UBTVQH NGHE BÁO CÁO TỔNG HỢP Ý KIẾN, KIẾN NGHỊ CỦA CỬ TRI VÀ NHÂN DÂN GỬI ĐẾN KỲ HỌP THỨ 10 CỦA QUỐC HỘI
Thực hiện chương trình Phiên họp thứ 49, sáng 14/10, UBTVQH nghe báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 10 của Quốc hội. Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ điều hành nội dung làm việc.
Được sử Ủy nhiệm của Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trình bày Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 10 của Quốc hội, Phó Chủ tịch - Tổng thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Hầu A Lềnh cho biết, trước diễn biến phức tạp của đại dịch COVID - 19 đã tác động, gây rất nhiều khó khăn, thách thức đối với đất nước, cử tri và Nhân dân đánh giá cao việc hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng Bí thư - Chủ tịch nước, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã kịp thời ban hành nhiều kết luận, nghị quyết, chỉ thị và chỉ đạo các cấp, các ngành, địa phương tập trung triển khai thực hiện “mục tiêu kép”: vừa quyết liệt phòng, chống dịch hiệu quả, vừa tập trung phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, tháo gỡ khó khăn sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, đảm bảo quốc phòng an ninh, công tác đối ngoại, quyết liệt phòng chống tham nhũng, lãng phí, thực hành tiết kiệm.
Bên cạnh những kết quả đạt được, cử tri và Nhân dân phản ánh việc triển khai Nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ về thực hiện gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng cho các nhóm đối tượng bị tác động của dịch COVID-19 thời gian qua còn chậm, ở một số nơi còn thiếu sót và trùng đối tượng thụ hưởng; việc hỗ trợ cho các hộ kinh doanh, doanh nghiệp, người lao động còn bất cập; nhiều doanh nghiệp, người dân chưa tiếp cận được gói hỗ trợ; còn tình trạng một số đối tượng nhập cảnh trái phép tạo nguy cơ lây lan, gây khó khăn cho công tác phòng, chống dịch.
Về sản xuất - kinh doanh và đời sống nhân dân, cử tri và Nhân dân đánh giá cao nỗ lực của Quốc hội, Chính phủ, các ngành, các cấp đã chung sức, đồng lòng cùng người dân và doanh nghiệp khắc phục khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương đã triển khai có hiệu quả nhiều chính sách, giải pháp kích thích tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Kinh tế trong nước vẫn duy trì mức tăng trưởng dương, thặng dư thương mại đạt mức cao, lạm phát được kiểm soát. Bên cạnh đó, cử tri và Nhân dân lo lắng về tình hình dịch COVID-19 tiếp tục ảnh hưởng trực tiếp, sâu rộng đến đời sống xã hội; nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở làng nghề, hộ sản xuất kinh doanh phải ngừng hoạt động hoặc giải thể; một số lượng lớn người lao động bị thiếu hoặc mất việc làm dẫn đến không có thu nhập hoặc thu nhập rất thấp. Cử tri và Nhân dân còn bức xúc về một số dự án đầu tư công tiến độ triển khai rất chậm, chất lượng thấp, gây lãng phí nguồn lực quốc gia , mong muốn Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan chức năng tăng cường giám sát, kiểm tra, thanh tra việc thực hiện nhiệm vụ đầu tư công, việc sử dụng và thu hồi đất.
Về giáo dục và đào tạo, cử tri và Nhân dân ghi nhận những nỗ lực của ngành giáo dục tổ chức kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm 2020 trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn ra phức tạp. Các biện pháp phòng, chống dịch trong trường học được chỉ đạo thực hiện nghiêm túc. Lễ khai giảng năm học mới được tổ chức phù hợp với điều kiện của mỗi địa phương, cơ sở giáo dục. Cử tri và Nhân dân một số nơi bức xúc vì giá sách giáo khoa tăng cao so với năm học trước, có dấu hiệu “lợi ích nhóm”; thiếu hướng dẫn và thông tin chưa rõ ràng việc sử dụng sách giáo khoa trong các nhà trường; việc lạm thu đầu năm học vẫn tồn tại.
