UAV cảm tử tấn công bầy đàn bị Israel khắc chế
Tại Triển lãm Singapore Airshow 2020, hãng Rafael giới thiệu loạt vũ khí tối tân, trong đó có vũ khí có thể áp chế cuộc tấn công kiểu bầy đàn của UAV.
Hiện Rafael là nhà thầu quốc phòng hàng đầu Israel, nơi sản xuất những vũ khí tối tân hàng đầu thế giới, cung cấp những giải pháp phòng thủ hoàn chỉnh, tích hợp cả trên không và mặt đất.
Tại Singapore Airshow 2020 (diễn ra từ 11 - 16/2), nhà sản xuất này sẽ giới thiệu những hệ thống vũ khí được phát triển với công nghệ được đánh giá đi trước thời đại.
Theo kế hoạch được công bố, Rafael sẽ mang đến Singapore hệ thống phòng không Iron Dome, hệ thống đánh chặn Spider, tổ hợp Drome Dome, tên lửa đánh chặn Python-5, bom SPICE 250, gia đình tên lửa chống tăng Spike...
Cùng với đó là hàng loạt hệ thống radar, tổ hợp tác chiến điện tử thế hệ mới khác. Trong danh sách vũ khí được công bố, Drome Dome được giới quân sự quan tâm nhiều nhất bởi năng lực đặc biệt của nó.
Drome Dome có thể khống chế và ép hạ cánh UAV ở khoảng cách lên tới 3,5km và kiểm soát cùng lúc khoảng 200 UAV.
Nếu năng lực của Drome Dome như giới thiệu, Israel hoặc bất kỳ lực lượng nào được trang bị đều có thể khắc chế được chiến thuật tấn công kiểu bầy đàn của UAV.
Tại Nga, các học giả và kỹ sư hàng không vũ trụ Nga đã cùng phối hợp và vừa giới thiệu một hình thức chiến tranh khá kinh hoàng trong tương lai với tên gọi Flock-93.
Flock-93 gồm có hơn 100 máy bay không người lái, mỗi chiếc lại được trang bị một lượng thuốc nổ, được sử dụng để để tấn công các mục tiêu, chẳng hạn như cả một đoàn xe quân sự đang di chuyển, theo kiểu bầy đàn.
Những chiếc máy bay không người lái (UAV) với số lượng đông đảo như vậy sẽ cực kỳ khó chống đỡ, thậm chí với ngay cả những hệ thống phòng thủ tích cực nhất thì một số UAV vẫn có thể vượt qua.
Flock-93 là ý tưởng được Viện Không quân Zhukovsky phối hợp với các công ty tư nhân xây dựng với mong muốn cùng lúc có thể phóng đi hàng trăm máy bay không người lái và mỗi chiếc sẽ mang theo một đầu nổ nặng 5,5 pound. Đây là những máy bay không người lái có thể cất hạ cánh thẳng đứng.
Người điều khiển có thể tập hợp hàng chục máy bay không người lái, hay trong trường hợp của Flock-93 là hơn 100 chiếc, trong một không gian tương đối hẹp, chẳng hạn như một khoảng đất trống được cây xanh bao bọc xung quanh hoặc thậm chí là mái che của một tòa nhà.
Hoàn toàn không dễ dàng để một lực lượng quân sự nào đó có thể chống trả được toàn bộ các UAV tham gia vào kiểu tấn công bầy đàn như vậy. Một hệ thống phòng thủ động học sử dụng tên lửa, máy bay chống UAV, pháo, súng ngắn và súng máy sẽ không bao giờ là hoàn hảo cả.
Một hệ thống phòng thủ dù bắn hạ được 90% số máy bay không người lái dạng này thì vẫn còn tới 10% UAV khác lọt qua và như vậy cũng khiến bên bị tấn công thiệt hại khá nặng nề.
Trong khi đó, các cường quốc khác như Mỹ và Trung Quốc cũng không đứng ngoài cuộc khi đang tập trung phát triển loạt UAV có thể thực hiện tấn công theo kiểu bầy đàn.
Ngay từ năm 2018, trong khuôn khổ của triển lãm quốc tế lớn China Airshow 2018 tại thành phố Chu Hải - Trung Quốc, công ty Norinco đã trình bày một số kịch bản chiến thuật cho việc sử dụng đàn máy bay không người lái trong chiến đấu.
Các UAV Trung Quốc được trình diễn là các thiết bị bay không người lái đa dạng với các kích cỡ khác nhau. Đàn máy bay không người lái được hình thành từ các model MR-40 và MR-150 được trang bị 4 và 6 cánh quạt.
Mỗi UAV đều được trang bị một thiết bị quang điện tử có kích thước nhỏ hình cầu có thể tự xoay, một radar tìm kiếm và nhắm mục tiêu cùng các thiết bị khác có thể được sử dụng để trinh sát một cách hiệu quả.
Đồng thời, nó cho phép sử dụng nhiều loại vũ khí hàng không, bao gồm tên lửa dẫn đường, bom, súng máy, đạn dù và thậm chí cả súng phóng lựu tự động cũng do Norinco sản xuất.
Còn tại Mỹ, các chuyên gia thuộc chi nhánh quốc phòng DARPA đang tích cực làm việc để tạo ra đàn máy bay không người lái. Các thử nghiệm đã sử dụng hàng chục máy bay không người lái để tiến hành kiểm tra hệ thống điều khiển chuyển động UAV mới.
Chương trình thử nghiệm cho phép những thiết bị bay không người lái nhỏ di chuyển đồng bộ trong không gian.
Một đàn máy bay không người lái sẽ giúp lính bộ binh có thể tiếp nhận hàng loạt thông tin hữu ích trong chiến đấu, bao gồm những dữ liệu về các ổ hỏa lực của đối phương, vị trí của các tuyến phòng thủ, các đội bắn tỉa và các dữ liệu khác.
Ngoài ra, những chiếc UAV này có thể đồng loạt thực hiện nhiệm vụ tấn công khi cần. Tuy nhiên với sự ra đời của hệ thống Drome Dome, lợi thế từ chiến thuật tấn công theo kiểu bầy đàn của UAV gần như sẽ không còn tồn tại.