UAV DR-8 trong chiến lược quân sự mới của Trung Quốc

UAV trinh sát tốc độ cao WZ-8 được thiết kế để cung cấp chỉ thị mục tiêu cho tên lửa trong tình huống vệ tinh không hoạt động, nhưng hiệu suất của nó vẫn còn là ẩn số.

Trong cuộc duyệt binh kỷ niệm 70 năm quốc khánh, Trung Quốc đã công bố nhiều mẫu vũ khí mới phát triển. Nhà phân tích quốc phòng Tyler Rogoway đã có bài phân tích trên tạp chí The Drive về những vũ khí mới của Trung Quốc, đặc biệt, ông chú trọng nhiều vào mẫu máy bay trinh sát không người lái WZ-8, còn gọi là DR-8.

Ông Rogoway cho rằng 2 mẫu máy bay không người lái (UAV) WZ-8 tại duyệt binh là máy bay thật, không phải mô hình. Người ta vẫn chưa thể xác định chương trình WZ-8 đang ở giai đoạn nào, nhưng đây có thể là nguyên mẫu, hoặc mô hình sản xuất sớm.

WZ-8 đã được đề cập trong bài viết trước đó của tác giả Tyler Rogoway, về mẫu UAV phủ bạt có thiết kế khí động học khác lạ trong quá trình tập luyện chuẩn bị cho duyệt binh. Khi hình ảnh đầy đủ của nó được hiển thị trong duyệt binh đã cung cấp cho các nhà phân tích một cái nhìn cụ thể hơn.

Phương tiện sử dụng một lần?

WZ-8 được xếp loại máy bay trinh sát tốc độ cao có thể thu hồi thông qua đường băng. Thiết kế khí động học của nó tương tự các phương tiện bay siêu thanh mà Trung Quốc từng thử nghiệm, bằng cách thả từ khinh khí cầu trong những năm gần đây.

UAV WZ-8 lần đầu được công khai trước công chúng tại duyệt binh kỷ niệm 70 năm quốc khánh Trung Quốc. Ảnh: Chinamil.

UAV WZ-8 lần đầu được công khai trước công chúng tại duyệt binh kỷ niệm 70 năm quốc khánh Trung Quốc. Ảnh: Chinamil.

“Điểm mới bây giờ là chúng ta biết phương pháp di chuyển của nó là sử dụng động cơ tên lửa, chứ không phải là tàu lượn trên không”, ông Rogoway nói.

Điều này không có gì ngạc nhiên khi xem xét nỗ lực của Trung Quốc trong việc phát triển động cơ phản lực tiên tiến. Phát triển động cơ có thể hoạt động ở tốc độ siêu thanh là cực kỳ quan trọng về mặt công nghệ.

Việc sử dụng động cơ tên lửa tạo ra giải pháp cung cấp lực đẩy đơn giản, có thể giúp WZ-8 bay với tốc độ rất nhanh, nhưng điều đó cũng hạn chế tính linh hoạt và tầm bắn của nó, ông Rogoway nhận định.

WZ-8 được trang bị hai động cơ nhiên liệu lỏng. Người ta chưa thể xác định động cơ này có tái sử dụng, hay chỉ dùng một lần. Loại nhiên liệu sử dụng cho động cơ cũng chưa được biết.

Ông Rogoway cho rằng WZ-8 có thể leo lên độ cao gần rìa không gian, sau đó lợi dụng tốc độ cao mà nó có được để bay theo quỹ đạo đạn đạo trước khi hạ cánh bằng cách lướt trong không khí.

Câu hỏi đang được các nhà phân tích đặt ra là khả năng kiểm soát chuyến bay ở rìa không gian, nơi mà các vây lái truyền thống không có tác dụng vì không khí quá mỏng. Ông Rogoway cho rằng WZ-8 không có động cơ kiểm soát vector lực đẩy, do đó, độ cao hoạt động của WZ-8 sẽ bị giới hạn dưới 42 km cách mặt đất.

Căn cứ vào thiết kế khí động học và sử dụng động cơ tên lửa, ông Rogoway nhận định WZ-8 bay ở tốc độ khoảng Mach 3.5 đến Mach 4.5 (khoảng 4.000 km/h đến 5.286 km/h). Ở tốc độ như vậy, chỉ cần chuyến bay kéo dài 20 phút, WZ-8 có thể trinh sát trong phạm vi 1.770 km.