Về y tế và bảo đảm an toàn thực phẩm, cử tri và Nhân dân đánh giá cao và ghi nhận những nỗ lực tích cực, hiệu quả của ngành y tế trong phòng, chống dịch COVID-19. Tuy nhiên, bức xúc về các hành vi nâng giá thiết bị phục vụ phòng, chống dịch, lợi dụng chủ trương xã hội hóa để nâng khống giá thiết bị, vật tư y tế, nâng giá dịch vụ khám, chữa bệnh của một số cơ sở y tế công nhằm "trục lợi". Việc liên doanh, liên kết xã hội hóa tại các bệnh viện công chưa có cơ chế quản lý chặt chẽ, còn nhiều “lỗ hổng”, dẫn đến việc câu kết, lợi dụng trong mua sắm, lắp đặt trang thiết bị y tế khi thực hiện đề án xã hội hóa phục vụ khám, điều trị bệnh cho nhân dân.
Về an ninh, trật tự và an toàn xã hội, cử tri và Nhân dân lo lắng về tình hình tai nạn giao thông tiếp tục diễn biến phức tạp, xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, chết nhiều người ; xảy ra nhiều hành vi vi phạm trật tự, an toàn giao thông, không tuân thủ hiệu lệnh giao thông, lái xe "chèn ép" nhau trên đường, chống người thi hành công vụ ... Tình trạng vi phạm quy hoạch và xây dựng đô thị, lấn chiếm lòng đường, hè phố, tắc đường, ngập lụt khi mưa lớn vẫn chưa được khắc phục, nhất là ở các thành phố, đô thị lớn.
Về đối ngoại, cử tri và Nhân dân đánh giá cao trong điều kiện đại dịch COVID-19, thông qua hệ thống trực tuyến với các nước, lĩnh vực đối ngoại của Đảng, Nhà nước đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. Việt Nam đã đảm nhiệm tốt vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Chủ tịch ASEAN 2020 và Chủ tịch AIPA, góp phần tiếp tục thúc đẩy hợp tác nhiều mặt trong khu vực và quốc tế, tạo môi trường thuận lợi cho sự nghiệp phát triển đất nước.
Theo Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho biết, tại kỳ họp thứ chín Quốc hội khóa XIV, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã phản ánh, kiến nghị 12 vấn đề cử tri và Nhân dân quan tâm và có 5 kiến nghị gửi tới Quốc hội. Tại kỳ họp này, trên cơ sở ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân cả nước, Đoàn Chủ tịch kiến nghị một số vấn đề sau: Đoàn Chủ tịch ghi nhận việc Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã kịp thời chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện các giải pháp khắc phục những vướng mắc, hạn chế thuộc lĩnh vực quản lý của bộ, ngành, địa phương; Đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động vượt qua khó khăn do dịch COVID-19, nhanh chóng khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội, ổn định đời sống Nhân dân, thực hiện tốt công tác hỗ trợ người dân. Đồng thời, đề nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội tăng cường đôn đốc, giám sát chặt chẽ, thường xuyên việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về phát triển kinh tế - xã hội, về triển khai các dự án đầu tư, công trình trọng điểm quốc gia; theo dõi sát sao việc giải quyết các vụ án lớn, phức tạp, nhất là các vụ án tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng, những vụ án phức tạp, kéo dài gây bức xúc trong Nhân dân.
Bên cạnh đó, đề nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành, chính quyền địa phương tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, giải quyết vướng mắc trong thủ tục hành chính; tập trung thanh tra, kiểm tra giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo.
Trên cơ sở ý kiến, kiến nghị của cử tri, Nhân dân cả nước gửi đến kỳ họp thứ mười Quốc hội khóa XIV và các ý kiến thảo luận, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đề nghị Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu, thực hiện và thông báo việc thực hiện cho Đoàn Chủ tịch, cử tri và Nhân dân cả nước biết để giám sát theo quy định của Hiến pháp và pháp luật./.
Nguồn Quốc Hội: http://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=49127