Úc phê chuẩn tiêm phòng COVID-19 cho trẻ em từ 5 đến 11 tuổi
Vắc xin phòng COVID-19 của hãng dược Pfizer/BioNTech. Ảnh: AFP/TTXVN
Nhóm Cố vấn kỹ thuật về tiêm chủng (ATAGI) của Úc vừa chấp thuận việc tiêm vắc xin ngừa COVID-19 của hãng Pfizer cho trẻ 5-11 tuổi. Chương trình tiêm chủng sẽ bắt đầu từ ngày 10/1/2022.
Thủ tướng Úc Scott Morrison cho biết chính phủ nước này đã áp dụng "lời khuyên y tế tốt nhất có thể", đó là cho phép trẻ em chủng ngừa COVID-19.
Theo ATAGI, mặc dù trẻ em mắc COVID-19 thường chỉ có các triệu chứng nhẹ, nhưng vẫn có nguy cơ mắc bệnh nặng hoặc gặp các biến chứng lâu dài do virus SARS-CoV-2 gây ra. Việc tiêm chủng đặc biệt quan trọng đối với những trẻ em có rủi ro mắc bệnh nặng hoặc sống tại các khu vực có ổ dịch bùng phát.
Việc tiêm phòng cho trẻ em cũng có thể giúp giảm lây lan bệnh dịch trong cộng đồng, ngăn ngừa trẻ em truyền virus sang người thân trong gia đình và cộng đồng.
So với việc tiêm chủng cho người lớn và thanh thiếu niên, có một số khác biệt quan trọng trong cách thức triển khai vắc xin cho trẻ em.
Trong khi người lớn được khuyến nghị khoảng cách giữa hai mũi tiêm là 3 tuần, ATAGI khuyến cáo khoảng thời gian này ở trẻ em là 8 tuần nhưng vẫn có thể được rút ngắn xuống còn 3 tuần trong những trường hợp đặc biệt, ví dụ xảy ra một đợt bùng phát dịch nghiêm trọng.
Liều lượng vắc xin dùng cho trẻ nhỏ cũng chỉ bằng 1/3 so với liều lượng tiêm cho người lớn, và các lọ vắc xin dành cho các em nhỏ sẽ được dán nhãn riêng.
Trong khi đó, Giám đốc Cơ quan Y tế Úc, giáo sư Brendan Murphy đã lên tiếng trấn an người dân nên bình tĩnh trước thông tin về biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2, trong bối cảnh biến thể này hiện vẫn chưa ghi nhận mức độ nghiêm trọng cao hơn so với các biến thể trước đây.
Bên cạnh đó, ông cũng kêu gọi người dân Úc nên chủ động đi tiêm mũi vắc xin tăng cường ngừa COVID-19 để đảm bảo hệ miễn dịch có thể chống lại biến thể mới.
Thông tin từ Giám đốc Y tế Úc cho biết tỉ lệ nhập viện hoặc bệnh chuyển nặng do biến thể Omicron tại Nam Phi là không cao, nhưng vẫn cần phải theo dõi thêm. Các chuyên gia y tế vẫn theo dõi sát tình hình và nhiều cuộc thử nghiệm trong phòng thí nghiệm đang được thực hiện tại Úc.
Giáo sư Murphy khẳng định các dữ liệu hiện tại cho thấy một mũi tiêm tăng cường vắc xin ngừa COVID-19 sẽ có hiệu quả trong chống lại biến thể mới.
Tại Úc, ba bang đông dân nhất là New South Wales, Queensland và Victoria hiện đều ghi nhận có các trường hợp nhiễm biến thể Omicron, trong đó bang New South Wales đã thông báo về các trường hợp lây nhiễm biến thể này trong cộng đồng.
Trong 24 giờ qua, tính đến sáng ngày 10/12, bang New South Wales ghi nhận 516 trường hợp mắc mới COVID-19, mức cao nhất kể từ tháng 10, thời điểm chính quyền bang bắt đầu gỡ bỏ lệnh phong tỏa kéo dài hơn ba tháng trước đó.
Do lo ngại sự bùng phát của biến thể Omicron, cuối tháng 11/2021, Thủ tướng Úc Scott Morrison đã thông báo lùi kế hoạch mở cửa biên giới trở lại cho sinh viên quốc tế và một số nhóm đối tượng từ ngày 1/12 sang ngày 15/12.
