UBND tỉnh họp phiên thường kỳ tháng 3 năm 2022

Ngày 23/3, UBND tỉnh họp phiên thường kỳ tháng 3/2022. Đồng chí Lê Duy Thành, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh và các Phó Chủ tịch UBND tỉnh: Vũ Việt Văn, Vũ Chí Giang, Nguyễn Văn Khước chủ trì phiên họp.

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Duy Thành kết luận phiên họp. Ảnh: Chu Kiều

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Duy Thành kết luận phiên họp. Ảnh: Chu Kiều

Sau khi nghe Văn phòng UBND tỉnh báo cáo công tác quản lý nhà nước tháng 3, nhiệm vụ tháng 4/2022; kết quả giải quyết thủ tục hành chính tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh và UBND các huyện, thành phố tháng 3/2022, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Duy Thành đề nghị bổ sung vào báo cáo về kết quả, thành công của tỉnh trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, nhấn mạnh đến sự đồng tình và ủng hộ của người dân với công tác chỉ đạo, điều hành của tỉnh, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là việc ứng dụng CNTT trong phòng, chống dịch.

Đồng chí đề nghị các sở, ngành, địa phương tiếp tục bám sát các nhiệm vụ trong chương trình hành động của Tỉnh ủy để triển khai tại đơn vị, địa phương; xem xét, đánh giá việc thực hiện 19 nhiệm vụ trong tháng 3 và 11 nhiệm vụ lớn trong tháng 4 tới.

Chủ tịch cũng chỉ rõ: Mặc dù việc tiếp nhận hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh và Bộ phận một cửa tại các huyện, thành phố đã được cải thiện đáng kể và dần đi vào nề nếp, song vẫn còn tình trạng tồn đọng hồ sơ quá hạn ở các văn phòng đăng ký đất đai và cơ quan thuế, yêu cầu các địa phương cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng để giải quyết dứt điểm, tránh để những vướng mắc phát sinh.

Theo báo cáo của Sở Kế hoạch & Đầu tư, đến hết quý 1/2022, khối lượng thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công toàn tỉnh đạt trên 766,3 tỷ đồng, bằng 11,05% so với tổng kế hoạch vốn được giao, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm 2021.

Kết quả giải ngân vốn đầu tư công quý 1/2022 chưa cao do thời điểm vào dịp Tết Nguyên đán và ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, nên các chủ đầu tư, nhà thầu vẫn chưa tập trung triển khai kế hoạch; hiện các địa phương đang khẩn trương triển khai các giải pháp giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 và thanh toán khối lượng hoàn thành các công trình đã quyết toán; đồng thời thực hiện các thủ tục đầu tư các dự án mới. Dự kiến quý 2/2022, toàn tỉnh giải ngân khoảng 4.000 tỷ đồng, đạt 40% kế hoạch giao.

Chỉ đạo nội dung này, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Duy Thành yêu cầu các sở, ngành, địa phương tiếp tục tập trung giải ngân các dự án đầu tư công năm 2021 kéo dài sang năm 2022; rà soát 39 dự án trọng tâm yêu cầu các chủ đầu tư triển khai thực hiện; cam kết thực hiện giải ngân chi tiết đến từng dự án, nhất là đối với các công trình trọng điểm; chủ động xây dựng kế hoạch cụ thể để có giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện.

Nhấn mạnh đến sự cần thiết của Đề án bảo đảm cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông giai đoạn 2017-2025, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành liên quan, các địa phương cần xem xét, rà soát, cân đối lại nguồn vốn để hoàn thành các nội dung chương trình đề ra. Đồng ý với Đề án xây dựng không gian đọc sách mở và thân thiện trong trường học tại Vĩnh Phúc giai đoạn 2022-2023, đồng chí đề nghị Sở Giáo dục & Đào tạo bổ sung cơ chế vận hành sau đầu tư.

Theo báo cáo của Sở Tài nguyên& Môi trường, việc giải quyết đất dịch vụ, xử lý vi phạm đất đai từ đầu năm đến nay chưa có nhiều chuyển biến; công tác bảo vệ môi trường chưa đạt yêu cầu tại một số địa phương. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Khước yêu cầu các huyện, thành phố tập trung giải quyết xử lý triệt để tình trạng vi phạm đất đai trên địa bàn; phối hợp chặt chẽ với Sở Giao thông Vận tải đề xuất giải pháp bảo vệ môi trường trên các tuyến quốc lộ.

