UBTVQH thông qua 2 Nghị quyết về quy chế quản lý khoa học và số lượng đại biểu chuyên trách của HĐND Hà Nội
Chiều 22/2, UBTVQH cho ý kiến vào dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 887NQ/UBTVQH12 về việc ban hành Quy chế quản lý khoa học trong các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan thuộc UBTVQH và Văn phòng Quốc hội.
UBTVQH cũng cho ý kiến về Quy định số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách của HĐND thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2021-2026.
Phiên hop 53 UBTVQH.
Theo Tờ trình của Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Đức Hiển trình bày trước UBTVQH, mục đích của việc sửa đổi, bổ sung Quy chế quản lý hoạt động khoa học và công nghệ nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập trong công tác quản lý khoa học và công nghệ; nâng cao chất lượng hoạt động nghiên cứu và tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý khoa học và công nghệ trong các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc UBTVQH, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội trong thực hiện các chức năng lập hiến, lập pháp, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.
Thạc sỹ phải có thời gian công tác 8 năm trở lên mới được giao chủ nhiệm đề tài
Theo đó, quy chế bổ sung một số hình thức thực hiện hoạt động khoa học và công nghệ mới, như: các hoạt động khoa học chung; đề tài, đề án khoa học cấp bộ đột xuất, trọng điểm, dự án điều tra cơ bản kinh tế - xã hội, nhiệm vụ bảo vệ môi trường, nhằm tạo cơ sở pháp lý cho việc triển khai các hoạt động khoa học và công nghệ trong thực tiễn, khắc phục những vướng mắc, bất cập về vấn đề này trong thời gian qua.
Dự thảo Quy chế quy định cụ thể tiêu chuẩn, điều kiện đối với Chủ nhiệm chương trình, Chủ nhiệm các nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp bộ và cấp cơ sở cũng như xác định rõ những trường hợp không được đăng ký đề tài/đề án.
Dự thảo có nhiều quy định mới nhằm nâng cao chất lượng hoạt động nghiên cứu trong các cơ quan Quốc hội, như: quy định nhằm tăng tính cạnh tranh trong việc tuyển chọn, giao trực tiếp các nhiệm vụ khoa học (Điều 12 dự thảo Quy chế); nâng cao tiêu chuẩn làm chủ nhiệm, cộng tác viên chính các nhiệm vụ khoa học, nhất là các đề tài cấp bộ (Điều 7 dự thảo Quy chế); quy định chặt chẽ hơn về sản phẩm trung gian phải đăng trên các tạp chí uy tín..
Về tiêu chuẩn cá nhân là Chủ nhiệm đề tài/đề án khoa học cấp Bộ, so với Quy chế hiện hành, Dự thảo Quy chế quy định chặt chẽ hơn về tiêu chuẩn cá nhân là Chủ nhiệm đề tài/ đề án khoa học cấp Bộ nhằm mục đích nâng cao chất lượng và năng lực nghiên cứu của chủ nhiệm đề tài…
Cho rằng thực tế có một số cử nhân mới ra trường về công tác đã được giao chủ nhiệm đề tài nghiên cứu khoa học cấp bộ dẫn tới hiệu quả chưa cao, Viện Nghiên cứu lập pháp-cơ quan chủ trì xây dựng dự thảo nghị quyết, đề nghị bổ sung tiêu chí thạc sĩ phải có thời gian công tác tại các cơ quan của Quốc hội từ 8 năm trở lên; cử nhân phải có thời gian công tác tại các cơ quan của Quốc hội từ 10 năm trở lên mới được giao chủ nhiệm đề tài nghiên cứu khoa học cấp bộ. Đề xuất này nhận được sự đồng tình của một số đại biểu dự phiên họp, nhưng cũng có một số ý kiến cho rằng quy định như vậy là chưa phù hợp.
Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường nhất trí cần quy định chặt chẽ hơn, nhưng cũng cho rằng cần cân nhắc điều kiện thời gian công tác, vì trong quy định của Bộ Khoa học và Công nghệ không có yêu cầu này. Nhất trí với Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, một số ý kiến phân tích thêm, Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội hoạt động theo nhiệm kỳ. Do vậy, quy định về điều kiện thời gian như vậy là chưa thực sự phù hợp, cần cân nhắc thêm.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều hành phiên họp chiều 22/2.
Kết luận nội dung này, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đồng ý với đề xuất của Viện Nghiên cứu lập pháp để nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học.
Nghị quyết được UBTVQH thông qua với 100% ủy viên có mặt biểu quyết tán thành.
Đề xuất 19 đại biểu hoạt động chuyên trách HĐND của Hà Nội
Cuối giờ chiều, UBTVQH cho ý kiến về việc quy định số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách của HĐND thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2021-2026.
Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Tờ trình tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân nêu đề xuất của Chính phủ về số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách là 19 đại biểu. Trong đó, lãnh đạo HĐND TP Hà Nội là 3 người, 4 ban của HĐND thành phố mỗi ban có 1 trưởng ban, 2 phó trưởng ban và 1 ủy viên hoạt động chuyên trách.
Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách của HĐND TP Hà Nội nhiệm kỳ 2021-2026 chỉ tăng thêm 1 người so với nhiệm kỳ trước, nhưng về tổng biên chế hành chính Hà Nội được giao thì không tăng thêm theo đúng tinh thần chỉ đạo trong các nghị quyết của Đảng.
Quy định số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách của HĐND thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2021-2026 được 100% ủy viên UBTVQH biểu quyết tán thành. Nghị quyết được UBTVQH thông qua với tỷ lệ 100% ủy viên có mặt biểu quyết tán thành.
Cũng trong chiều 22/2, UBTVQH đã xem xét việc điều chỉnh lần thứ nhất cơ cấu, thành phần, số lượng người của cơ quan, tổ chức, đơn vị ở Trung ương và địa phương được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV với sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng.