Ukraine: Gánh nặng quốc phòng đe dọa phục hồi kinh tế

Chi tiêu quân sự tăng vọt khiến IMF cảnh báo Ukraine có thể trượt khỏi lộ trình phục hồi kinh tế, khi cải cách bị đình trệ và nợ công ngày càng phình to.

Quảng trường Độc lập ở Kiev, Ukraine. Ảnh: REUTERS/TTXVN

Quảng trường Độc lập ở Kiev, Ukraine. Ảnh: REUTERS/TTXVN

Theo tờ Kyiv Post (Ukraine), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vừa đưa ra cảnh báo nghiêm túc về những rủi ro kinh tế mà Ukraine đang phải đối mặt, khi chi phí quốc phòng tăng vọt vào năm 2025 có nguy cơ làm chệch hướng các nỗ lực cải cách và xói mòn sự ổn định kinh tế vốn đã khó khăn lắm mới đạt được. Dù Ukraine đã có những bước tiến đáng kể trong việc ổn định nền kinh tế, nhưng cuộc chiến dai dẳng với Nga đang đặt ra những thách thức mới, buộc Kiev phải cân bằng giữa nhu cầu chiến sự và các mục tiêu phục hồi dài hạn.

Cụ thể, Ukraine vừa vượt qua đợt đánh giá thứ 8 của chương trình Cơ sở Quỹ Mở rộng (EFF) kéo dài 4 năm của IMF. Đây là một tín hiệu tích cực, cho thấy những nỗ lực của chính quyền Ukraine trong việc ổn định kinh tế và tăng doanh thu trong nước. Tuy nhiên, theo ghi chú mới nhất từ các chuyên gia IMF, những cú sốc từ cuộc chiến đang diễn ra vẫn tiếp tục đè nặng lên quá trình phục hồi, và động lực cải cách cơ cấu đã chậm lại.

Thách thức chi tiêu quốc phòng 2025

Điểm đáng lo ngại nhất là dự thảo ngân sách bổ sung cho năm 2025. Bộ Tài chính Ukraine đang phải tìm cách huy động thêm 400 tỷ Hr (tương đương 9,5 tỷ USD) để đáp ứng yêu cầu của Lực lượng Vũ trang Ukraine (AFU) và khối quốc phòng. IMF cảnh báo: "Mặc dù nền kinh tế vẫn phục hồi khá tốt, nhưng những căng thẳng từ xung đột đang đè nặng lên quá trình phục hồi, [trong khi] những rủi ro do cuộc chiến gây ra đối với chi tiêu tài chính đang hiện hữu và động lực cải cách cơ cấu đã chậm lại".

Chương trình EFF, với tổng trị giá 15,5 tỷ USD được phê duyệt vào tháng 3/2023, là chương trình đầu tiên trong lịch sử IMF được cấp cho một quốc gia đang trong tình trạng giao tranh. Quyết định này đòi hỏi IMF phải nới lỏng các quy tắc để hỗ trợ các quốc gia đối mặt với "tình trạng bất ổn cực kỳ cao". Tuy nhiên, thời gian và cường độ của cuộc chiến vẫn tiếp tục gây áp lực lên nền kinh tế Ukraine. Các chuyên gia IMF lo ngại rằng nếu cuộc chiến kéo dài và dữ dội hơn, mục tiêu khôi phục khả năng duy trì hiện trạng vào cuối chương trình (năm 2027) có thể trở nên khó khăn.

Bên cạnh chi phí quốc phòng, IMF cũng chỉ ra một số lĩnh vực cải cách quan trọng đang bị trì hoãn. Trọng tâm là sự yếu kém của cơ quan quản lý thị trường chứng khoán quốc gia (NSSMC), nơi một phần ba nhân viên giàu kinh nghiệm đã từ chức trong năm qua. Cơ quan này bị chỉ trích vì không hoàn thành các mục tiêu hoạch định chiến lược và thậm chí bị phát hiện cho phép các doanh nghiệp lách các hạn chế ngoại hối thời chiến.

