Uất ức bị bạo hành khiến con mua súng, vợ bắn chồng
Bị bạo hành thường xuyên nên người phụ nữ bàn với con trai mua súng sát hại chồnghại. Sự việc đau lòng là lời cảnh báo cho những mâu thuẫn âm ỉ trong gia đình.
Lập mưu sát hại chồng
Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Lâm Đồng đã ra quyết định khởi tốbị can, bắt tạm giam đối với Nguyễn Thị Nga (47 tuổi) và Phạm Phi Trường (19 tuổi, con ruột của Nga, cùng ngụ thôn Hà Phú, xã Quốc Oai, huyện Đạ Tẻh, tỉnh Lâm Đồng) để điều tra về hành vi giết người. Điều đáng nói, nạn nhân trong vụ án chính là ông Phạm Văn Dũng (56 tuổi, chồng bà Nga).
Theo đó, sáng 4/4, ông Dũng được người nhà đưa đến Bệnh viện II Lâm Đồng (đóng tại TP Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng) để cấp cứu trong tình trạng bị thương nặng. Đến trưa cùng ngày, nạn nhân tử vong.
Trong quá trình cấp cứu, các bác sĩ nghi vết thương là do đạn bắn từ sau vai trái lên cổ, xuyên thấu phổi nên đã báo cơ quan công an. Bước đầu, cơ quan điều tra xác định bà Nga và Trường là 2 nghi can liên quan trực tiếp đến vụ án mạng nên đã tạm giữ đểphục vụ công tác điều tra.
Qua quá trình đấu tranh và thu thập các tài liệu, chứng cứ, bà Nga và Trường khai nhận đã mua súng để bắt chết ông Dũng. Sau đó, cơ quan chức năng đã tìm thấy và thu giữ khẩu súng tang vật do Trường khai cất giấu ở dưới mương nước sau nhà.
Theo điều tra bước đầu và quá trình đấu tranh lấy lời khai của các đối tượng, nguồn cơn sự việc là vì trong thời gian chung sống, vợ chồng bà Nga thường xuyên xảy ra mâu thuẫn, ông Dũng hay uống rượu rồi chửi bới, đánh đập vợ con.
Trước Tết Nguyên đán 2020, ông Dũng đuổi Trường ra khỏi nhà, sau đó ông đi làm thợ hồ ở tỉnh Tây Ninh.Đến tháng 3/2020, ông Dũng gọi điện thoại nói với bà Nga là mình chuẩn bị về nhà để làm giỗ cho cha nên yêu cầu vợ lo chuẩn bị tiền để lo giỗ, nếu không thì sẽ không yên. Ngoài ra, ông Dũng cũng gọi điện cho Trường bảo cuối tháng đem tiền về, nếu không sẽ “ăn đòn”.
Sau cuộc gọi của ông Dũng, mẹ con bà Nga có liên lạc với nhau, rồi cùng than phiền, phẫn uất trước hành vi, cách cư xử của chồng, cha. Do phẫn uất và lo sợ nên bà Nga nói với Trường rằng sẽ giết chết ông Dũng nếu lần này còn bị ông mắng chửi, đánh đập.
Đến cuối tháng 3/2020, ông Dũng về nhà và tiếp tục chửi bới, dọa đánh bà Nga sau những lúc uống rượu. Thời điểm này, Trường không muốn gặp cha nên không về nhà. Thấy Trường không chịu về, ông Dũng gọi điện chửi bới, yêu cầu phải mang tiền về.
Trong thời gian ở bên ngoài, Trường liên hệ và mua của Hồ Tấn Công (29 tuổi, ngụ khu phố 4C, thị trấn Đạ Tẻh, huyện Đạ Tẻh) một khẩu súng tự chế, dài khoảng 80cm, có thểtháo rời phần báng súng với nòng súng. Ngoài ra, Trường còn mua của Công 5 viên đạn.
Chiều 3/4, Trường mang súng về nhà đưa bà Nga cất giữ, còn mình tiếp tục ra ngoài ở. Đến tối, bà Nga gọi điện thoại cho con về nhà. Khoảng 23h cùng ngày, Trường về gần nhà thì gọi điện cho mẹ mang súng ra bên ngoài đưa mình lắp ráp lại và nạp đạn vào súng.
Khi Trường vào nhà thì ông Dũng thức giấc. Do đó, Trường mang theo khẩu súng đến phòng khác nằm đợi. Khoảng 4h ngày 4/4, bà Nga gọi Trường dậy, rồi vào giường nằm gần ông Dũng. Trường cầm súng đi vào phòng ngủ của ông Dũng, chĩa súng vào người cha với ý định bắn.
Tuy nhiên, khi chĩa súng vào người cha, Trường không dám bắn nên để súng lại dưới gầm giường rồi đi ra ngoài. Lúc này, bà Nga vẫn nằm trên giường gần ông Dũng.
