Úc ghi nhận trường hợp thứ 2 tử vong do dịch bệnh COVID-19

Người dân đeo khẩu trang để phòng tránh lây nhiễm COVID-19 tại sân bay ở Sydney, Úc, ngày 23/1/2020. Ảnh: AFP/ TTXVN

* Campuchia: Xác minh địa điểm du khách Nhật nhiễm COVID-19 đã lưu trú

Sáng 5/3, nhà chức trách y tế bang New South Wales của Úc xác nhận trường hợp tử vong thứ hai và tổng số ca nhiễm vi rút SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tại nước này đã tăng lên 54 người.

Phóng viên TTXVN tại Sydney dẫn thông báo của cơ quan trên cho biết ca tử vong thứ hai là một cụ bà 95 tuổi đang được chăm sóc tại viện dưỡng lão Dorothy Henderson Lodge. Tính đến 9 giờ sáng 5/3 (giờ địa phương), ngoại trừ Lãnh thổ Thủ đô Canberra, các khu vực khác tại Úc đều đã có bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2.

Tổng số ca nhiễm đã tăng 12 người so với cùng thời điểm ngày 4/3. Đa số các ca nhiễm mới đều trở về từ Iran trong khoảng cuối tháng Hai vừa qua. Số ca nhiễm tại Úc tăng nhanh trong những ngày gần đây, đặc biệt New South Wales ghi nhận 22 ca trong tổng số 54 ca nhiễm trên cả nước.

Trước đó, người đứng đầu Cơ quan Y tế bang New South Wales Brad Hazzard cho biết ca mắc COVID-19 đầu tiên tại viện dưỡng lão Dorothy Henderson Lodge là một nhân viên y tế, có triệu chứng sốt vào ngày 24/2.

Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa xác định được nguồn gốc lây nhiễm của người này do người này không có lịch sử du lịch nước ngoài cũng như tiếp xúc với người nhiễm vi rút SARS-CoV-2. Hiện chính quyền bang New South Wales đang cách ly 13 bác sĩ, 23 y tá có tiếp xúc với một bác sĩ nhiễm COVID-19 tại Bệnh viện Ryde.

Bên cạnh đó, những bệnh nhân có tiếp xúc với nhân viên y tế bị bệnh tại viện dưỡng lão Dorothy Henderson Lodge cũng đang được theo dõi cách ly chặt chẽ. Cũng trong ngày 5/3, Thủ tướng Úc Scott Morrison đã ra lệnh cấm nhập cảnh đối với Hàn Quốc, sau thời gian duy trì mức cảnh báo hạn chế du lịch cao nhất.

Như vậy, tính đến nay, Úc đã áp dụng lệnh cấm du lịch vào đối với ba nước, gồm Hàn Quốc, Trung Quốc và Iran, trong khi tiếp tục duy trì mức cảnh báo đỏ đối với Ý. Bên cạnh lệnh cấm trên, Thủ tướng Morrison cũng thông báo nâng cao các biện pháp kiểm tra y tế trên máy bay và toàn bộ hệ thống sân bay của Úc.

Cụ thể, tất cả du khách bay đến Úc sẽ phải kê khai những câu hỏi bắt buộc, liên quan tới lịch sử đi lại và y tế, cũng như phải trải qua hình thức kiểm tra nhiệt độ cơ thể. Hành khách nhập cảnh không được sử dụng các cổng làm thủ tục nhập cảnh trực tuyến (cổng thông minh) và phải thực hiện các thủ tục xuất, nhập cảnh theo hướng dẫn của nhà chức trách.

Nếu có trường hợp người bệnh trên máy bay, các nhân viên an toàn sinh học và y tế Úc sẽ trực tiếp lên máy bay và quản lý ca bệnh cũng như những người có liên quan.

Nhằm bảo vệ nhân viên trước tình hình dịch COVID-19 đang lan rộng ra hơn 90 quốc gia và vùng lãnh thổ, với hơn 95.480 ca nhiễm bệnh, các tập đoàn lớn của Úc, bao gồm nhiều ngân hàng lớn như Westpac, Commonwealth... và các "đại gia" khai khoáng, đã ban hành lệnh cấm nhân viên đi tới các nước châu Á, châu Âu, thậm chí hạn chế cả đi lại trong nước.

Nhiều công ty tại Úc cũng đang áp dụng các hình thức công nghệ khác nhau để duy trì các hoạt động kinh doanh cũng như thu nhập của nhân viên và doanh thu của công ty.

