Ukraine đối mặt rủi ro lớn khi quan hệ Mỹ - Nga có dấu hiệu tan băng
Quan hệ Mỹ - Nga có dấu hiệu dần tan băng trong thời gian gần đây, đẩy Ukraine vào tình thế nguy hiểm khi tiến trình đàm phán hòa bình vẫn đang ở những bước đầu.
Quan hệ Mỹ - Nga tan băng
Khi xung đột Nga - Ukraine bùng nổ gần ba năm trước, Tổng thống Mỹ khi đó là Joe Biden, đã duy trì lập trường ủng hộ Kiev, củng cố liên minh châu Âu và áp đặt hàng loạt lệnh trừng phạt lên Nga.
Tuy nhiên, cách tiếp cận của Washington đã thay đổi đáng kể sau cuộc họp đầu tiên giữa các nhà đàm phán Mỹ và Nga ngày 18/2. Cuộc gặp diễn ra chỉ một tháng sau khi ông Trump trở lại Nhà Trắng, trong bối cảnh Ukraine và các đối tác NATO đang lo ngại bị gạt ra ngoài lề. Trong khi đó, phía Nga đã có những nhượng bộ ngay cả trước khi tiến trình đàm phán bắt đầu.

Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Reuters
Việc ông Trump vội vã tìm kiếm cái kết cho cuộc chiến ở Ukraine làm dấy lên lo ngại về một thỏa thuận hòa bình có thể làm suy yếu an ninh của Kiev và châu Âu, đồng thời định hình lại cục diện địa chính trị thế giới.
"Sự thật đáng lo ngại là ông Trump đã biến Nga từ một quốc gia bị cô lập thành một đối tác được coi trọng chỉ trong vài ngày", ông Brett Bruen, cựu cố vấn chính sách đối ngoại dưới thời cựu Tổng thống Mỹ Obama nhận định.
Các cuộc đàm phán tại Riyadh đánh dấu lần đầu tiên Mỹ và Nga chính thức gặp nhau để thảo luận về cuộc xung đột tại Ukraine. Sự kiện này đã dẫn đến thỏa thuận thành lập các nhóm đàm phán cho những vòng đối thoại tiếp theo, đồng thời thúc đẩy việc khôi phục hoạt động qua lại của các phái bộ ngoại giao hai nước, báo hiệu sự tan băng trong quan hệ song phương vốn đã đình trệ trong một thời gian dài.
Ngay cả trước khi đàm phán diễn ra, các chính trị gia châu Âu đã lên án ông Trump vì nhượng bộ Moscow mà không có điều kiện, đặc biệt là khi ông loại trừ khả năng Ukraine gia nhập NATO và cho rằng Kiev đang ảo tưởng nếu tin rằng có thể giành lại 20% lãnh thổ hiện đang nằm dưới sự kiểm soát của Nga. Một số kiến nhận định rằng ông Trump có ý định xoa dịu Điện Kremlin.
Trong phát biểu ngày 18/2, ông Trump tiếp tục chỉ trích Kiev, cho rằng lẽ ra họ nên ngồi vào bàn đàm phán sớm hơn để chấm dứt cuộc chiến đã kéo dài hơn 2 năm với Nga.
Những "người chơi chính" bị gạt ra bên lề
Việc Ukraine bị gạt ra khỏi cuộc họp song phương mới đây đánh dấu một sự thay đổi lớn so với nguyên tắc "không có gì liên quan đến Ukraine mà không có Ukraine" mà cựu Tổng thống Biden và NATO từng cam kết. Kiev tuyên bố sẽ không chấp nhận bất kỳ thỏa thuận nào bị áp đặt mà không có sự đồng thuận của họ.
Sự vắng mặt của các đại diện châu Âu càng làm dấy lên lo ngại trong giới đồng minh Mỹ, rằng ông Trump có thể sẵn sàng nhượng bộ Điện Kremlin. Điều này đã thúc đẩy các chính phủ châu Âu cân nhắc khả năng triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình để bảo đảm việc thực thi bất kỳ thỏa thuận nào liên quan đến Ukraine.
Trong cuộc họp báo tại Florida ngày 18/2, ông Trump nói với các phóng viên rằng ông không phản đối một động thái như vậy. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov khẳng định Moscow sẽ không chấp nhận sự hiện diện của quân đội NATO trong khu vực, ám chỉ rằng Nga có thể bác bỏ bất kỳ thỏa hiệp lớn nào.
Cũng tại cuộc họp, không có dấu hiệu nào cho thấy phía Nga đưa ra bất kỳ nhượng bộ đáng kể nào.

Ngoại trưởng Nga – Mỹ gặp nhau trước thềm đàm phán chấm dứt xung đột Ukraine.
