UBCK sắp họp với CTCK nhằm tháo gỡ nút thắt nâng hạng
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thông báo tổ chức họp với 5 công ty chứng khoán vào ngày 14/6 để chia sẻ và trao đổi các vấn đề kỹ thuật liên quan đến nâng hạng thị trường.
Ngày 13/6, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) gửi thông báo đến Chứng khoán SSI (SSI), Chứng khoán TP HCM (HSC), Chứng khoán Vietcombank (VCBS), Chứng khoán BIDV (BSC) và Chứng khoán Vietcap về việc họp trao đổi vấn đề kỹ thuật.
Cuộc họp dự kiến tổ chức vào 9h ngày 14/6 tại Trụ sở UBCKNN, TP Hà Nội. Thành phần tham dự gồm các đơn vị trong UBCKNN, các công ty chứng khoán và Tổng Công ty Lưu ký và Bù trừ Chứng khoán Việt Nam (VSDC).
Nội dung họp liên quan đến vấn đề tháo gỡ các vướng mắc cho nhà đầu tư nước ngoài khi tham gia thị trường chứng khoán Việt Nam, hướng tới mục tiêu nâng hạng thị trường cận biên lên thị trường mới nổi thứ cấp theo tiêu chuẩn của FTSE Rusell.
Hồi tháng 4, UBCKNN đã có buổi làm việc trực tuyến với Ngân hàng Thế giới (World Bank) và Hiệp hội Thị trường tài chính và chứng khoán châu Á (ASIFMA) về các nội dung trong dự thảo thông tư sửa đổi bổ sung một số điều quy định về giao dịch chứng khoán trên hệ thống giao dịch chứng khoán; bù trừ và thanh toán giao dịch chứng khoán; hoạt động của công ty chứng khoán và công bố thông tin trên thị trường chứng khoán nhằm tháo gỡ một số vướng mắc liên quan đến các tiêu chí để nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam.
Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBCKNN Vũ Thị Chân Phương cho biết dự thảo thông tư đã được lấy ý kiến rộng rãi với nhiều hình thức như việc đăng tải chính thức trên cổng thông tin điện tử UBCKNN; tổ chức hội thảo, buổi làm việc với các chuyên gia trong nước, quốc tế và các thành viên thị trường. Những ý kiến đóng góp của các thành viên ASIFMA tại buổi làm việc sẽ góp phần giúp cơ quan quản lý hoàn thiện dự thảo thông tư, trong đó, đưa ra quy định về quy trình thanh toán phù hợp hơn với thông lệ quốc tế.
Trung tuần tháng 3, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) vừa thông báo lấy ý kiến của các đơn vị, tổ chức, cá nhân đối với dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư quy định về giao dịch chứng khoán trên hệ thống giao dịch chứng khoán; bù trừ và thanh toán giao dịch chứng khoán; hoạt động của công ty chứng khoán và công bố thông tin trên thị trường chứng khoán.
Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 120/2020/TTBTC ngày 31/12/2020 của Bộ Tài chính quy định giao dịch cổ phiếu niêm yết, đăng ký giao dịch và chứng chỉ quỹ, trái phiếu doanh nghiệp, chứng quyền có bảo đảm niêm yết trên hệ thống giao dịch chứng khoán. Thông tư sẽ bổ sung quy định liên quan đến việc giao dịch không ký quỹ 100% tiền của nhà đầu tư tổ chức nước ngoài.
Theo đó, công ty chứng khoán được nhận lệnh giao dịch mua chứng khoán của khách hàng là nhà đầu tư tổ chức nước ngoài khi tài khoản của khách hàng không đủ 100% giá trị lệnh đặt. Công ty chứng khoán thực hiện đánh giá năng lực của khách hàng để xác định mức ký quỹ theo thỏa thuận tại hợp đồng ký kết giữa công ty chứng khoán và khách hàng. Nhà đầu tư tổ chức nước ngoài thực hiện ký quỹ bằng tiền và thanh toán đầy đủ đối với giao dịch mua chứng khoán.
Trường hợp nhà đầu tư tổ chức nước ngoài thiếu tiền thanh toán, công ty chứng khoán nơi nhà đầu tư đặt lệnh chịu trách nhiệm thanh toán đối với phần thiếu hụt thông qua tài khoản tự doanh, ngoại trừ trường hợp quy định liên quan đếnNgân hàng lưu ký nơi nhà đầu tư tổ chức nước ngoài mở tài khoản. Công ty chứng khoán thực hiện bán chứng khoán ngay khi chứng khoán về tài khoản tự doanh của mình. Chênh lệch phát sinh từ việc xử lý cho trường hợp này được thực hiện theo thỏa thuận tại hợp đồng giữa công ty chứng khoán và khách hàng.
Ngân hàng lưu ký nơi nhà đầu tư tổ chức nước ngoài mở tài khoản lưu ký chứng khoán chịu trách nhiệm thanh toán số tiền thiếu hụt trong trường hợp xác nhận sai số dư tiền gửi của khách hàng với công ty chứng khoán dẫn tới thiếu tiền thanh toán giao dịch chứng khoán.
Trong trường hợp cần thiết để ổn định thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có quyền tạm ngừng dịch vụ giao dịch không ký quỹ 100% tiền của nhà đầu tư tổ chức nước ngoài.