Ukraine bế tắc khi tìm cách chọc thủng phòng tuyến lợi hại của Nga

Lịch sử quân sự thế giới cho thấy chiến dịch phản công của Ukraine khó khăn hơn rất nhiều so với những gì đa phần công chúng cảm nhận được. Chọc thủng phòng tuyến Nga là một nhiệm vụ gây đau đầu thực sự cho các tướng lĩnh Ukraine.

Mục tiêu lớn, năng lực giới hạn

Chính sách mà chính phủ Ukraine công bố là giành lại toàn bộ lãnh thổ do Nga chiếm được từ năm 2014, bao gồm cả bán đảo Crimea. Nhưng hiện nay, Nga đã xây dựng được một hệ thống phòng ngự sâu rộng và hết sức vững chắc cũng như khoa học. Và do vậy, để đạt mục tiêu do chính phủ Ukraine đề ra, quân đội nước này buộc phải thực hiện một nhiệm vụ khổng lồ - di chuyển qua phòng tuyến Nga, tiến nhanh tới Biển Azov, đánh bại lực lượng Nga phòng thủ dọc theo đường tiến quân…

Lính Ukraine nã pháo về phía công sự Nga. Ảnh: Nytimes.

Lính Ukraine nã pháo về phía công sự Nga. Ảnh: Nytimes.

Nếu thất bại trong việc chọc thủng phòng tuyến Nga, khả năng cao Ukraine sẽ phải bước vào một cuộc xung đột vũ trang tiêu hao kéo dài, đối đầu với một quốc gia đông dân hơn nhiều. Ukraine đang cố gắng tránh kịch bản không mong muốn này bằng cách cố gắng tạo ra đột phá trong cuộc tấn công vào tuyến phòng ngự của Nga.

Thế nhưng lịch sử quân sự thế giới chỉ ra rằng thách thức đối diện Ukraine trong cuộc phản công này là quá lớn.

Ưu thế của lực lượng phòng ngự

Thời Thế chiến I, các nước châu Âu đủ giàu có và đông dân để bảo vệ các mặt trận rất dài, đôi khi gần như toàn bộ biên giới của họ. Bên phòng thủ có hỏa lực cải thiện lớn lao về tầm bắn, tốc độ bắn, độ chính xác và độ sát thương. Họ cũng có lợi thế lựa chọn địa điểm quyết chiến, xây dựng công sự kiên cố và sắp xếp lực lượng theo cách thức phát huy hiệu quả sử dụng hỏa lực.

Sang Thế chiến II, sự hoàn thiện của xe tăng, máy bay chiến đấu và thiết bị điện đài cho phép bên tấn công với kỹ năng tốt vượt qua được hệ thống phòng ngự của đối phương.

Nhưng theo thời gian, bên phòng ngự cũng tìm ra được cách thức sử dụng các vũ khí khí tài trên cho hoạt động phòng thủ. Bên cạnh đó, tính cơ động của lực lượng vũ trang lúc này giúp bên phòng ngự đưa nhanh lực lượng dự bị tới bất cứ vị trí phòng thủ nào đang gặp khó khăn và có nguy cơ sụp đổ. Bên phòng ngự cũng áp dụng ồ ạt mìn chống tăng và chống người - loại vũ khí rất hiệu quả.

Giới quân sự đúc rút ra công thức 3:1 về lợi thế sức mạnh chiến đấu cần thiết cho bên tiến công giành thắng lợi trước bên phòng ngự chặt chẽ.

Nhưng bên tiến công không thể chỉ dựa vào ưu thế vật chất. Họ cần phải làm mỏng lực lượng phòng thủ, làm suy yếu lực lượng dự bị chiến thuật, và đánh lạc hướng lực lượng dự bị chiến dịch của đối phương. Tất cả các nhiệm vụ này, bên tiến công phải tích hợp và đồng bộ hóa.

Đây cũng chính là thách thức mà quân đội Ukraine đang đối mặt khi tiến hành phản công Nga.

