớn thả neo ngoài khơi và dỡ hàng tơ lụa, gia vị và đồ kim khí để kiểm tra an ninh, thông quan ở Dubai.

Tuy nhiên, lúc đó lượng kho hàng hạn chế nên chỉ hỗ trợ được cho một số mặt hàng nhất định. Số hàng hóa còn lại chất đống trên bãi cát và chờ người nhận hàng đến lấy. Trong bối cảnh này, có rất nhiều hàng hóa bị hư hỏng phải đưa vào kho lưu trữ riêng và hầu hết không được xử lý.

Việc vận chuyển hàng hóa thường được thực hiện bằng xe lửa, hoặc đôi khi là xe kéo tay. Từ Dubai, hàng hóa được chuyển đến quận Diera, từ đây hàng hóa được bán và tái xuất đi bằng các thuyền nhỏ.

Năm 1970, một bước phát triển lớn trong lịch sử hàng hải của UAE đã diễn ra. Nhờ doanh thu từ dầu mỏ, UAE đã chính thức xây dựng cảng Rashid, từ đó dần chuyển hoạt động giao thương từ bến thuyền Dubai sang cảng Rashid.

Nhu cầu xử lý hàng hóa cũng thúc đẩy cảng phải cơ giới hóa các thiết bị phục vụ tại cảng, đồng thời xây dựng các khu vực lưu trữ quy mô lớn.

Vào giữa những năm 1980, Rashid trở thành hải cảng trung tâm khu vực với nhiều tuyến vận chuyển kết nối với vùng Vịnh và giúp trung chuyển hàng hóa quốc tế.

Vào mùa cao điểm, gần 70% container đến UAE được xuất đi thông qua Rashid.

Nhu cầu ngày càng cao, đòi hỏi thời gian vận chuyển ngắn hơn cùng sự phát triển của công nghệ, cũng như kích thước tàu container ngày càng tăng, các hải cảng phải đầu tư nhiều hơn vào cơ sở hạ tầng.

Và khi cảng Jebel Ali mở cửa vào năm 1979, đây là một tín hiệu mới đánh dấu quá trình UAE trở thành một "ông lớn" trong lĩnh vực hàng hải, phần nào cho thấy quốc gia này không chỉ có tiền mà còn phải có tầm nhìn, định hướng chính sách đúng đắn.

Vươn lên từ thất bại

Trong những năm đầu thành lập, dù được đầu tư tốt nhưng Jebel Ali không thành công như Rashid vì hai lý do.

Hệ thống cơ sở hạ tầng tại Jebel Ali. Nguồn: Gulf.

Hệ thống cơ sở hạ tầng tại Jebel Ali. Nguồn: Gulf.

Đầu tiên, một công ty của Mỹ, Sealand Shipping đã được trao quyền vận hành cảng Jebel Ali. Điều này khiến nhiều hãng vận tải biển khác không muốn sử dụng cảng do họ không muốn hàng hóa của mình bị đối thủ cạnh tranh kiểm soát.

Thứ hai, người nhận hàng thấy cảng Jebel Ali quá xa khu vực trung tâm nên không thuận tiện cho việc vận chuyển. Do đó, lưu lượng hàng hóa của cảng Jebel Ali chủ yếu là hàng hóa của Sealand Shipping.

Đến năm 1990, chính quyền Dubai phải đối mặt với tình thế tiến thoái lưỡng nan. Họ có hai cảng, Jebel Ali và Rashid, nhưng mỗi nơi lại do các nhà thầu khác nhau quản lý. Những nhà thầu này lại là đối thủ cạnh tranh trực tiếp của nhau.

Thêm vào đó, trong khi Rashid đã quá tải, buộc chính phủ phải đầu tư đáng kể để tăng công suất tiếp nhận hàng hóa thì cảng Jebel Ali mới đang hoạt động ở công suất tối thiểu và còn nhiều cơ sở vật chất chưa được tận dụng.

Trước tình hình này, chính quyền Dubai quyết định chấm dứt hợp đồng quản lý của cả hai cảng và sáp nhập ban quản lý cũng như nhân viên ở cả hai cảng vào một công ty mới thuộc sở hữu của chính phủ, có tên là Cơ quan quản lý cảng Dubai. Đến nay, mô hình này vẫn được duy trì và phát triển thêm.