Đồng thời, Công an tỉnh, Sở Tài nguyên & Môi trường, Sở Y tế phối hợp kiểm soát chặt chẽ tình trạng ô nhiễm môi trường tại Bệnh viện Sản – Nhi. Cùng với đó, công tác giải phóng mặt bằng cần tiếp tục tập trung vào một số công trình trọng điểm.

Phiên họp dành thời gian thảo luận, tham gia ý kiến vào “Đề án phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục tỉnh Vĩnh Phúc đáp ứng yêu cầu triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”; dự thảo “Nghị quyết thông qua danh mục dự án cần thu hồi đất và Nghị quyết về chấp thuận chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ để triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc”; dự thảo “Nghị quyết HĐND tỉnh về hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2026”; “Đề án Phát triển Trung tâm thuốc đông dược thuộc Bệnh viện Y Dược cổ truyền Vĩnh Phúc giai đoạn 2022-2024”; dự thảo “Nghị quyết về quy định giá dịch vụ xét nghiệm SARS-CoV2 (chưa bao gồm sinh phẩm xét nghiệm phản ứng) trong trường hợp không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ bảo hiểm y tế đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của nhà nước thuộc tỉnh Vĩnh Phúc”; dự thảo “Nghị quyết về việc hỗ trợ phụ cấp cho nhân viên y tế tổ dân phố thuộc các phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh” và “Báo cáo tình hình phát triển chính quyền số, kinh tế số, chuyển đổi số, phương hướng trong thời gian tới”.

Kết luận phiên họp, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Duy Thành yêu cầu các sở, ngành chủ trì soạn thảo báo cáo, tờ trình, dự thảo Nghị quyết, trên cơ sở tiếp thu ý kiến các đại biểu, bổ sung và triển khai các bước tiếp theo để hoàn thiện trình HĐND tỉnh tại kỳ họp tới.

Đồng chí đề nghị các sở, ngành, địa phương tiếp tục chỉ đạo triển khai hiệu quả công tác cải cách hành chính; phòng, chống dịch Covid-19; tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tập trung vào các dự án nhất là các dự án đầu tư công, các dự án đầu tư liên quan đến xã hội hóa, thu hút đầu tư; đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư; chấn chỉnh công tác quản lý nhà nước trên tất cả các lĩnh vực: Đất đai, xây dựng, quản lý đô thị, tài nguyên và môi trường; kiên quyết thu hồi đối với các dự án chậm tiến độ; quan tâm đầu tư vào lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế, thông tin và truyền thông; tập trung chỉ đạo quyết liệt các lĩnh vực an ninh trật tự; an ninh nông thôn; an toàn giao thông; phòng, chống tai nạn, đuối nước cho trẻ em.

Trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, để thích ứng với tình hình mới, chủ trương của tỉnh sẽ chuyển từ mục tiêu kiểm tra, rà soát số ca mắc sang kiểm tra, rà soát số ca nhập viện và tử vong.

Ngành Y tế cần rà soát lại năng lực y tế dự phòng, y tế cơ sở; chuẩn bị mọi điều kiện để chuyển từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang bệnh truyền nhiễm nhóm B; chuẩn bị tiêm vắc xin ngừa Covid-19 cho trẻ từ 5-12 tuổi và những đối tượng chưa tiêm được vắc xin. Giao Sở Tài chính phối hợp với Sở Y tế, Bảo hiểm xã hội tỉnh rà soát quy trình, thủ tục, rút gọn, đơn giản hóa hồ sơ thanh quyết toán chế độ hỗ trợ đối với các trường hợp mắc bệnh và các lĩnh vực liên quan đến công tác phòng, chống dịch.

Hồng Chiến

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/thoi-su/75342/ubnd-t%E1%BB%89nh-h%E1%BB%8Dp-phien-thu%C3%B2ng-k%E1%BB%B3-th%C3%A1ng-3-nam-2022.html