Tuyến phòng ngự Nga gồm các bãi mìn dày đặc, hào chống tăng và các chướng ngại vật bằng bê tông, được bảo vệ bằng hỏa lực bắn thẳng từ súng máy và súng chống tăng của các binh sĩ Nga ẩn nấp trong hố cá nhân hoặc boong-ke bê tông. Kế đó là các xe tăng Nga cũng được bố trí trong công sự vững chắc, sẵn sàng bắn yểm trợ cho tuyến trước. Các xe chiến đấu của Nga di chuyển giữa các vị trí đã được chuẩn bị kỹ càng, giúp họ hạn chế được hỏa lực chế áp của bên tiến công.

Về phần mình, lực lượng tiến công của Ukraine phải rà phá mìn và gỡ bỏ chướng ngại vật trong lúc liên tục bị pháo binh Nga và trực thăng tấn công của Nga giội hỏa lực lên.

Trong khi đó, xe thiết giáp phương Tây cùng lắm chỉ giúp bảo vệ sinh mạng lính Ukraine ngồi trong xe chứ chưa thành công trong việc đưa hỏa lực Ukraine tiến sâu vào chiều sâu phòng ngự của Nga.

Hy vọng của Ukraine có thể bị dập tắt bởi thực tế khắc nghiệt

Xét về mặt lịch sử, người ta có thể làm mỏng bên phòng ngự bằng cách đánh tiêu hao trong thời gian dài. Với nguồn lực lớn của mình, Mỹ, Anh và Liên Xô trong Thế chiến II đã phải chiến đấu bền bỉ trong thời gian dài, chấp nhận nhiều thương vong và tổn thất mới làm hao mòn được lực lượng phát xít Đức.

Ngày nay, có vẻ lực lượng Ukraine không đáp ứng được nhiệm vụ gây hao mòn lớn cho đối phương.

Năm 2022, Nga hứng chịu tổn thất nhất định khiến họ quyết định phải “tiết kiệm” nguồn lực ở đâu đó, cụ thể ở đây là Kharkov. Tình báo Ukraine phát hiện ra điều đó, và cố gắng gây bất ngờ cho Nga ở đây. Nhưng khi ấy cũng có thể Nga chủ động rút lui để bảo toàn lực lượng.

Hiện nay Ukraine muốn lặp lại “thắng lợi” ở Kharkov, nhưng cơ may thành công lần này tỏ ra không lớn.

Lực lượng Nga có vẻ bị căng mỏng trên thực địa, khiến Ukraine hy vọng về khả năng phản công thắng lợi.

Nhưng với cuộc động viên lực lượng dự bị vào mùa thu năm 2022, Nga đã khôi phục được sức mạnh chiến đấu. Có thông tin cho rằng, đến nay Nga có thể đã triển khai thêm các lữ đoàn bổ sung tới Ukraine, nâng cao khả năng của Nga duy trì lực lượng dự bị chiến thuật và chiến dịch.

Ngoài ra, công nghệ hiện đại, như máy bay không người lái (UAV), các hệ thống pháo và rocket tiên tiến, cộng với các tên lửa chống tăng tầm xa có dẫn đường cho phép các đơn vị phòng ngự đảm nhận các nhiệm vụ lớn hơn. Cuộc tấn công thành công của Ukraine vào mùa thu 2022 đã vô tình giúp Nga tập trung vào bảo vệ tuyến phòng ngự ngắn hơn, và do đó công việc phòng ngự sẽ dễ dàng hơn. Việc đập Kakhovka bị phá cũng tạo thuận lợi cho hoạt động phòng ngự của phía Nga ở khu vực phía Nam.

Trong trường hợp lực lượng tiến công của Ukraine tiến sâu được vào các lãnh thổ do Nga kiểm soát hiện nay, khả năng cao họ sẽ vấp phải các cuộc phản kích dữ dội của Nga - sự cản bước của lực lượng dự bị chiến thuật Nga và các đòn đánh tạt sườn của lực lượng dự bị chiến dịch Nga. Đồng thời, đội tiên phong của Ukraine sẽ gặp khó khăn lớn về hậu cần. Quân Ukraine khi ấy sẽ nằm ngoài tầm yểm trợ của UAV, pháo và rocket do khả năng tác chiến điện tử gây nhiễu của Nga.

Trung Hiếu/VOV.VN biên dịch Nguồn: Foreign Policy

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/ukraine-be-tac-khi-tim-cach-choc-thung-phong-tuyen-loi-hai-cua-nga-post1037206.vov