UBND tỉnh tổ chức hội nghị phiên thường kỳ tháng 8
Sáng 7/8, UBND tỉnh tổ chức hội nghị phiên thường kỳ để đánh giá tình hình kinh tế - xã hội (KTXH) tháng 7 và 7 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ trọng tâm công tác tháng 8.
Đồng chí Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị. Cùng dự có các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, lãnh đạo HĐND, UBND tỉnh; các đồng chí Ủy viên UBND tỉnh, lãnh đạo các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố.
Thảo luận tại hội nghị, các đại biểu thống nhất đánh giá, trong tháng 7/2023, tình hình KTXH của tỉnh tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức nhất là sản xuất công nghiệp. Giá trị sản xuất công nghiệp trong tháng chỉ đạt hơn 7.588 tỷ đồng, là tháng đầu tiên kể từ đầu năm ghi nhận mức sụt giảm so với cùng kỳ.
Công tác quản lý nhà nước về xây dựng được tập trung chỉ đạo, nâng cao chất lượng lập các quy hoạch xây dựng vùng, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết. Kết cấu hạ tầng giao thông phát triển đồng bộ, nhất là các công trình, dự án trọng tâm, quan trọng, có vai trò chiến lược trong phát triển KTXH của giai đoạn 2021-2025 và những giai đoạn sau.
Sản xuất nông nghiệp và dịch vụ du lịch vẫn là "bệ đỡ" đóng góp quan trọng vào tỷ trọng phát triển kinh tế. Trong đó, sản xuất nông nghiệp đảm bảo khung thời vụ và kế hoạch đề ra, vụ đông xuân năm nay được đánh giá là vụ được mùa cả về năng suất và giá trị. Sản xuất chăn nuôi, thủy sản có nhiều tín hiệu tích cực, kiểm soát tốt dịch bệnh, giá thịt lợn hơi và các sản phẩm khác tiếp tục có xu hướng tăng, tạo điều kiện cho người chăn nuôi khôi phục và duy trì sản xuất. Công tác phòng chống lụt bão, phòng chống cháy rừng được tăng cường. Công tác xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu được tập trung chỉ đạo thực hiện theo kế hoạch.
Hoạt động thương mại và dịch vụ trên địa bàn tỉnh tiếp tục diễn ra sôi động, đặc biệt là các ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống. Du lịch phát triển mạnh mẽ, chất lượng dịch vụ du lịch ngày càng được nâng cao. Tổng số lượt khách đến các điểm tham quan du lịch trong tháng đạt 368 nghìn lượt, lũy kế 7 tháng đầu năm đạt 4,9 triệu lượt khách, tăng gấp 2,3 lần, doanh thu tăng gấp 2,6 lần so với cùng kỳ.
Hoạt động xuất khẩu, thu ngân sách gặp nhiều khó khăn. Đến ngày 2/8/2023, tổng thu ngân sách trên địa bàn mới đạt 37,6% dự toán HĐND tỉnh, bằng 69,3% so với cùng kỳ.
Văn hóa - xã hội, khoa học công nghệ, hoạt động đối ngoại có nhiều tiến bộ. Tỉnh đã tổ chức tốt các hoạt động kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh, liệt sĩ 27/7, hỗ trợ xây, sửa nhà cho hộ nghèo theo Nghị quyết số 43 của HĐND tỉnh. Đến nay, đã khởi công xây mới, sửa chữa nhà cho 341 hộ, đạt 68,2% kế hoạch. Kết quả thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2023 của Ninh Bình xếp thứ 4 toàn quốc, có 2 thí sinh trong tốp 10 thí sinh có điểm thi tốt nghiệp cao nhất toàn quốc.
Công tác xây dựng chính quyền, tư pháp, dân tộc, cải cách hành chính, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng được quan tâm thực hiện; an ninh - quốc phòng được giữ vững.
