UBND tỉnh họp thường kỳ: Cần thay đổi tư duy để phát triển

Sáng 30/3, UBND tỉnh tổ chức họp thường kỳ, cho ý kiến vào các dự thảo tờ trình về phát triển KT – XH của tỉnh. Đồng chí Bùi Văn Khánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cuộc họp.

 Đồng chí Bùi Văn Khánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh kết luận cuộc họp.

Đồng chí Bùi Văn Khánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh kết luận cuộc họp.

Cho ý kiến vào dự thảo Tờ trình ban hành các Nghị quyết của BTV Tỉnh ủy và Đề án của Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh về: Tăng cường sơ chế, chế biến, bảo quản, xúc tiến thương mại và tiêu thụ nông sản tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; hỗ trợ cấp mã số vùng trồng cho sản phẩm trồng trọt chủ lực, lợi thế phục vụ xuất khẩu và thị trường trong nước giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, các đại biểu đồng tình, thống nhất cao với tầm quan trọng phải ban hành các Nghị quyết. Bởi, Hòa Bình có nhiều tiềm năng, lợi thế về sản xuất nông, lâm sản. Thị trường tiêu thụ khá thuận lợi khi gần Thủ đô Hà Nội và các tỉnh đồng bằng, đặc biệt là Việt Nam đã hội nhập sâu vào các thị trường lớn trên thế giới theo các Hiệp định thương mại đã ký kết. Tuy nhiên, hiện nay, việc sơ chế, bảo quản, xúc tiến thương mại và tiêu thụ sản phẩm còn nhiều hạn chế, là nguyên nhân làm suy giảm giá trị nông sản trên địa bàn và ảnh hưởng đến kêu gọi đầu tư của doanh nghiệp vào lĩnh vực nông nghiệp, giảm thu nhập của người lao động... Do vậy, việc ban hành Nghị quyết của BTV Tỉnh ủy và đề án của UBND tỉnh về vấn đề này là rất cần thiết.

Bên cạnh đó, việc cấp mã số vùng trồng bước đầu tác động tới xuất khẩu nông sản của tỉnh. Song, số lượng, diện tích được cấp mã số vùng chưa đáng kể, chưa tương xứng với tiềm năng và yêu cầu thực tế trong sản xuất của tỉnh. Cùng với đó là những hạn chế về năng lực sơ chế, đóng gói, bảo quản sản phẩm đang là rào cản lớn, cản trở cơ hội xuất khẩu trực tiếp nông sản của tỉnh nói chung, sản phẩm trồng trọt nói riêng. Vì vậy, việc hỗ trợ cấp mã vùng trồng cho sản phẩm trồng trọt chủ lực, lợi thế là hết sức quan trọng, bám sát yêu cầu thực tế và có tính khả thi cao.

Tuy nhiên, để ban hành, triển khai thực hiện các nghị quyết, đề án đạt hiệu quả, một số ý kiến đề nghị, phải xác định rõ nhiệm vụ, giải pháp của từng nội dung để thực hiện, nhất là về nhiệm vụ thu hút đầu tư, ứng dụng KHCN; giải pháp có chính sách phù hợp khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất, sơ chế, bảo quản, tiêu thụ sản phẩm trồng trọt chủ lực và tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về cấp mã số vùng trồng. Nguồn lực của tỉnh còn khó khăn nên phải tính toán, cân đối bố trí hợp lý và phân kỳ, ưu tiên phần việc theo lộ trình để thực hiện đảm bảo tính khả thi. Chú trọng vấn đề xã hội hóa, kết nối các doanh nghiệp, HTX tham gia vào sơ chế, bảo quản; chú trọng liên kết sản xuất, xúc tiến thương mại để hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản, hướng tới xuất khẩu.

Báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ do UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh giao cho thấy, vấn đề cần quan tâm là tiến độ giải ngân vốn đầu tư công chậm; thu NSNN tuy cao hơn so với cùng kỳ nhưng vẫn thấp so với dự toán giao. Công tác GPMB các dự án khó khăn, nhất là dự án về giao thông; GPMB công trình Nhà máy thủy điện Hòa Bình mở rộng còn chậm...

Cũng tại cuộc họp, các đại biểu đã cho ý kiến vào các tờ trình về: Dự thảo Quyết định ban hành Bộ đơn giá "Đo đạc bản đồ địa chính; đăng ký quyền sử dụng đất, lập hồ sơ địa chính; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính” trên địa bàn tỉnh; dự thảo Quyết định ban hành Quy chế phối hợp quản lý hoạt động hội chợ, triển lãm thương mại và các hoạt động xúc tiến thương mại; dự thảo Báo cáo về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục nghề nghiệp và một số nội dung khác.

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, đồng chí Bùi Văn Khánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu: Về nhiệm vụ trọng tâm UBND tỉnh giao, các ngành, địa phương cần kiểm tra, rà soát vướng mắc những dự án lớn để thúc đẩy thu hút đầu tư. Các chủ trương đầu tư công phải khẩn trương hoàn thành các phần việc, thủ tục để trình HĐND tỉnh kịp thời.

Đồng chí nhấn mạnh: Các ngành chức năng, UBND TP Hòa Bình quan tâm giải quyết dứt điểm việc dồn ứ rác thải trên địa bàn, không để vấn đề phức tạp thêm. Thời gian qua, hiện tượng giao dịch, kinh doanh hoa lan đột biến gen diễn biến âm ỷ, bất bình thường trong tỉnh. Qua nắm bắt, có cả cán bộ, công chức cũng tham gia. Tình trạng này tiềm ẩn nhiều rủi ro, hậu quả xấu, ảnh hưởng đến ANTT, cần phải ngăn chặn ngay, không để tỉnh trở thành địa bàn nóng. Đây là trách nhiệm của các ngành, địa phương.

Đối với việc xây dựng các đề án liên quan đến sản phẩm nông sản phải nêu rõ trách nhiệm của các ngành, sử dụng thuật ngữ rõ ràng, tránh chung chung; xác định rõ nguồn lực thực hiện thì mới có tính khả thi.

Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu: Cần có sự thay đổi tư duy trong đội ngũ lãnh đạo và cả cán bộ, công chức; thay đổi là để phát triển, công việc trôi chảy hơn. Các sở, ngành, địa phương phải vào cuộc hết sức trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao.

Hoàng Nga

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/11/150995/ubnd-tinh-hop-thuong-ky-can-thay-doi-tu-duy-de-phat-trien.htm