Cuộc đàm phán mới đây chứng kiến ông Lavrov cùng trợ lý chính sách đối ngoại của Điện Kremlin, Yuri Ushakov – hai chính khách kỳ cựu với tổng cộng 34 năm kinh nghiệm trong vai trò hiện tại – đối mặt với ba trợ lý của ông Trump, những người chỉ mới đảm nhận chức vụ trong tháng đầu tiên: Ngoại trưởng Marco Rubio, Cố vấn An ninh Quốc gia Mike Waltz và Đặc phái viên của Trump, Steve Witkoff.
"Nhóm người Mỹ gần như không có kinh nghiệm đàm phán quốc tế cấp cao, không am hiểu sâu về Ukraine hay Nga, cũng như không có kỹ năng ngoại ngữ", ông Timothy Snyder, Giáo sư Đại học Yale và chuyên gia về Nga, nhận định trên X. "Nói một cách nhẹ nhàng, điều đó hoàn toàn không đúng với phía Nga".
Còn cựu Cố vấn chính sách đối ngoại dưới thời ông Obama - Brett Bruen gọi đây là "giờ phút nghiệp dư" của bộ máy an ninh quốc gia dưới thời ông Trump.
Tuy nhiên, ông Brian Hughes, phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng, tuyên bố: "Tổng thống Trump đã xây dựng một đội ngũ mạnh mẽ, hiện đang hiện thực hóa chương trình nghị sự hòa bình thông qua sức mạnh".
Tổng thống Mỹ cho biết ông tự tin hơn sau các cuộc đàm phán và có thể sẽ gặp người đồng cấp Nga Putin trước cuối tháng. Trước đó, ông từng ca ngợi ông Putin và đánh giá cao thái độ hòa giải của nhà lãnh đạo Nga sau cuộc điện đàm giữa hai bên vào tuần trước.
"Người Nga muốn đạt được một thỏa thuận", ông Trump nói với các phóng viên tại Palm Beach, Florida. Ông gạt bỏ lo ngại của Ukraine về việc bị loại khỏi cuộc họp và nhấn mạnh rằng Kiev lẽ ra nên tham gia đàm phán từ sớm.
Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio trước đó khẳng định không ai bị loại trừ khỏi tiến trình hòa bình và bất kỳ giải pháp nào cũng phải nhận được sự đồng thuận của tất cả các bên. Tuy nhiên, vẫn chưa có thông báo cụ thể về cách thức Ukraine xuất hiện trên bàn đàm phán.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã hoãn chuyến thăm Saudi Arabia dự kiến diễn ra vào ngày 19/2. Các nguồn tin thân cận tiết lộ rằng động thái này nhằm tránh việc vô tình trao "tính hợp pháp" cho cuộc đàm phán giữa Mỹ và Nga.
Cuối tuần trước, ông Zelensky đã từ chối ký vào thảo thỏa thuận khoáng sản với Washington. Reuters dẫn ba nguồn thạo tin cho biết, thỏa thuận đề xuất Ukraine sẽ trao cho Mỹ 50% trữ lượng khoáng sản quan trọng của nước này để đổi lấy khoản viện trợ quân sự từ Washington.
Nga đã thắng vòng đầu
Bà Emma Ashford, thành viên cấp cao tại nhóm nghiên cứu Stimson Center ở Washington, cho biết chính quyền Trump có thể có lý khi giới hạn các cuộc đàm phán vào thời điểm hiện tại.
"Chắc chắn là không lý tưởng khi Ukraine không có mặt trong phòng họp, mặc dù tôi tin rằng họ sẽ có mặt trong các cuộc họp như vậy trong tương lai", bà nói. "Nhưng chính quyền có lẽ đúng khi cho rằng việc đưa nhiều đối tác châu Âu vào phòng họp có thể tạo ra quá nhiều tiếng nói và khiến mọi tiến triển trở nên khó khăn hơn".
Tuy nhiên, đảng viên Dân chủ Jake Auchincloss, đồng chủ tịch nhóm đại diện Ukraine của Hạ viện, cho biết Nga đã giành chiến thắng ở vòng đầu.
"Điện Kremlin đã bình thường hóa quan hệ ngoại giao song phương mà không có sự tham gia của Ukraine hay NATO và họ không phải đánh đổi bất cứ điều gì để đạt được điều đó," một quan chức nói với Reuters.
Ba quan chức tình báo phương Tây cho biết họ không thấy bất kỳ bằng chứng mới nào cho thấy mục tiêu của ông Putin đã thay đổi. Theo họ, nhà lãnh đạo Nga vẫn quyết tâm giữ toàn bộ lãnh thổ mà Moscow hiện đang giành quyền kiểm soát.
Ông Roger Wicker, Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện và một thành viên đảng Cộng hòa có quan hệ thân cận với ông Trump, cũng đồng ý rằng Mỹ cần dè chừng hơn trong các cuộc đàm phán với Nga.
Khi được hỏi về tuyên bố của Tổng thống Mỹ rằng ông tin người đồng cấp Nga mong muốn hòa bình, ông Wicker trả lời: "Điều duy nhất chúng ta có thể tin ở người Nga là họ sẽ luôn hành động vì lợi ích của mình".