Một lát sau, bà Nga đi lấy một con dao mang vào phòng ngủ với ý định sát hại chồng, nhưng bà cũng sợ nên không thực hiện. Sau đó, bà đưa con dao cho con trai. Lúc này, Trường cầm con dao ra để ngoài giếng nước, bà Nga tiếp tục vào nằm gần ông Dũng. Một lát sau, ông Dũng trở mình, nằm nghiêng người sang phải. Lúc này, bà Nga nghĩ lại những lần mình bị chồng đánh đập, cơn tức giận bùng lên nên quyết định dậy lấy súng chỉa vào người chồng và bóp cò.
Nghe tiếng súng, Trường từ ngoài chạy vào. Bà Nga đưa súng cho con rồi quay lại chỗ ông Dũng. Lúc này, ông Dũng kêu đau nên bà lấy thuốc xoa tay cho chồng. Còn Trường mang súng ra ngoài tháo rời, rồi đem cất giấu dưới mương nước sau nhà.
Xoa bóp một lát nhưng thấy ông Dũng không đỡ, bà Nga liền chạy đến nhà chị gái của mình nhờ vợ chồng chị gái đến xem ông Dũng bị sao. Vợ chồng người chị gái xuống nhà rồi nhanh chóng đưa ông Dũng đi cấp cứu. Tuy nhiên, do vết thương quá nặng, nạn nhân đã tử vong vào trưa cùng ngày.
Được biết, hoàn cảnh của gia đình bà Nga rất khó khăn, phức tạp. Con trai đầu của vợ chồng bà đang chấp hành án phạt tù vì tội “Tàng trữ trái phép chất ma túy”.
Vì đâu nên nỗi?
Thời gian gần đây, qua các phương tiện truyền thông, người ta không khỏi bàng hoàng khi nhiều vụ việc chồng sát hại vợ, vợ giết hại chồng với nhiều nguyên nhân và mức độ dã man khác nhau, diễn ra ngày càng nhiều.
Chuyên gia tâm lý Lê Thị Túy (Trung tâm Tư vấn Tuổi trẻ hạnh phúc) cho rằng, hiện nay, vấn đề về các mối quan hệ trong gia đình ngày càng phức tạp. Không chỉ là chuyện cơm, áo, gạo tiền, sự ghen tuông, mà còn từ sự nghi ngờ, sống thiếu trách nhiệm, đánh đập, rượu chè, dùng chất kích thích… vậy nên mới có những vụ án đau lòng đến như vậy.
“Có thể, trong một phút nóng giận, con người thiếu sự kiềm chế, không có kỹ năng giải quyết những xung đột. Hoặc các cặp vợ chồng không thể dung hòa trong việc thực hiện quyền bình đẳng giữa vợ và chồng, sự nhẫn nhịn chịu đựng bị dồn nén lâu ngày gây ức chế về mặt tâm lý, có thể gây ra tội ác. Sau này, họ có hối hận cũng đã quá muộn”, bà Túy cho biết.
Việc hóa giải những mâu thuẫn trong đời sống, trong mỗi gia đình là điều hết sức quan trọng. Tự thân mỗi người cần phải biết yêu cuộc sống của mình, yêu gia đình mình, sống có trách nhiệm. Mâu thuẫn, xung đột là điều khó tránh khỏi, nhưng mỗi người cần phải nghĩ cho người khác, đừng vì “cái tôi” quá lớn để những mâu thuẫn, xung đột càng đẩy lên cao đến mức không thể kiểm soát được.
Bên cạnh đó, người thân trong gia đình cần phải có sự quan tâm, có trách nhiệm với nhau. Đặc biệt là việc giáo dục đạo đức, lối sống, coi đó là nền tảng xây dựng gia đình bền vững nhằm ngăn ngừa những bi kịch xảy ra.
Cộng đồng dân cư và các tổ chức quần chúng ở cơ sở có vai trò quan trọng trong việc phòng ngừa, ngăn chặn các hiện tượng tương tự. Nếu cứ kiểu “đèn nhà ai, nhà nấy rạng” thì sẽ không thể phát hiện và giúp đỡ những người đang rơi vào hoàn cảnh bất lợi.
Các tổ chức xã hội như: Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên, tổ hòa giải, tổ an ninh nhân dân, tổ dân phố... cần phải nắm chắc tình hình mọi mặt ở địa bàn, có trách nhiệm giúp người dân vượt qua những khó khăn, trở ngại, ngăn chặn kịp thời những hiện tượng tiêu cực. Giải pháp thì không phải thiếu, nhưng để tìm ra giải pháp căn cơ nhất nhằm chặn đứng, hay ít ra làm giảm thiểu hiện tượng suy đồi đạo đức trầm trọng này là điều chẳng dễ dàng.
Thiết nghĩ, giải pháp căn cơ cho vấn nạn bạo hành hôn nhân dẫn đến sát hại lẫn nhau, trước hết vẫn là con người, phải tự hoàn thiện mình bằng sự tu dưỡng đạo đức, hướng thiện. Khi người ta nhận thức rõ về cái ác, sợ hãi về điều ác thì mới có thể chùn tay.