Úc 'cứng giọng' với Pháp sau vụ hủy hợp đồng tàu ngầm
Phó Thủ tướng Úc Barnaby Joyce ngày 20-9 tuyên bố nước này không cần phải chịu trách nhiệm về sự tự do và sự bình đẳng của Pháp sau khi hai nước căng thẳng về vụ hủy hợp đồng tàu ngầm.
Theo ông Joyce, Úc đã chứng minh tình cảm của nước này đối với Pháp thông qua sự hy sinh của những binh sĩ Úc trong Thế chiến thứ nhất và Thế chiến thứ hai.
"Úc không cần phải chứng minh quan hệ và tình cảm của nước này để chịu trách nhiệm về sự tự do và sự bình đẳng của Pháp. Hàng chục ngàn người Úc đã chết trên đất Pháp hoặc chết khi bảo vệ đất Pháp khỏi các quốc gia vây hãm họ trong cả Thế chiến thứ nhất và Thế chiến thứ hai" - ông Joyce nhấn mạnh.
Phó thủ tướng Úc nói thêm họ đã đàm phán về hợp đồng tàu ngầm trong những năm qua. Tuy nhiên, Pháp vẫn nổi giận sau khi bị Úc hủy hợp đồng trị giá 40 tỉ USD ký năm 2016 này và chuyển qua đóng 8 tàu ngầm mới với công nghệ được Mỹ và Anh cung cấp.
Bộ trưởng Thương mại Úc Dan Tehan ngày 20-9 cho biết ông sẽ tìm kiếm một cuộc họp với đối tác Pháp nhằm giảm bớt căng thẳng khi đến Paris vào tháng 10 tới. Quan chức này cũng tin tưởng vụ việc không làm ảnh hưởng đến thương mại giữa hai nước.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trước đó triệu hồi các đại sứ tại Mỹ và Úc bất chấp việc Canberra giải thích quyết định hủy hợp đồng tàu ngầm là để bảo vệ lợi ích của nước này.
Trung Quốc - được xem là một trong những lý do khiến Úc cấp tốc xây dựng hạm đội tàu ngầm mới - cũng lên án thỏa thuận ba bên giữa Mỹ, Anh và Úc.
Quan hệ giữa Úc và Trung Quốc xấu đi trong 2 năm qua sau khi Úc cấm Tập đoàn Huawei (Trung Quốc) tham gia phát triển mạng 5G, đồng thời kêu gọi điều tra độc lập về nguồn gốc của virus SARS-CoV-2 gây dịch Covid-19. Trung Quốc sau đó đáp trả bằng cách cản trở nhập khẩu hàng hóa của Úc và chấm dứt tất cả liên lạc ở cấp bộ trưởng.