Ukraine: Con đường hòa bình còn gập ghềnh

Tổng thống Mỹ Donald Trump đang sốt ruột trong việc thúc đẩy đàm phán hòa bình giữa Ukraine và Nga khi hai bên đang còn nhiều bất đồng chưa thể tháo gỡ. Khó khăn lớn nhất xuất phát từ phía Ukraine, với 'hòn đá tảng' rất khó vượt qua về vấn đề Crimea.

Chiều 23/4, Tổng thống Trump đã chỉ trích Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy vì ông này tuyên bố rằng “Ukraine sẽ không công nhận quyền kiểm soát của Nga đối với Crimea” và gọi phát biểu này là "rất có hại cho các cuộc đàm phán hòa bình với Nga”.

"Những tuyên bố mang tính kích động như của Zelenskyy khiến việc giải quyết cuộc chiến này trở nên rất khó khăn. Tình hình của Ukraine đang rất tồi tệ - Ông ta có thể có hòa bình hoặc có thể chiến đấu thêm 3 năm nữa trước khi mất toàn bộ đất nước", ông Trump viết trên mạng xã hội Truth Social.

Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố sẵn sàng đàm phán trực tiếp.

Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố sẵn sàng đàm phán trực tiếp.

Bình luận của ông Trump được đưa ra sau khi một cuộc họp ở London bàn về cuộc chiến tại Ukraine đã bị hạ cấp vì Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio tuyên bố sẽ không tham dự. Ông Rubio được kỳ vọng tham gia các cuộc thảo luận với các quan chức Ukraine, Anh và châu Âu, nhưng người phát ngôn Bộ Ngoại giao Tammy Bruce cho biết hôm 22/4 rằng ông không tham dự do "các vấn đề hậu cần", trong khi một vài quan chức ngoại giao Mỹ và châu Âu cho biết Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ không tham dự vì Nhà Trắng không cảm thấy rằng họ đang ở thời điểm quyết định trong các cuộc đàm phán đang diễn ra và ông Rubio không cảm thấy việc tham dự sẽ là cách sử dụng thời gian tốt nhất của mình. Thay thế ông tham dự cuộc họp là ông Keith Kellogg, đặc phái viên của Tổng thống Trump về Ukraine và Nga.

Những diễn biến trên đang gây ra sự bất ổn mới cho các nỗ lực ngoại giao nhằm chấm dứt chiến tranh của Nga. Mỹ ngày càng kiên định trong nỗ lực buộc Kyiv phải ký kết thỏa thuận, nhưng Ukraine vẫn kiên quyết rằng họ sẽ không từ bỏ Crimea, nơi đã sáp nhập vào Nga từ năm 2014, hoặc các phần miền Đông Ukraine đã nằm dưới sự kiểm soát của Nga từ khi cuộc chiến nổ ra vào năm 2022. Hôm 23/4, Phó Tổng thống Mỹ JD Vance đã đe dọa sẽ từ bỏ các cuộc đàm phán và tuyên bố với báo chí trong chuyến thăm Ấn Độ: "Chúng tôi đã đưa ra một đề xuất rất rõ ràng cho cả người Nga và người Ukraine, đã đến lúc họ phải đồng ý hoặc Mỹ phải từ bỏ tiến trình này. Chúng tôi đã tham gia vào rất nhiều hoạt động ngoại giao trên thực địa".

Nhưng, các đồng minh châu Âu của Ukraine, đặc biệt là Anh và Pháp, đã hy vọng thu hẹp khoảng cách. Các cuộc đàm phán hôm 23/4 dự kiến diễn ra sau cuộc họp tại Paris vào tuần trước, trong đó các quan chức từ Mỹ, Anh, Pháp và Đức đã thảo luận về khuôn khổ của Mỹ cho lệnh ngừng bắn.
Hôm 21/4, Tổng thống Putin đã nêu triển vọng tổ chức các cuộc đàm phán trực tiếp với Ukraine về lệnh ngừng bắn nhằm ngăn chặn các mục tiêu dân sự, nhưng cho biết cần phải thảo luận thêm về cách xác định mục tiêu dân sự. Hãng thông tấn Interfax của Nga cho biết người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov đã xác nhận phát biểu của Tổng thống Nga, nói rằng "ông Putin đã nghĩ đến các cuộc đàm phán và thảo luận với phía Ukraine".

