Ukraine đang làm gì trong lúc 'dầu sôi lửa bỏng' trước phản công?
Nhiều dấu hiệu cho thấy Ukraine đang âm thầm triển khai đồng thời nhiều chiến lược để phục vụ đợt tấn công sắp tới.
Kể từ khi xung đột nổ ra ở Ukraine, hầu hết sự chú ý tập trung đổ dồn vào các cuộc tấn công bên trong lãnh thổ nước này. Tuy nhiên, những tuần gần đây, cuộc chiến đã lan rộng sang lãnh thổ Nga.
Kiev chưa từng thừa nhận tấn công các mục tiêu bên trong nước Nga, cũng như phần lãnh thổ mà Moscow đang kiểm soát ở Ukraine. Tuy nhiên, hãng tin Bloomberg dẫn nhận định từ giới phân tích tin rằng Ukraine có đứng sau một số hoạt động như vậy, và điều này sẽ mang lại 2 lợi ích cho chính quyền Kiev.
Buộc Nga phân tán lực lượng
Đầu tiên, nếu Ukraine đứng sau các cuộc tấn công, chiến thuật này sẽ buộc bộ chỉ huy Nga phải tính cách để lấp đầy các lỗ hổng trên lãnh thổ rộng lớn của Nga. Với diện tích lớn nhất thế giới, việc phân bổ nguồn lực của Nga chắc chắn gặp nhiều khó khăn so với các quốc gia khác.
Theo một số nguồn tin, tại tỉnh Belgorod (Nga) - nơi xảy ra nhiều cuộc tấn công và pháo kích từ bên ngoài, giới chuyên gia cho biết các đồn biên phòng ở biên giới Nga - Ukraine hầu như không có người giám sát.
Chính vì thế, các cuộc không kích vào sâu lãnh thổ Nga sẽ buộc bộ chỉ huy quân sự Nga phải chuyển lực lượng và sự chú ý khỏi một số tiền tuyến ở Ukraine, theo Bloomberg.
Thứ hai, việc tấn công lãnh thổ Nga có thể rất hữu ích trong cuộc chiến thông tin phức tạp giữa Nga-Ukraine. Theo Bloomberg, Ukraine có thể chuyển hướng dư luận khỏi việc nước này đang mất quyền kiểm soát đối với gần như toàn bộ Bakhmut (tỉnh Donetsk, vùng Donbass, đông Ukraine) - một TP mà Kiev đã tiêu tốn nguồn lực đáng kể để bảo vệ.
Cả hai lợi thế này đều đặc biệt quan trọng trong bối cảnh giới chức Ukraine cho biết cuộc phản công được lên kế hoạch của nước này đang đến rất gần. Nếu cuộc phản công có thể cắt đứt "hành lang trên bộ" nối dài từ Nga, thông qua 4 tỉnh Ukraine (Donetsk, Luhansk, Zaporizhia và Kherson), đến bán đảo Crimea (Nga tuyên bố sáp nhập từ Ukraine năm 2014), khả năng thay đổi thế trận và lật ngược tình thế là rất lớn.
Tăng tình báo và tấn công nậu cần
Trong khi đó, theo tờ Business Insider, Ukraine cũng tiến hành các chiến dịch trên mặt đất. Cụ thể, các nhóm biệt kích Ukraine đang cố gắng củng cố ưu thế về hỏa lực và thông tin tình báo tốt trước khi bất kỳ cuộc phản công nào xảy ra.
Theo lập luận của Ukraine, dù Nga có lợi thế về quân lực, một cuộc đột kích được lên kế hoạch tốt, dựa trên thông tin tình báo kịp thời, và do lực lượng tinh nhuệ tiến hành, chắc chắn vẫn mang lại kết quả khả quan.
Bên cạnh đó, việc đảm bảo ưu thế về hậu cần cũng đang được Ukraine ưu tiên. Đài PBS NewsHour dẫn phân tích của chuyên gia Jennifer Cafarella thuộc Viện Nghiên cứu Chiến tranh (Mỹ) cho rằng các cuộc tấn công nhằm vào các tuyến tiếp tế của Nga sẽ giảm năng lực tấn công cũng như phòng thủ của nước này - một yếu tố sẽ hỗ trợ rất lớn cho Ukraine trong bất kỳ hoạt động quân sự nào trong tương lai.
Ukraine còn nhiều vấn đề
Theo Business Insider, dù "may mắn" hơn Nga về mặt địa lý vì tuyến tiếp tế của Ukraine ngắn hơn nhiều, cũng như việc đang được chiến đấu ở "sân nhà", điều này không đảm bảo lợi thế lâu dài cho Kiev.
Ông Michael Kofman - nhà phân tích về quân đội Nga tại tổ chức Center for New American Security (Mỹ) nhận định: "Mặc dù một lượng lớn viện trợ của phương Tây đang được chuyển đến Ukraine, nhưng việc đưa viện trợ đó đến tiền tuyến rất phức tạp và việc phân phối [các khí tài quân sự cho các lực lượng] thường không đồng đều".
Ukraine đã thử sử dụng các phương tiện như máy bay không người lái để tiếp tế cho các đơn vị tiền tuyến. Tuy nhiên, sức chở của các máy bay này không lớn và rất dễ bị hệ thống theo dõi của Nga phát hiện.
Trước đó, Bộ Quốc phòng Nga liên tục thông tin rằng quân đội nước này đã phả hủy nhiều kho vũ khí mà Ukraine nhận được từ phương Tây, theo hãng thông tấn TASS. Điều này đặt ra nhiều thách thức hơn cho Ukraine trong gia đoạn "dầu sôi lửa bỏng" này, bởi không có gì đảm bảo nước này sẽ giữ được dòng viện trợ quân sự từ phương Tây trong bối cảnh xung đột đã kéo dài đến tháng thứ 16 và đã tiêu tốn một lượng tiền rất lớn của Mỹ và đồng minh châu Âu.
Bên cạnh đó, quân đội Nga cũng có khả năng tác chiến điện tử mạnh mẽ để đánh chặn hoặc gây nhiễu thông tin liên lạc. Vì vậy, các chỉ huy quân sự hàng đầu của Ukraine đã sử dụng nhiều phương pháp khác nhau để trao đổi thông tin, bao gồm điện thoại vệ tinh và các ứng dụng nhắn tin được mã hóa như Signal, phản ánh khả năng tích hợp công nghệ mới của quân đội Ukraine.
Tuy nhiên, binh sĩ Ukraine cũng được cho là đang sử dụng các nền tảng kém an toàn hơn WhatsApp, và rất dễ rơi vào tầm ngắm của Nga.