Ukraine đề nghị trở thành 'cầu nối châu Âu' của Trung Quốc
Tổng thống Ukraine đề nghị trở thành 'cầu nối châu Âu' cho các doanh nghiệp Trung Quốc, trong khi Bắc Kinh ra sức 'thúc đẩy tình hữu nghị truyền thống' với Kiev.
Theo tờ South China Morning Post, Trung Quốc hiện đang thúc đẩy quan hệ với Ukraine, khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kêu gọi chính quyền Kiev hợp tác hơn nữa về vaccine và cơ sở hạ tầng trong cuộc điện đàm mới nhất với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy.
Trung Quốc “thúc đẩy tình hữu nghị truyền thống” với Ukraine
Ngày 13-7, ông Tập cho biết Trung Quốc sẵn sàng làm việc với Ukraine để “thúc đẩy tình hữu nghị truyền thống, hiểu biết sâu sắc lẫn nhau và tăng cường các hợp tác thiết thực”.
“Trung Quốc sẵn sàng tiếp tục tăng cường hợp tác với Ukraine trong lĩnh vực vaccine… để giúp nước này vượt qua đại dịch COVID-19” - ông Tập cho biết.
Ônh cho biết thêm rằng hai bên cũng nên mở rộng hợp tác về cơ sở hạ tầng và sản phẩm nông nghiệp.
Đáp lại lời đề nghị của ông Tập, ông Zelenskiy cho biết các nhà đầu tư Trung Quốc được hoan nghênh tham gia vào một số dự án cơ sở hạ tầng quan trọng ở Ukraine, bao gồm phát triển cơ sở hạ tầng cảng biển, xây dựng và hiện đại hóa đường bộ, phát triển đường sắt, cơ sở hạ tầng đô thị và dịch vụ đô thị.
Ông Zelenskiy nói với ông Tập rằng Ukraine có thể trở thành “cầu nối châu Âu” cho các doanh nghiệp Trung Quốc, đồng thời nói thêm rằng đất nước của ông muốn xuất khẩu nhiều sản phẩm nông nghiệp hơn sang Trung Quốc.
Theo SCMP, trong cuộc điện đàm, ông Zelenskiy nhấn mạnh lại quan điểm của Ukraine về việc ủng hộ sự thống nhất của Trung Quốc, đồng thời ông Tập cũng khẳng định Trung Quốc ủng hộ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine.
Quan hệ Ukraine - Trung Quốc ấm dần lên
Cuộc điện đàm giữa hai nhà lãnh đạo là sự tái hợp mới nhất của Trung Quốc và Ukraine. Hai quốc gia đang hướng tới việc thúc đẩy và tăng cường mối quan hệ sau thời gian căng thẳng do Kiev ra quyết định ngừng thương vụ bán nhà máy sản xuất động cơ máy bay Motor Sich cho doanh nghiệp Skyrizon của Trung Quốc. Hồi tháng 1, Ukraine đã đưa doanh nghiệp này vào danh sách đen sau khi chính quyền Washington phản đối mạnh mẽ thương vụ này.
Đầu tháng này, Bắc Kinh và Kiev đã ký một thỏa thuận đầu tư vào các dự án đường bộ, cầu và đường sắt. Động thái này diễn ra vài ngày sau khi Ukraine đột ngột rút lại quyết định ủng hộ việc đưa ra tuyên bố chung kêu gọi Liên Hợp Quốc thực hiện một cuộc điều tra độc lập về tình hình nhân quyền ở khu vực Tân Cương của nước này.
Hành động của Ukraine làm dấy lên suy đoán rằng Bắc Kinh đã sử dụng ngoại giao vaccine để khiến Kiev thay đổi quan điểm của mình đối với vấn đề Tân Cương.
Tuy nhiên, Bắc Kinh đã phủ nhận các nhận định trên, nói rằng chính sách ngoại giao vaccine của Trung Quốc hoàn toàn không nhằm mục đích chính trị, đồng thời nhấn mạnh mục đích của chính sách Tân Cương của họ là chống khủng bố và chủ nghĩa cực đoan trong khu vực.
Là quốc gia châu Âu lớn thứ hai sau Nga, Ukraine có vị trí chiến lược quan trọng khi nằm bên cạnh biển Đen và biển Azov. Kể từ khi Ukraine độc lập vào năm 1992, Bắc Kinh ra sức mở rộng quan hệ với nước này. Hai nước hợp tác chủ yếu trên các lĩnh vực mà Ukraine có thế mạnh như quân sự, công nghệ và khoa học.
Trong khi quan hệ chính trị giữa Bắc Kinh và Kiev trở nên phức tạp kể từ khi các cuộc cách mạng ủng hộ dân chủ bắt đầu ở Ukraine vào năm 2004, Ukraine là quốc gia đầu tiên ở Đông Âu thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với Trung Quốc. Năm 2019, Trung Quốc đã vượt Nga trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Ukraine.
Theo SCMP, mối quan hệ đang ấm dần lên với Trung Quốc có thể được coi là một phần trong nỗ lực của Kiev nhằm phát triển chính sách châu Á của mình trong bối cảnh cạnh tranh giữa Trung Quốc và Mỹ ngày càng gia tăng. Theo đó, các nhà quan sát Ukraine nghi vấn liệu việc hợp tác cơ sở hạ tầng giữa hai nước có thể được mở rộng cho các dự án quan trọng hay không.
Ông Yurii Poita - người đứng đầu lĩnh vực nghiên cứu Châu Á-Thái Bình Dương thuộc tổ chức Mạng lưới Nghiên cứu Địa chính trị Mới có trụ sở tại Kiev - lưu ý rằng Kyiv sắp tung ra một cơ chế sàng lọc đầu tư nước ngoài nhằm “giới hạn việc hợp tác với Trung Quốc chỉ nằm trong lĩnh vực thương mại, đầu tư, giáo dục và du lịch”.