Ukraine chặn đường ống dẫn khí đốt từ Nga sang châu Âu
Kiev viện lý do 'bất khả kháng' để chặn đường ống khí đốt dẫn từ Nga sang châu Âu, trong khi tập đoàn khí đốt Gazprom của Nga nói rằng không có lý do gì để biện minh cho hành động này.
Đơn vị trung chuyển khí đốt của Ukraine - OGTSU - ngày 10/5 tuyên bố không thể tiếp tục vận chuyển khí đốt qua điểm nối Sochranovka và trạm nén Novopskov (nằm trong khu vực Lugansk), với lí do "các nhân viên của công ty không thể thực hiện việc kiểm soát vận hành" vì "có sự hiện diện của lực lượng Nga".
Khí đốt từ điểm nối này sẽ không được hòa vào hệ thống trung chuyển của Ukraine bắt đầu từ 7h ngày 11/5, OGTSU cho biết.
Điểm nối Sokhrankovka vận chuyển gần 1/3 lượng khí đốt từ Nga đến châu Âu, lên tới 32,6 triệu mét khối mỗi ngày, theo đơn vị khai thác.
Tuy nhiên, đại diện tập đoàn khí đốt Nga Gazprom cho biết công ty này không nhận được thông báo xác nhận về bất cứ lý do bất khả kháng hay trở ngại nào đối với hoạt động của điểm nối Sokhranovka hoặc trạm nén Novopskov.
Người phát ngôn của Gazprom - Sergey Kupriyanov khẳng định các chuyên gia Ukraine có toàn quyền tiếp cận cả 2 cơ sở, và trước đây không có bất kỳ lời phàn nàn nào về vấn đề này.
Ông Kupriyanov cũng nói rằng công ty khí đốt Naftogaz của Ukraine đã thông báo nếu Nga tiếp tục cung cấp khí đốt thông qua Sokhranovka, Kiev sẽ giảm khối lượng đầu ra.
Trong khi OGTSU đề xuất định tuyến lại khí đốt đến Sudzha, một điểm nối nằm trong vùng Sumy do chính phủ Ukraine kiểm soát, thì ông Kupriyanov nói rằng điều này là “bất khả thi về mặt công nghệ”.
“Việc phân phối khối lượng khí đốt được nêu rõ ràng trong thỏa thuận hợp tác ngày 30/12/2019 và phía Ukraine cũng nhận thức được điều này", ông Kupriyanov nói.
Cũng theo ông này, Gazprom đang hoàn thành mọi nghĩa vụ của mình đối với khách hàng châu Âu, tất cả các dịch vụ vận chuyển vẫn phù hợp với các điều khoản của hợp đồng và được thanh toán đầy đủ.
Mátxcơva hiện vẫn tiếp tục vận chuyển khí đốt đến châu Âu, bao gồm cả đường ống quá cảnh qua Ukraine, bất chấp xung đột và các lệnh cấm vận nhằm vào Nga do Mỹ và các đồng minh Liên minh châu Âu (EU) áp đặt.