UAV Nga bào mòn năng lực phòng không Ukraine thế nào?
Việc Nga sử dụng lượng lớn máy bay không người lái (UAV) tự sát tập kích các mục tiêu ở Ukraine khiến các hệ thống phòng không của Kiev, vốn có giá đắt đỏ hơn nhiều, phải hoạt động hết công suất.
Từ tháng 10/2022, sau khi cầu Crimea hư hại do đợt tấn công mà Nga cáo buộc Ukraine đứng sau, Moscow đã tiến hành hàng chục cuộc tập kích các cơ sở năng lượng trên khắp lãnh thổ quốc gia láng giềng, khiến một nửa hạ tầng điện tại Ukraine bị phá hủy, không thể sớm khắc phục.
Nga và Ukraine đều thông báo sự xuất hiện của tên lửa hành trình độ chính xác cao và UAV tự sát trong các vụ không kích kể trên. Kiev liên tục khẳng định họ đánh chặn được nhiều hỏa lực của Moscow, nhưng sau đó vẫn phải thừa nhận hại đáng kể dưới mặt đất.
Giới quan sát đánh giá, ngay cả khi Ukraine thật sự đã đánh chặn được lượng lớn UAV, thì điều đó cũng không có nghĩa là kho tên lửa Nga đang cạn kiệt, hoặc Moscow phụ thuộc vào UAV tự sát. Đây thậm chí được xem là một chiến thuật hiệu quả của Nga nhằm bào mòn năng lực phòng thủ của Ukraine.
Với mỗi đợt tập kích riêng lẻ, sự xuất hiện của lượng lớn UAV Nga đã khiến các hệ thống phòng không Ukraine quá tải.
Ví dụ, một xe phóng tên lửa NASAMS mà Mỹ viện trợ Ukraine có thể khai hỏa 6 quả đạn trong vòng 15 giây, nhưng cần vài phút để tái nạp đạn. Nếu bắn hết cơ số đạn để đánh chặn UAV, các hệ thống này sẽ không thể phản ứng nếu Nga khai hỏa tên lửa dẫn đường cùng thời điểm.
Về năng lực phòng không tổng thể, do tác động của những đợt tập kích giai đoạn đầu chiến sự, phần lớn các khẩu đội tên lửa phòng thủ của Ukraine đã bị Nga phá hủy, chỉ còn lại một số bệ phóng sản xuất từ thời Liên Xô.
Kiev vài tháng qua nhận thêm các tổ hợp phòng không do phương Tây viện trợ, nhưng số lượng hạn chế.
Theo tờ New York Times, khi UAV được sử dụng với tần suất thấp, lực lượng vũ trang Ukraine có lựa chọn đánh chặn chúng bằng pháo phòng không hoặc các hệ thống vũ khí cá nhân. Do tốc độ UAV chậm và tầm bay thấp, việc bay lọt vào tầm ngắm mắt thường khiến chúng dễ bị bắn rơi.
Tuy nhiên, Nga sau đó tăng số lượng UAV cho một đợt tập kích lên đáng kể và thực hiện tấn công vào ban đêm, khiến pháo và vũ khí cá nhân trở nên vô hiệu, buộc Ukraine huy động các hệ thống tên lửa phòng thủ như mẫu NASAMS, hoặc tên lửa S-300, Buk thời Liên Xô.
Ông Artem Starosyk, người đứng đầu công ty tư vấn chiến lược Molfar của Ukraine, ước tính, việc sử dụng tên lửa phòng không để bắn hạ UAV rất tốn kém, với chi phí gấp ít nhất 7 lần so với việc khai hỏa UAV.
Ví dụ, một số mẫu UAV tự sát mang thuốc nổ, mà Ukraine và phương Tây cho là Nga sử dụng ở Ukraine, chỉ có giá khoảng 20.000 USD mỗi chiếc, trong khi chi phí phóng một quả S-300 tốn ít nhất 140.000 USD, còn một quả NASAM có giá đến 500.000 USD.
Trong trường hợp các hệ thống phòng không đắt đỏ liên tục được sử dụng đánh chặn UAV rẻ tiền thì kho tên lửa của Ukraine sẽ bị bào mòn nhanh chóng. Phương Tây hứa cấp cho Ukraine thêm các bệ phóng tên lửa mới, nhưng quá trình chuyển giao tốn rất nhiều thời gian, tiền bạc.
Hôm 3/1, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky từng tuyên bố, chỉ trong năm mới 2023, Ukraine đã bắn hạ 80 UAV Nga. Nếu tính từ tháng 9/2022, con số UAV Nga bị hạ là khoảng 500, theo một thông điệp khác của phát ngôn viên không quân Ukraine Yuri Ignat.
Ukraine không nêu rõ các loại vũ khí mà họ sử dụng, nhưng các chuyên gia quân sự nhận định, một lượng lớn tên lửa phòng không phương Tây đã được khai hỏa.