Những ẩn số về hiệu suất

Một chi tiết được giới phân tích lưu ý là 2 móc lớn phía trên lưng của WZ-8. Điều đó dẫn đến khả năng WZ-8 có thể được phóng từ máy bay ném bom H-6N. Phiên bản này mới được nâng cấp với một vùng bán lõm dưới bụng, nơi có các điểm treo cứng cho phương tiện cỡ lớn.

WZ-8 có nhiều điểm tương đồng với chương trình D-21 đã hủy bỏ của Mỹ. Ảnh: Chinamil.

WZ-8 có nhiều điểm tương đồng với chương trình D-21 đã hủy bỏ của Mỹ. Ảnh: Chinamil.

Khả năng phóng từ máy bay H-6N giúp WZ-8 mở rộng tầm trinh sát và tiếp cận nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ ở sâu trong khu vực phía tây Thái Bình Dương. Phần mũi hơi gù của WZ-8 có thể là nơi chứa thiết bị liên lạc vệ tinh, nhưng ông Rogoway cho rằng nó có thể sử dụng hệ thống điều hướng dựa vào các ngôi sao.

Hệ thống này đặc biệt hữu ích khi mạng lưới vệ tinh bị tê liệt và đó cũng là mục tiêu thiết kế của nó. WZ-8 là một tài sản có thể đưa vào hoạt động bí mật và cung cấp thông tin tình báo một cách nhanh chóng cho các khu vực quan trọng.

Không chỉ cung cấp thông tin tình báo, WZ-8 có thể sử dụng để đánh giá thiệt hại sau tấn công bằng tên lửa đạn đạo hoặc tên lửa hành trình. Thông tin thu được sẽ rất hữu ích trong việc hiệu chỉnh tên lửa cho lần tấn công tiếp theo.

Từ thiết kế khí động học đến cơ chế hoạt động, ông Rogoway cho rằng WZ-8 rất giống với chương trình máy bay trinh sát siêu thanh không người lái D-21 của Mỹ những năm Chiến tranh Lạnh.

Không quân Mỹ đã hủy bỏ chương trình D-21 chỉ sau 2 năm đưa vào sử dụng vì không hiệu quả. Ảnh: USAF.

Không quân Mỹ đã hủy bỏ chương trình D-21 chỉ sau 2 năm đưa vào sử dụng vì không hiệu quả. Ảnh: USAF.

Chương trình D-21 được giới thiệu vào năm 1964, nhằm phát triển phương tiện trinh sát tốc độ cao trên lãnh thổ đối phương. D-21 gặp nhiều rắc rối về kỹ thuật cũng như tai nạn trong quá trình thử nghiệm.

D-21 được đưa vào sử dụng thử nghiệm trong Không quân Mỹ vào năm 1969, 4 chiếc D-21 đã bị rơi trong các nhiệm vụ trên lãnh thổ Trung Quốc. Năm 1971, Không quân Mỹ hủy bỏ chương trình vì không hiệu quả.

Không rõ Trung Quốc có học được gì từ thất bại của Mỹ trong quá khứ hay không. Sự tiến bộ về công nghệ có giúp WZ-8 hiệu quả hơn so với D-21 hay không vẫn là ẩn số. Một trong những cải tiến quan trọng của WZ-8 so với D-21 là nó có bộ phận hạ cánh để thu hồi sau mỗi nhiệm vụ.

Trong khi đó, D-21 sẽ tự hủy sau khi hoàn thành nhiệm vụ. WZ-8 sử dụng động cơ nhiên liệu lỏng, còn D-21 sử dụng động cơ ramjet. Loại động cơ này chỉ hoạt động được ở tốc độ siêu thanh.

Chi tiết kỹ thuật của WZ-8 vẫn chưa được tiết lộ, nhưng không thể phủ nhận sự tiến bộ của Trung Quốc trong lĩnh vực quốc phòng, đặc biệt là phương tiện bay không người lái và vũ khí siêu vượt thanh.

Trung Hiếu

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/uav-dr-8-trong-chien-luoc-quan-su-moi-cua-trung-quoc-post996751.html