Hiện các cảng của UAE đều được Cơ quan Vận tải Liên bang (FTA) và Cơ quan Hải quan và Cảng (PCA) cùng quản lý. FTA chịu trách nhiệm quản lý và giám sát hoạt động chung của các cảng còn PCA chịu trách nhiệm về hải quan và kiểm tra hàng hóa tại các cảng.

Sự bất tiện của cảng Jebel Ali cũng đã được khắc phục bằng cách triển khai đội xe tải đưa hàng hóa từ Rashid đến Jebel Ali và người nhận hàng không phải trả phí. Nhờ nỗ lực đó, lượng hàng hóa ở cả hai cảng đều tăng.

Bước ngoặt đưa cảng Jebel Ali lên tầm cao

Có một yếu tố nữa cũng góp phần vào sự phát triển mạnh mẽ của cảng Jebel Ali, đó là sáng kiến mở khu vực kinh doanh tự do tại khu đất xung quanh cảng.

Trong bối cảnh Jebel Ali đối mặt nhiều khó khăn trong thời gian vận hành ban đầu, Công ty William Halcrow and Partners, một trong những nhà tham vấn ban đầu cho dự án cảng này, đã đề xuất mở một khu vực kinh doanh tự do xung quanh cảng.

Theo đó, các công ty nước ngoài được tự mở chi nhánh tại đây, không cần liên kết với đối tác địa phương, được miễn thuế và có thể tự do chuyển vốn về nước.

Chính quyền địa phương cũng phát triển sẵn hệ thống văn phòng cho thuê, nhà kho và cơ sở hạ tầng hỗ trợ. Khi các công ty nước ngoài đến đây, họ có thể tự do chọn thuê văn phòng hoặc nhà kho đã xây sẵn hoặc xây dựng cơ sở riêng trên đất thuê.

UAE cũng rất tích cực quảng bá Jebel Ali ở nhiều nơi trên thế giới, mở các văn phòng liên lạc để kết nối với các doanh nghiệp quốc tế và thúc đẩy các lợi ích kinh tế và chiến lược liên quan.

Trong những ngày đầu, Nhật Bản là đối tác chính của Jebel Ali. Các nhà sản xuất điện tử Sony và Aiwa là những công ty lớn đầu tiên thành lập trung tâm phân phối khu vực tại đây. Sau đó, chi nhánh J. Ray McDermott Trung Đông đã gia nhập và trở thành công ty sản xuất dầu mỏ ngoài khơi đầu tiên ở Jebel Ali.

Sau khi chính quyền UAE hợp nhất cơ quan quản lý các cảng, nhiều công ty lớn như Mercedes Benz và Swarovski bắt đầu thành lập những chi nhánh đầu tiên và xây dựng cơ sở vật chất của riêng.

Khi số lượng các công ty tăng lên, chính quyền địa phương tiếp tục mở rộng và phát triển thêm cơ sở hạ tầng khu vực kinh doanh tự do, thậm chí quy hoạch thêm khu vực Jebel Ali South với kiến trúc và cơ sở vật chất mới.

Ngày nay, mô hình tại Jebel Ali đã được nhân rộng ra nhiều nơi trên UAE và mỗi nơi đều khai thác lợi thế kinh tế và chiến lược riêng.

Các cảng Jebel Ali, Fujairah (một trong những trung tâm vận chuyển dầu khí chiến lược và sôi động nhất thế giới), Khorfakkan (cảng nước sâu được trang bị công nghệ và cơ sở vật chất mới nhất để có thể tiếp nhận các tàu lớn) hay Khalifa (hiện là cảng nước sâu lớn nhất của UAE) cùng hệ thống cơ sở vận tải, hạ tầng, kinh doanh… đều là những trụ cột kinh tế của UAE.

Hệ thống giao thông của các cảng đều được đầu tư kết nối với các sân bay khắp đất nước và các cảng biển khác.

Trang Trần

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/uae-lot-xac-ben-thuyen-thanh-sieu-cang-the-gioi-1922312120906082.htm