UBND tỉnh Quảng Trị chỉ đạo xử lý sau phản ánh của Chuyên đề Công an TPHCM

Ông Hà Sỹ Đồng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị đã ký văn bản về việc nghiên cứu, đề xuất phương án xử lý sau phản ánh của Chuyên đề Công an TP.HCM.

Chuyên đề Công an TPHCM ngày 25/9 đăng bài “Thấp thỏm xin tỉa thưa, thanh lý cây trồng quá tuổi, chết khô” về thực trạng tại dự án trồng RPH đầu nguồn lưu vực sông Thạch Hãn, từ vốn vay Ngân hàng hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC). Hàng trăm ha rừng với nhiều cây trồng phụ trợ (keo tai tượng) chết khô, chết đứng, hư hỏng, đổ ngã… Trong khi đó cây trồng chính (cây bản địa như: sao đen, sến…) thì sinh trưởng chậm, nhỏ bé do lẩn khuất dưới tán cây keo và bởi mật độ dày đặc.

Cây keo tai tượng quá tuổi sinh học, bị chết, hư hỏng.

Cây keo tai tượng quá tuổi sinh học, bị chết, hư hỏng.

Các gia đình, cộng đồng là đối tượng nhận giao khoán đã trồng cây keo tai tượng từ 18 đến 19 năm trước. Cây quá tuổi nên bị chết khô, rỗng ruột, hư hại, đổ ngã… Mong muốn của các hộ gia đình, nhóm hộ, UBND các xã, các Ban quản lý rừng phòng hộ (BQLRPH) là sớm được khai thác, tỉa thưa, thanh lý cây trồng chết đứng, gãy đổ, hư hại…

Theo báo cáo của Sở NN&PTNT, dự án JBIC triển khai từ năm 2002 – 2006 tại các huyện Triệu Phong, Hải Lăng, Hướng Hóa, Đakrông và TX.Quảng Trị với tổng diện tích mà UBND tỉnh giao cho các đơn vị và các địa phương là 8.786,3ha. Cụ thể, BQLRPH lưu vực sông Thạch Hãn 2.187ha; BQLRPH Hướng Hóa – Đakrông quản lý 3.752,1ha; Khu bảo tồn thiên nhiên Đakrông 616ha: UBND xã Ba Lòng (H.Đakrông) 356,3ha; UBND xã Ba Lòng (H.Đakrông) 356,3ha.

Công tác giao khoán, BVR, khai thác, tỉa thưa và cơ chế hưởng lợi của các đối tượng đang thực hiện theo QĐ số 24/2016/QĐ-UBND ngày 28/6/2016 của Chủ tịch UBND tỉnh. Công tác khai thác, tỉa thưa từ năm 2013 đến nay: BQLRPH lưu vực sông Thạch Hãn 1.001,8ha; BQL RPH Hướng Hóa – Đakrông 287,1ha: UBND xã Ba Lòng 310,8ha và UBND xã Hải Phúc 197,8ha.

Bên giao khoán (UBND các xã và BQLRPH) được hưởng lợi theo QĐ số 24.

Tuy nhiên, rừng trồng JBIC hoàn thành từ năm 2008 trong khi bên nhận khoán (các hộ dân/cộng đồng) quản lý, bảo vệ và hưởng lợi từ sau khi QĐ số 24 có hiệu lực nên bên nhận khoán được hưởng lợi cũng như thời gian với bên nhận khoán. Người dân, cộng đồng được hưởng lợi tính từ năm 2017 trở đi nên giá trị sản phẩm khai thác tỉa thưa được chia sẻ là không nhiều.

Cây keo gãy đổ, mục nát.

Cây keo gãy đổ, mục nát.

Rừng dự án JBIC do BQLRPH lưu vực sông Thạch Hãn quản lý, những năm qua chịu ảnh hưởng của thời tiết xấu: lốc xoáy, gió mạnh, mưa bão làm ảnh hưởng đến tỉ lệ cây: gãy, đổ, chết khô, chết đứng nhiều. Ngoài ra, có một số diện tích các hộ nhận khoán BVR không đủ điều kiện tỉa thưa nuôi dưỡng đã ảnh hưởng đến việc chi trả hưởng lợi BVR, gây khó khăn cho các hộ nhận BVR; việc tham gia trực BVR,...

Các BQLRPH và UBND các xã kiến nghị, đối với diện tích không đủ điều kiện (không đủ mật độ) tỉa thưa nuôi dưỡng thì đề xuất kinh phí trồng cây nâng cấp bổ sung cây bản địa nhằm nâng cao năng suất, chất lượng RPH.

Ngày 26/9/2023, ông Hà Sỹ Đồng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị ký văn bản về việc nghiên cứu, đề xuất phương án xử lý nội dung phản ánh của Chuyên đề Công an TPHCM. UBND tỉnh giao Sở NN&PTNT chủ trì kiểm tra, nghiên cứu, đề xuất UBND tỉnh phương án xử lý, đảm bảo theo đúng quy định, phù hợp với tình hình thực tế, hoàn thành trước ngày 5/10/2023.

Ngoài chỉ đạo trên, ông Hà Sỹ Đồng cho biết: “Nhằm giải quyết các thực trạng trên và để đảm bảo cho người dân, cộng đồng và các BQLRPH, UBND các xã thực hiện tốt, đầy đủ về công tác giao khoán quản lý, BVR, khai thác tỉa thưa RPH và hưởng lợi thuộc dự án JBIC, UBND tỉnh sẽ nghiên cứu để điều chỉnh, sửa đổi QĐ số 24.

Có như vậy người dân mới yên tâm, củng cố niềm tin để tham gia trồng, chăm sóc, BVR, tích cực trực, tuần tra, kiểm tra rừng, hỗ trợ PCCC. Trường hợp nếu vướng về cơ chế, chính sách thì UBND tỉnh báo cáo, đề xuất Trung ương và Bộ (NN&PTNT), ngành để có phương án phù hợp với thực tế tại địa phương”.

Dự án JBIC tại Quảng Trị không chỉ góp phần vào sự thành công của “Chiến lược phát triển rừng Việt Nam” mà còn thổi nguồn sinh khí mới tại các thôn, xã, đem lại việc làm, thu nhập cải thiện cuộc sống cho người dân, các hộ nhận giao khoán trồng, chăm sóc, BVR.

UBND tỉnh Quảng Trị chỉ đạo xử lý sau khi Chuyên đề Công an TPHCM phản ánh về thực trạng dự án JBIC.

UBND tỉnh Quảng Trị chỉ đạo xử lý sau khi Chuyên đề Công an TPHCM phản ánh về thực trạng dự án JBIC.

Hoàng Quân

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/tin-chinh/ubnd-tinh-quang-tri-chi-dao-xu-ly-sau-khi-bao-catphcm-phan-anh-du-an-jbic_153794.html