Các thông tin rò rỉ trên báo chí cho thấy Mỹ dường như sẵn sàng công nhận việc Nga đơn phương sáp nhập Crimea như một phần của kế hoạch hòa bình phần lớn được đàm phán giữa Washington và Moscow nhằm chấm dứt giao tranh. Cho đến nay, không có quốc gia phương Tây nào công nhận việc chiếm Crimea năm 2014.

Một quan chức Mỹ cho biết Mỹ đã đưa ra đề xuất việc công nhận quyền kiểm soát của Nga đối với Crimea; đồng thời, thiết lập lệnh ngừng bắn tại các tuyến đầu của cuộc chiến. Ngay sau đó, người phát ngôn của Điện Kremlin Dmitry Peskov nhận xét lập trường của Mỹ "hoàn toàn phù hợp với sự hiểu biết của chúng tôi và với những gì chúng tôi đã nói trong một thời gian dài" và Moscow vẫn đang tiếp tục hợp tác với Mỹ. Maria Zakharova, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Nga cho biết trong một cuộc họp báo riêng rằng ông Zelenskyy không có năng lực đàm phán một thỏa thuận chấm dứt chiến tranh và cáo buộc ông cố gắng "phá hoại tiến trình hòa bình đang nổi lên bằng mọi giá".

Tổng thống Ukraine Zelenskyy và Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Tổng thống Ukraine Zelenskyy và Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Trong khi đó, Tổng thống Zelenskyy đã đăng trên Twitter một "tuyên bố về Crimea" được cựu Ngoại trưởng Mike Pompeo công bố vào năm 2018 dưới thời chính quyền ông Trump nhiệm kỳ I. Trong đó, Mỹ tuyên bố "không quốc gia nào có thể thay đổi biên giới của quốc gia khác bằng vũ lực" - và cáo buộc Nga cố gắng phá hoại "nguyên tắc quốc tế nền tảng".

Các quan chức Ukraine lập luận rằng tình trạng pháp lý của Crimea là một phần của Ukraine đã được các nghị quyết của Đại hội đồng Liên hợp quốc duy trì. Các nhà đàm phán cũng lập luận rằng việc cho phép “kẻ tấn công tiếp quản lãnh thổ một cách hợp pháp” sẽ tạo ra tiền lệ nguy hiểm cho các cuộc xung đột trong tương lai và có thể khuyến khích các nước có tham vọng bành trướng lãnh thổ đe dọa và chiếm đóng lãnh thổ của các quốc gia khác yếu thế hơn ở liền kề.

Ông Trump đã tuyên bố ông cần phải “thấy được sự nhiệt tình muốn chấm dứt chiến tranh" từ cả hai bên để Mỹ tiếp tục đàm phán, sau khi Ngoại trưởng Rubio cảnh báo về việc từ bỏ nỗ lực chấm dứt xung đột nếu không có dấu hiệu tiến triển. Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết khuôn khổ chung đã được trình bày cho cả hai bên để xác định xem những khác biệt có thể được thu hẹp trong một khoảng thời gian ngắn hay không.

Vẫn còn nhiều phần của khuôn khổ cần được hoàn thiện và Mỹ có kế hoạch làm việc với người châu Âu và người Ukraine về vấn đề này ngay trong tuần này. Thư ký báo chí Nhà Trắng Karoline Leavitt cho biết các cuộc đàm phán "hy vọng đang đi đúng hướng" và từ chối nói về việc "rút lui" khỏi các nỗ lực hòa bình sẽ là như thế nào đối với Mỹ.

An Châu (Tổng hợp)

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/su-kien-binh-luan-antg/ukraine-con-duong-hoa-binh-con-gap-ghenh-i766630/