UBTV Quốc hội nhất trí nâng mức dư nợ vay của thành phố Hà Nội lên 90%

y ban Thường vụ Quốc hội đồng tình với việc nâng mức dư nợ vay của ngân sách thành phố Hà Nội từ 70% lên 90%, nhằm tạo dư địa cho Thủ đô có thể tăng quy mô vay vốn đầu tư một số dự án cơ sở hạ tầng quan trọng.

Toàn cảnh phiên thảo luận về cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với Thủ đô Hà Nội chiều 27/4. Ảnh: quochoi.vn

Tại phiên thảo luận về dự thảo Nghị định của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 63/2017/NĐ-CP ngày 19/5/2017 của Chính phủ quy định một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với Thủ đô Hà Nội chiều nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng tình với việc nâng mức dư nợ vay của ngân sách thành phố Hà Nội từ 70% lên 90%.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng nhất trí chủ trương cho phép UBND thành phố Hà Nội được tạm ứng sử dụng Quỹ Dự trữ tài chính để đầu tư các dự án cơ sở hạ tầng quan trọng với thời hạn tạm ứng là 36 tháng; sử dụng nguồn thực hiện cải cách tiền lương còn dư của ngân sách cấp thành phố để đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội và chi an sinh xã hội…

Lý giải về đề xuất này, đại diện phía Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho rằng, việc quy định tăng giới hạn mức dư nợ vay từ 70% theo Nghị định số 63/NĐ-CP lên 90% như dự thảo bảo đảm cho thành phố Hà Nội có thêm dư địa được vay và phù hợp với bối cảnh thực hiện đẩy mạnh cơ chế cho chính quyền địa phương vay lại từ nguồn Chính phủ vay nước ngoài, thay vì cấp phát như trước đây.

Một điểm nữa đó là, nhu cầu vốn đầu tư công của thành phố giai đoạn 2016 - 2020 khoảng 300 nghìn tỷ đồng, trong khi thành phố chỉ cân đối ngân sách được 105 nghìn tỷ đồng nên việc huy động vốn đầu tư phát triển tập trung cho các dự án trọng điểm là hết sức cần thiết.

Đại diện phía Chính phủ cũng lý giải rằng, việc tăng mức dư nợ vay của thành phố Hà Nội được kiểm soát trong giới hạn trần nợ công cả nước, mức vay, bội chi ngân sách của thành phố hằng năm được tổng hợp trong tổng mức vay và bội chi ngân sách được Quốc hội xem xét, quyết định theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước. Bên cạnh đó, theo Nghị quyết số 54/2017/QH14 thì hiện nay, thành phố Hồ Chí Minh đã được áp dụng mức dư nợ vay 90%.

Về nội dung này, quan điểm của Ủy ban Tài chính- Ngân sách cũng cho rằng, việc nâng mức dư nợ vay của ngân sách thành phố Hà Nội lên 90% để bảo đảm tương đồng với cơ chế đặc thù của thành phố Hồ Chí Minh và nhằm tạo dư địa cho Thủ đô có thể tăng quy mô vay vốn đầu tư một số dự án cơ sở hạ tầng quan trọng, trong bối cảnh nguồn vốn ODA ngày càng hạn hẹp và các dự án ODA về đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông đã được chuyển từ cơ chế cấp phát sang cơ chế cho địa phương vay lại.

Về việc cho phép thành phố Hà Nội tạm ứng Quỹ Dự trữ tài chính để đầu tư các dự án cơ sở hạ tầng quan trọng, Ủy ban Tài chính- Ngân sách nhất trí với chủ trương cho phép UBND thành phố Hà Nội được tạm ứng sử dụng Quỹ Dự trữ tài chính để đầu tư các dự án cơ sở hạ tầng quan trọng và thời hạn tạm ứng là 36 tháng. Thời hạn này cũng tương tự như thời hạn quy định về một số cơ chế, chính sách đặc thù đối với thành phố Hồ Chí Minh.

Tuy nhiên, Ủy ban Tài chính- Ngân sách đề nghị Chính phủ cần hướng dẫn cụ thể về mức tạm ứng, cơ chế quản lý, sử dụng, kiểm tra, giám sát chặt chẽ khoản vốn đầu tư này; bảo đảm an toàn Quỹ dự trữ tài chính và thực hiện đúng quy định của pháp luật về đầu tư công.

Thế Vũ

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/ubtv-quoc-hoi-nhat-tri-nang-muc-du-no-vay-cua-thanh-pho-ha-noi-len-90-post77786.html