Mặc dù các ca mắc mới vẫn đang có xu hướng tăng tại Úc, song Bộ trưởng Thương mại, Du lịch và Đầu tư Dan Tehan cho biết Úc sẽ không tiếp tục trì hoãn và giữ kế hoạch mở cửa biên giới quốc tế vào ngày 15/12.
* Tại Đức, Ủy ban Tiêm chủng thường trực (STIKO) thuộc Viện Robert Koch (RKI) ngày 9/12 đã ra khuyến nghị tiêm chủng vắc xin Pfizer/BioNTech ngừa COVID-19 cho trẻ từ 5 đến 11 tuổi có bệnh nền. Ngay cả các trẻ khỏe mạnh ở nhóm tuổi này vẫn có thể được tiêm vắc xin nếu có nhu cầu.
Theo phóng viên TTXVN tại Đức, STIKO đã ra khuyến nghị tiêm chủng cho trẻ từ 5-11 tuổi có bệnh nền và tiếp xúc với các bệnh nhân có nguy cơ.
Quan điểm của STIKO về việc tiêm chủng cho trẻ em được các bậc phụ huynh đón chờ trong bối cảnh tỉ lệ lây nhiễm tại Đức hiện ở mức cao, nhất là với nhóm chưa được tiêm chủng.
Trẻ em trong độ tuổi 5-11 là nhóm hiếu động, thường tụ lại chơi đùa ở các nhà trẻ và trường học, do vậy nguy cơ lây nhiễm rất cao.
Đặc biệt, những trẻ mắc một số bệnh mãn tính hoặc suy giảm miễn dịch cũng có nguy cơ cao mắc COVID-19 nghiêm trọng.
STIKO thường thận trọng trong việc đưa ra khuyến nghị tiêm chủng đối với trẻ em, trước đó là với nhóm từ 12-17 tuổi, do chưa có đủ dữ liệu nghiên cứu cần thiết.
Việc đưa ra khuyến nghị tiêm chủng nêu trên, ngoài tính tới các rủi ro tiềm tàng đối với các em, STIKO còn xem xét tới lợi ích xã hội.
Quyết định tiêm cho trẻ từ 5-11 tuổi có thể còn khó khăn hơn so với nhóm trẻ nhiều tuổi hơn, bởi trẻ nhỏ hiếm khi bị ốm nặng khi mắc COVID-19.
Do vậy, chúng không có nguy cơ cao khi mắc bệnh, song lại có thể góp phần làm lây lan dịch và lây nhiễm sang người thân.
Dư luận từ lâu nhận định STIKO trước mắt có thể chỉ khuyến nghị tiêm chủng đối với trẻ mắc một số bệnh nền và có thân nhân bị bệnh. Tuy nhiên, đây mới chỉ là khuyến nghị tạm thời mà chưa phải là cuối cùng. Dự kiến, tới tháng 1 hoặc tháng 2/2022, STIKO mới đưa ra khuyến nghị liên quan đến việc tiêm chủng cho trẻ bị bệnh về cơ tim.
Trước đó, hồi cuối tháng 11/2021, Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) đã bật đèn xanh cho kế hoạch tiêm vắc xin Pfizer/BioNTech ngừa COVID-19 cho nhóm tuổi này.
Vắc xin dành cho trẻ từ 5-11 tuổi là chế phẩm đóng chai khác biệt và có liều thấp hơn (1/3) so với vắc xin Pfizer/BioNTech thông thường dành cho người trưởng thành. BioNTech dự kiến phân phối chế phẩm này ở thị trường Đức từ ngày 13/12 tới.
Khuyến nghị trên được đưa ra vào thời điểm tỉ lệ trẻ em bị nhiễm bệnh ở mức khá cao.
Theo số liệu của giới chức Đức, trong tuần qua, cứ 40 học sinh ở nước này thì có một em bị ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp bởi COVID-19, đó là khả năng bị mắc bệnh hoặc phải cách ly do tiếp xúc với trường hợp F0.
Số ca mắc COVID-19 ở học sinh Đức trong tuần từ ngày 29/11 đến ngày 5/12 là 103.000 trường hợp, cao hơn khoảng 10.000 ca so với tuần trước đó. Số học sinh bị cách ly giảm nhẹ xuống còn khoảng 150.000.
Tổng cộng ở Đức có khoảng 11 triệu học sinh và khoảng 40.000 trường học và trường dạy nghề. Trong tuần qua, khoảng 1.500 trường phải hạn chế học trực tiếp và 86 trường bị đóng cửa.
Thống kê cũng cho thấy có 7.700 trường hợp giáo viên mắc COVID-19 và khoảng 4.000 trường hợp phải cách ly.