Để đạt được mục tiêu tăng trưởng năm 2023 trong bối cảnh một số sản phẩm công nghiệp của tỉnh gặp khó khăn về nguyên liệu sản xuất và thị trường tiêu thụ sản phẩm, các mặt hàng xuất khẩu chủ lực giảm sút so với cùng kỳ, các đại biểu cho rằng những tháng cuối năm phải quyết liệt triển khai các giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng, phục hồi kinh tế, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, đặc biệt là các sản phẩm công nghiệp, xuất khẩu chủ lực; tập trung giải ngân vốn đầu tư công, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng (GPMB), thi công các dự án quan trọng như tuyến đường Đông - Tây, tỉnh Ninh Bình (giai đoạn 1), tuyến đường T21, đường tỉnh ĐT.482…; đầu tư nâng cấp, hoàn thiện cơ sở hạ tầng các khu, cụm công nghiệp để thu hút đầu tư đi đôi với tăng cường kiểm tra, rà soát xử lý, thu hồi đất đối với các dự án chậm tiến độ.
Tập trung rà soát, hoàn thiện công tác thẩm định Quy hoạch tỉnh Ninh Bình, thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch đô thị, quy hoạch ngành; tăng cường các giải pháp thu ngân sách, thực hiện cắt giảm, tiết kiệm các khoản chi thường xuyên, không phát sinh các khoản chi không cấp bách; tiếp tục kiên trì giải pháp về tăng trưởng đối với lĩnh vực du lịch, dịch vụ...
Cùng với đó, các đại biểu cũng thảo luận các vấn đề như: đề nghị chuẩn bị tốt các điều kiện cho khai giảng năm học mới 2023 - 2024, nhất là về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất trường lớp học, tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho học sinh; việc sáp nhập đơn vị hành chính; đẩy mạnh tuyên truyền giám sát triển khai các biện pháp phòng, chống dịch sốt xuất huyết, kiểm tra an toàn thực phẩm tại một số bếp ăn tập thể; khẩn trương triển khai chính sách hỗ trợ điều dưỡng phục hồi sức khỏe tập trung cho người có công với cách mạng và thân nhân liệt sĩ trên địa bàn tỉnh…
Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Song Tùng phát biểu tại hội nghị.
Phát biểu tại hội nghị, các đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị đối với lĩnh vực sản xuất công nghiệp và xuất khẩu, Sở Công Thương, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh cần bám sát thông tin của Bộ Công Thương, các Bộ, ngành Trung ương để nắm bắt thông tin thị trường cung cấp đến các doanh nghiệp; rà soát lại các dự án trong khu, cụm công nghiệp để hỗ trợ hoặc thu hồi đối với dự án chậm tiến độ, không hiệu quả; các ngành rà soát lại công tác quy hoạch đảm bảo phù hợp với quy hoạch tỉnh để làm cơ sở thu hút đầu tư; rà soát lại việc phân cấp quy chế quản lý đô thị, đề án trồng cây xanh đô thị đảm bảo quy định về quản lý đô thị; các công trình lớn, công trình trọng điểm cần tập trung đẩy nhanh tiến độ và giải ngân nguồn vốn đầu tư công trong năm 2023.
Các vấn đề về đấu thầu thuốc, vật tư y tế cần sớm được tập trung tháo gỡ khó khăn để đảm bảo phục vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân. Nâng cao tinh thần trách nhiệm dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, không né tránh và tham mưu có hiệu quả những vấn đề từ cơ sở để giải quyết dứt điểm các công việc còn vướng mắc.
Để đảm bảo công tác điều hành ngân sách năm 2023, tỉnh sẽ cắt giảm chi thường xuyên tối đa, ưu tiên đầu tư cho các dự án trọng tâm, tập trung cao cho công tác GPMB, không để phát sinh các điểm nóng về GPMB; giải quyết hài hòa, bình đẳng quyền lợi của doanh nghiệp, của người dân, sớm đưa Khu du lịch Tam Cốc - Bích Động vào khai thác, phục vụ hoạt động du lịch.
Đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Quang Ngọc phát biểu kết luận hội nghị.