Cùng ngày, Cơ quan An toàn việc làm của bang New South Wales (SafeWork NSW) ra thông báo yêu cầu hãng hàng không Qantas Airways cải thiện công tác khử trùng máy bay, tránh tình trạng vi rút SARS-CoV-19 có thể lây lan, gây nguy hiểm cho đội ngũ phi hành đoàn và hành khách trên các chuyến bay của hãng.

Thông báo trên được đưa ra sau khi một thanh tra viên phát hiện nhân viên và hành khách của Qantas Airways có thể gặp rủi ro bởi “hệ thống vận hành sử dụng cho việc làm sạch máy bay chưa được nâng cấp, để phòng tránh các dịch bệnh truyền nhiễm”.

Cụ thể, kết luận của SafeWork NSW nêu rõ thanh tra viên đã chứng kiến những người vệ sinh máy bay sử dụng cùng một miếng vải không có chất khử trùng để chùi rửa trên các mặt bàn khay đựng đồ ăn của máy bay và dùng các loại hóa chất “không xác định” để lau sàn và bề mặt bên trong máy bay.

Ngoài ra, kết luận cũng cho thấy những công nhân dọn dẹp vệ sinh đã trực tiếp dùng tay để thu gom các loại khăn giấy ướt đã qua sử dụng, khẩu trang, các chất bẩn... mà không có biện pháp bảo hộ thích hợp.

Người phát ngôn của Qantas đã bác bỏ kết quả điều tra của SafeWork NSW và cho biết đang xem xét kháng cáo kết luận nói trên. Người phát ngôn này khẳng định tất cả các máy bay của hãng đều được làm sạch và khử trùng, đặc biệt là sau mỗi chuyến bay quốc tế.

Trong khi đó, nhân viên của hãng đều được cung cấp các thiết bị bảo hộ cá nhân, sử dụng cho công việc làm sạch máy bay. Ngoài ra, với các vật phẩm nguy hiểm hơn, Qantas Airways cũng trang bị cả các thiết bị bổ sung như mặt nạ và bộ quần áo bảo hộ lao động chuyên dụng.

* Theo nhật báo Khmer Times, Fresh News, ngày 5/3, Tỉnh trưởng tỉnh Siem Reap Tea Seyha cho biết đã chỉ đạo các cơ quan chức năng tìm kiếm, xác minh các địa điểm mà một công dân Nhật Bản từng cư trú sau. Động thái diễn ra sau khi có thông tin của báo Việt Nam cho rằng người này có kết quả dương tính với chủng mới của virus corona (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Tỉnh trưởng Siem Reap cho biết, bước đầu đã xác định danh tính người đàn ông Nhật Bản là Giám đốc điều hành một tổ chức phi chính phủ đang hoạt động tại địa bàn tỉnh Siem Reap. Theo ông Tea Seyha, chính quyền tỉnh Siem Reap chưa nhận được thông tin chính thức từ Nhật Bản.

Tuy nhiên, chính quyền tỉnh Siem Reap đang cho tìm và xác minh những địa điểm mà công dân Nhật Bản đã lưu trú tại địa phương.

Ông Tea Seyha cho biết thêm, chính quyền tỉnh đã nhận được thông tin công dân Nhật Bản nói trên từ Philippines đến Thái Lan sau đó từ Thái Lan đến TP Siem Reap, quá cảnh Việt Nam để trở về Nhật Bản.

Trong một diễn biến khác, Đại sứ Campuchia tại Nhật Bản Ung Rachana xác nhận hành khách Nhật Bản nói trên đã được phát hiện dương tính với SARS-CoV-2 khi về đến sân bay Chubu, Nagoya, Nhật Bản.

Chiều 5/3, Bộ trưởng Bộ Y tế Campuchia Mam Bun Heng cho hay, Bộ Y tế đã nhận được thông tin rõ ràng về trường hợp công dân Nhật Bản nhiễm COVID-19. Bộ Y tế Campuchia và chính quyền tỉnh Siem Reap đang phối hợp làm việc một cách minh bạch, chính xác nhất theo quy trình của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nhằm tránh tạo nên sự sợ hãi cho người dân.

L.H (tổng từ TTXVN/Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/92/235841/uc-ghi-nhan-truong-hop-thu-2-tu-vong-do-dich-benh-covid-19.html