UBND tỉnh cho ý kiến vào một số tờ trình, báo cáo
ĐBP - Tiếp tục phiên họp thường kỳ tháng 3, sáng nay (19/3) UBND tỉnh thảo luận, cho ý kiến vào các nội dung: Báo cáo rà soát, tổng hợp nhu cầu và dự kiến kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, kế hoạch đầu tư công năm 2022 nguồn vốn Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững; tờ trình về việc đề nghị ban hành Nghị quyết của HĐND tỉnh về bổ sung danh mục các dự án cần thu hồi đất và dự án có sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ vào các mục đích khác năm 2021 trên địa bàn tỉnh; tờ trình về việc ban hành Nghị quyết đặt tên đường, phố trên địa bàn TX. Mường Lay và TP. Điện Biên Phủ.
Đồng chí Lê Thành Đô, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh kết luận phiên họp.
Giai đoạn 2021-2025, tổng nhu cầu vốn đầu tư phát triển thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh là hơn 2.951 tỷ đồng. Dự kiến tổng mức vốn đầu tư phát triển hơn 1.837 tỷ đồng; dự kiến kế hoạch đầu tư công nguồn vốn đầu tư phát triển (vốn ngân sách trung ương) năm 2022 (tạm tính khoảng 38% tổng số vốn dự kiến trong giai đoạn 2021-2025 gồm vốn năm 2021 chuyển sang) khoảng 608 tỷ đồng, để hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội các huyện nghèo, các xã đặc biệt khó khăn; phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững. Dự kiến vốn đối ứng ngân sách địa phương thực hiện chương trình là 243,650 tỷ đồng.
Một số ý kiến đề nghị làm rõ tổng mức phân bổ dự kiến theo các dự án thành phần; tỷ lệ vốn đối ứng; rà soát lại danh mục dự án cho phù hợp; rà soát nội dung cụ thể, nhu cầu vốn từng dự án, ưu tiên bố trí, sắp xếp theo thứ tự ưu tiên; đối tượng phân bổ, giao nguồn vốn…
Kết luận nội dung này, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Thành Đô đề nghị Sở Kế hoạch - Đầu tư rà soát lại tổng mức nhu cầu vốn đầu tư; bám sát vào nguyên tắc, tiêu chí theo Quyết định số 02/2022/QĐ-TTg ngày 18/1/2022 của Thủ tướng Chính phủ để tính toán mỗi địa phương được phân bổ bao nhiêu tiền. Xác định tỷ lệ vốn đối ứng bao gồm những nguồn nào? Liên quan phân bổ vốn cho các ngành, các chương trình đầu tư giáo dục, y tế, tổng hợp đưa về các huyện quản lý. Phối hợp với các cơ quan chức năng hoàn thiện nội dung báo cáo theo Quyết định số 90/QĐ-TTg ngày 18/1/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.
Về tờ trình đề nghị bổ sung danh mục dự án cần thu hồi đất, các đại biểu cơ bản đồng tình với việc chấp thuận 38 dự án cần thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng trên địa bàn tỉnh, với tổng nhu cầu sử dụng đất là 1.003,98ha; chấp thuận chuyển mục đích sử dụng 35,3ha đất trồng lúa, 14,15ha đất rừng phòng hộ vào các mục đích khác để thực hiện 16 dự án theo quy định. Thống nhất nội dung này, đồng chí Lê Thành Đô đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường rà soát lại toàn bộ danh mục dự án cần thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội; những dự án không thay đổi về quy mô diện tích thu hồi đất thì đưa ra khỏi danh mục đề xuất; tách riêng những dự án có sự thay đổi diện tích thu hồi đất… Chỉnh sửa, hoàn thiện báo cáo, tờ trình, chậm nhất sáng 21/3 báo cáo UBND tỉnh.
Tham gia vào tờ trình đề nghị ban hành Nghị quyết đặt tên đường, phố, các đại biểu cơ bản nhất trí với phương án đặt tên đường, phố trên địa bàn TX. Mường Lay, gồm 8 đường (Võ Nguyên Giáp, Lê Lợi, Lò Văn Hặc, Khoàng Văn Tấm, Tòng Văn Kim, Nguyễn Văn Hiền, Sùng Phái Sinh, Vừ A Dính) và 8 phố (Hoàng Đông Tùng, Chu Văn An, 8/10; Nguyễn Vũ Tráng, Tạ Nhật Tựu, Nguyễn Văn Xã, Hoàng Tinh, Nguyễn Bá Lạc). Về phương án đặt tên đường trên địa bàn TP. Điện Biên Phủ (đường 60m) đặt tên là đường 7/5. Các tên đường, khu phố được đặt theo sự kiện lịch sử Việt Nam, theo danh nhân địa phương, Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân...
Đối với 2 tờ trình về việc ban hành Quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; quy định mức chi cho công tác tập huấn, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục để thực hiện chương trình mới, sách giáo khoa mới giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh các đại biểu tham gia ý kiến trực tiếp vào văn bản.