UBND tỉnh chỉ đạo các ngành và các địa phương tích cực chuẩn bị tổ chức thật chu đáo cho lễ hội
Lễ hội Oóc om bóc - Đua ghe ngo Sóc Trăng lần thứ IV - khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) năm 2019 là một trong những hoạt động văn hóa - thể thao rất hấp dẫn, mang tầm cỡ khu vực. Đây cũng là một sự kiện quan trọng, nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Khmer. Trước thềm Lễ hội Oóc om bóc - Đua ghe ngo năm 2019, phóng viên Báo Sóc Trăng có cuộc trao đổi với đồng chí Ngô Hùng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó trưởng Ban Tổ chức lễ hội xung quanh nội dung này.
Phóng viên: Thưa đồng chí, đến thời điểm này, mọi công tác chuẩn bị cho Lễ hội Oóc om bóc - Đua ghe ngo Sóc Trăng lần thứ IV - khu vực ĐBSCL năm 2019 như thế nào?
Đồng chí Ngô Hùng: Được sự chấp thuận của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cho tỉnh Sóc Trăng tổ chức Lễ hội Oóc om bóc - Đua ghe ngo quy mô khu vực ĐBSCL theo định kỳ 2 năm 1 lần, năm 2019 là lần thứ tư tỉnh Sóc Trăng tổ chức Lễ hội Oóc om bóc - Đua ghe ngo quy mô khu vực ĐBSCL. Xác định đây là sự kiện lớn mang tầm cỡ khu vực, nên ngay từ đầu năm, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố tích cực chuẩn bị mọi mặt để tổ chức thật chu đáo cho lễ hội lần này.
Tính đến thời điểm này, UBND tỉnh đã chỉ đạo thực hiện hoàn thành một số công việc cơ bản như: Quyết định thành lập ban tổ chức; ban hành kế hoạch tổ chức và phân công nhiệm vụ các sở, ngành; gửi thư mời các tỉnh, thành trong khu vực tham gia; ban hành điều lệ giải đua ghe ngo; thư ngỏ vận động các doanh nghiệp tài trợ cho lễ hội…
Phóng viên: Về nguồn kinh phí tổ chức cho lễ hội được thực hiện như thế nào, thưa đồng chí?
Đồng chí Ngô Hùng: Để tổ chức Lễ hội Oóc om bóc - Đua ghe ngo Sóc Trăng lần thứ IV - khu vực ĐBSCL năm 2019, Chủ tịch UBND tỉnh đã có văn bản giao cho ban tổ chức vận động xã hội hóa các nguồn lực từ các cá nhân, đơn vị, doanh nghiệp để tổ chức lễ hội, nhằm hạn chế sử dụng ngân sách nhà nước theo quy định tại Nghị định số 110/2018/NĐ-CP của Chính phủ. Đến thời điểm này, thì toàn bộ kinh phí tổ chức lễ hội đều được đảm bảo từ nguồn vận động tài trợ.
Phóng viên: Thưa đồng chí, thông qua lễ hội, tỉnh Sóc Trăng mong muốn như thế nào về sản phẩm du lịch đặc sắc?
Đồng chí Ngô Hùng: Việc tổ chức lễ hội Oóc om bóc - Đua ghe ngo hàng năm là nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Khmer. Đồng thời, thông qua lễ hội để tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu hình ảnh về địa phương và con người Sóc Trăng; thu hút khách du lịch, các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến với Sóc Trăng ngày càng nhiều hơn.
Phóng viên: Là một lễ hội mang tầm cỡ khu vực, công tác truyền thông về lễ hội ra sao?
Đồng chí Ngô Hùng: Công tác truyền thông luôn luôn có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự thành công của bất kỳ lễ hội nào. Do đó, ban tổ chức Lễ hội Oóc om bóc - Đua ghe ngo Sóc Trăng lần thứ IV - khu vực ĐBSCL năm 2019 đã chỉ đạo Sở Thông tin và Truyền thông tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho phóng viên các cơ quan báo, đài trong và ngoài tỉnh đến tác nghiệp đưa tin về lễ hội.
Phóng viên: Thưa đồng chí, để lễ hội thành công tốt đẹp, công tác đảm bảo an ninh, trật tự được triển khai ra sao?
Đồng chí Ngô Hùng: Ban tổ chức lễ hội đã phân công nhiệm vụ cho Công an tỉnh phối hợp với Sở Giao thông Vận tải, UBND TP. Sóc Trăng xây dựng kế hoạch đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn giao thông trong suốt thời gian diễn ra lễ hội. Đây là việc làm thường xuyên hàng năm, nên các lực lượng của tỉnh cũng đã có nhiều kinh nghiệm trong khâu tổ chức và có thể đảm bảo được công tác này.
Phóng viên: Vậy, ban tổ chức sẽ tạo điều kiện như thế nào cho du khách trong và ngoài nước đến tham dự lễ hội?
Đồng chí Ngô Hùng: Tỉnh Sóc Trăng luôn hoan nghênh chào đón và tạo điều kiện thuận lợi cho tất cả du khách trong và ngoài nước đến tham dự lễ hội và dự xem giải đua ghe ngo, ban tổ chức có bố trí lắp ráp thêm khán đài bên đường Lý Thường Kiệt (đối diện khán đài chính). Ngoài ra, các hoạt động khác trong khuôn khổ Lễ hội Oóc om bóc - Đua ghe ngo Sóc Trăng lần thứ IV - khu vực ĐBSCL năm 2019 đều được tổ chức ở các nơi công cộng như: Công viên 30-4, Quảng trường Bạch Đằng, Khu Văn hóa Triển lãm Hồ Nước Ngọt, dòng sông Maspéro… nhằm tạo điều kiện cho tất cả du khách đều được tham quan.
Phóng viên: Xin cảm ơn đồng chí đã có cuộc trao đổi này.
Thạch Pích (Thực hiện)