UBND tỉnh chỉ thị tăng cường thực hiện các biện pháp giảm thiểu chất thải nhựa
Chỉ thị nêu rõ, ô nhiễm nhựa đang trở thành một trong những thách thức lớn nhất mà các quốc gia đang phải đối mặt. Việc lạm dụng sản phẩm nhựa, nhất là túi nilon khó phân hủy, sản phẩm nhựa dùng một lần đã và đang tác động không nhỏ đến môi trường sống, sức khỏe của con người và sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia. Báo Nam Định điện tử, cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, và nhân dân Nam Định
Ngày 21-9-2020, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Đình Nghị ban hành Chỉ thị số 8/CT-UBND yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương tăng cường thực hiện các biện pháp giảm thiểu chất thải nhựa (CTN).
Chỉ thị nêu rõ, ô nhiễm nhựa đang trở thành một trong những thách thức lớn nhất mà các quốc gia đang phải đối mặt. Việc lạm dụng sản phẩm nhựa, nhất là túi nilon khó phân hủy, sản phẩm nhựa dùng một lần đã và đang tác động không nhỏ đến môi trường sống, sức khỏe của con người và sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia. Những năm gần đây, tỉnh đã tập trung chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ các giải pháp, được mọi tầng lớp nhân dân đồng thuận hưởng ứng nên công tác quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường, quản lý chất thải rắn nói chung, CTN nói riêng đã dần đi vào nề nếp.
Để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ môi trường, quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu CTN ra môi trường, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ thị thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc thực hiện các nội dung sau: Gương mẫu, tích cực và đi đầu trong việc giảm thiểu CTN; hạn chế tối đa việc sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần; không sử dụng băng rôn, khẩu hiệu, chai cốc, ống hút... dùng một lần tại công sở và trong các hội nghị, hội thảo, cuộc họp, trong các ngày lễ, ngày kỷ niệm và các sự kiện khác; ưu tiên lựa chọn các sản phẩm tái chế, thân thiện với môi trường. Tiên phong, gương mẫu thực hiện phân loại rác thải tại nguồn ngay tại công sở, bố trí thùng rác để phân loại rác thải tại các cơ quan, đơn vị; khuyến khích xây dựng, thực hiện các mô hình kiểu mẫu để làm cơ sở nhân rộng cho các cơ quan, đơn vị trong lĩnh vực và địa bàn quản lý. Thường xuyên tuyên truyền, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan, đơn vị về giảm thiểu CTN, phân loại chất thải, CTN; tổ chức quán triệt, phổ biến, tuyên truyền các văn bản của Trung ương, địa phương liên quan đến quản lý chất thải; phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội, cá nhân có liên quan xây dựng phong trào chống CTN; vận động người dân, cộng đồng dân cư thực hiện phân loại rác thải tại nguồn, hạn chế hoặc không sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần để bảo vệ môi trường. Chủ tịch UBND cấp huyện chỉ đạo UBND cấp xã và các đơn vị có liên quan tổ chức thực hiện Đề án quản lý, xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020-2025; tổ chức thực hiện phân loại rác thải tại nguồn và các biện pháp kỹ thuật để thu gom CTN trên các sông, rạch, kênh, mương... hạn chế rác thải nhựa đổ ra biển, khuyến khích hoạt động xã hội hóa việc thu gom, xử lý CTN trên biển, sông, kênh, mương và các ao, hồ.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh cũng đề nghị Ủy ban MTTQ tỉnh và các tổ chức đoàn thể, chính trị - xã hội tăng cường giám sát, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan trong việc triển khai hiệu quả các chương trình phân loại rác thải tại nguồn, quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu CTN; tổ chức tuyên truyền, vận động các thành viên, hội viên, đoàn viên của tổ chức và toàn xã hội tham gia “Phong trào chống rác thải nhựa”. Yêu cầu các đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh thực hiện cam kết giảm thiểu CTN, hạn chế sử dụng hoặc thay thế các sản phẩm nhựa dùng một lần bằng các sản phẩm thân thiện với môi trường; thực hiện phân loại rác thải tại nguồn; áp dụng công nghệ sản xuất tiên tiến; tận dụng nguyên liệu thừa, tái chế, tái sử dụng trong quá trình sản xuất nhằm giảm thiểu lượng chất thải rắn công nghiệp phát sinh./.