Kết luận hội nghị, đồng chí Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định: Những tác động của tình hình suy thoái kinh tế thế giới đã gây khó khăn không nhỏ trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của các cấp chính quyền trong việc đảm bảo thực hiện nhiệm vụ phát triển KTXH của tỉnh. Trong bối cảnh đó, với sự quyết liệt, chủ động của Trung ương, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, HĐND tỉnh cộng với những chủ trương, chính sách mới được ban hành đã phát huy hiệu quả, Ban cán sự Đảng UBND tỉnh, UBND tỉnh, các sở, ban, ngành, địa phương trong tỉnh đã bám sát sự chỉ đạo của các cấp, xác định rõ những khó khăn, vướng mắc từ đó tìm ra cơ hội, định hướng mới để đạt được mục tiêu tăng trưởng.
Chính vì vậy trong tháng 7, bên cạnh việc quán triệt thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các nghị quyết mới của HĐND tỉnh, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành, các cấp tập trung ưu tiên tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, do đó tốc độ tăng trưởng kinh tế vẫn được duy trì trên các lĩnh vực, sản xuất nông nghiệp, du lịch được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, đời sống nhân dân ổn định, an ninh chính trị được tăng cường. Các lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm được thực hiện theo đúng kế hoạch đề ra. Nhiều nội dung, mục tiêu trong phát triển KTXH đã hoàn thành vượt so với chỉ tiêu, kế hoạch. Do vậy đã tạo động lực rất tốt cho tăng trưởng kinh tế trong trước mắt và dài hạn.
Đặc biệt, việc đầu tư hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, đường giao thông tạo không gian dư địa mới thu hút các nhà đầu tư. Trong 7 tháng vừa qua tỉnh đã chủ động mời các nhà đầu tư về khảo sát, tìm hiểu cơ hội đầu tư. Qua ý kiến của các nhà đầu tư đã có những tín hiệu rất tốt, tin tưởng vào môi trường đầu tư của tỉnh. Với các dự án mà tỉnh đang triển khai như dự án xây dựng tuyến đường Đông - Tây, các dự án giao thông trọng điểm đã được các nhà đầu tư đánh giá cao và đề xuất các chính sách để tạo không gian thu hút đầu tư vào khu vực như Kim Sơn, Tam Điệp, Nho Quan.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh cũng chỉ rõ những thách thức rất lớn trong phát triển kinh tế năm 2023, trong đó phải kể đến thách thức đối với sản xuất công nghiệp, thu ngân sách, công tác đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải ngân vốn đầu tư công và đấu giá quyền sử dụng đất…
Đồng chí đề nghị, các cấp, ngành tập trung lãnh đạo thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm trong những tháng cuối năm. Theo đó, tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất để ổn định việc làm, tăng nguồn thu ngân sách; tập trung các giải pháp đảm bảo dự toán thu ngân sách những tháng cuối năm. Các huyện, thành phố tiếp tục tập trung hoàn thiện các thủ tục, trình tự để đấu giá quyền sử dụng đất, không để chậm tiến độ.
Đối với công tác quy hoạch tỉnh, đây là nhiệm vụ cần thực hiện sớm, nhanh và quyết liệt, do vậy các ngành, địa phương tập trung góp ý gửi về Sở Kế hoạch và Đầu tư để hoàn thiện báo cáo Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh xem xét báo cáo Trung ương và trình HĐND tỉnh trong quý III, từ đó sớm hoàn thành Quy hoạch tỉnh, tạo cơ sở thu hút các đầu tư chiến lược.
Ngoài ra, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh cũng nhấn mạnh các nhiệm vụ trọng tâm khác, đề nghị các cấp, ngành xem xét để giải quyết trong những tháng cuối năm như: việc sáp nhập đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã cần có lộ trình bài bản, tạo sự đồng thuận, thống nhất của cấp ủy, chính quyền và nhân dân. Các ngành rà soát lại quy hoạch ngành để đảm bảo phù hợp với thực tiễn sau khi sáp nhập các đơn vị hành chính.
Tiếp tục đảm bảo an ninh, quốc phòng, tập trung đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình trong khu vực phòng thủ. Riêng đối với công tác GPMB, các địa phương báo cáo trực tiếp với lãnh đạo UBND tỉnh để kịp thời đưa ra các giải pháp cho từng dự án một cách hiệu quả, đảm bảo sự thống nhất, đồng thuận giữa cấp ủy, chính quyền và nhân dân.