Ngoài ra, IMF kêu gọi Ukraine cải thiện vai trò của tỷ giá hối đoái như một "bộ giảm xóc" và tiếp tục các biện pháp chống tham nhũng, những điều mà chính quyền Ukraine đã không hoàn thành trong các đợt đánh giá trước đó.

Việc tăng chi tiêu quốc phòng làm tăng quy mô thâm hụt ngân sách, và IMF dự báo thâm hụt sẽ đạt 22,1% GDP năm 2025. Điều này có nguy cơ làm gia tăng nợ trung hạn, đặc biệt khi các đối tác phương Tây dường như ít sẵn lòng cung cấp các khoản tài trợ hơn là các khoản vay. Chương trình tài trợ của IMF sẽ kết thúc vào năm 2027, tạo ra nhiều bất ổn nếu giao tranh vẫn tiếp diễn.

IMF lo ngại rằng nếu chiến sự kéo dài đến quý 2 năm 2026, mặc dù Ukraine có thể tiếp cận thêm các khoản đệm như khoản cho vay được bảo đảm bằng tài sản của Nga, nhưng "nước này sẽ có ít không gian hơn cho tài trợ dự phòng". Điều này có nghĩa là Ukraine có nguy cơ có nhiều nhu cầu tài chính hơn, khó có thể duy trì với mức nợ hiện tại, và sẽ gặp khó khăn trong việc thực hiện các chính sách phục hồi và ổn định kinh tế vĩ mô cần thiết.

Những điểm sáng mong manh

Mặc dù có những cảnh báo, IMF vẫn nhiều lần khen ngợi chính quyền Ukraine về khả năng duy trì ổn định kinh tế vĩ mô thông qua hoạch định chính sách khéo léo và sự hỗ trợ bên ngoài đáng kể. Nền kinh tế đã phục hồi sau những tổn thất nặng nề đối với GDP. Ukraine tiếp tục đáp ứng các điều kiện định lượng của IMF, như mức sàn cao hơn cho doanh thu thuế, và cam kết giảm thiểu lạm dụng người nộp thuế, cũng như giải quyết nền kinh tế "ngầm". Bộ Tài chính Ukraine cũng cam kết cải cách Cơ quan Hải quan Nhà nước, bao gồm việc tăng lương, mua sắm thiết bị mới và bổ nhiệm người đứng đầu mới vào cuối năm 2025.

Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế của Ukraine vẫn đang chậm lại do các cuộc tấn công liên tục của Nga vào cơ sở hạ tầng. Tệ hơn nữa, biến đổi khí hậu cũng đang ảnh hưởng đến hiệu suất xuất khẩu. Vụ thu hoạch thấp hơn hơn dự kiến do yếu tố khí hậu đã dẫn đến sự suy giảm GDP trong quý 4 năm 2024 và gây ra đợt lạm phát tăng đột biến vào mùa hè năm ngoái. Mặc dù lạm phát được dự kiến sẽ giảm xuống 9% vào cuối năm 2025, nhưng những biến động này vẫn là mối lo ngại.

IMF cũng chỉ ra một rào cản đáng kể đối với cải cách: "Sự mệt mỏi vì cải cách và những thách thức đối với sự đồng thuận chính trị có thể gây ra những trở ngại lớn". Tổ chức này cảnh báo về "áp lực dân túy và sự phản đối ngày càng tăng từ các nhóm lợi ích" có thể khiến các nỗ lực cải cách của chính quyền trở nên khó khăn hơn. Điều này thể hiện qua việc trì hoãn các cải cách chống tham nhũng và việc chậm trễ sửa đổi bộ luật tố tụng hình sự do khó tập hợp được ý chí chính trị.

Tóm lại, Ukraine đang đứng trước một nhiệm vụ vô cùng khó khăn: vừa phải chiến đấu trên mặt trận, vừa phải cải cách để phục hồi kinh tế. Việc cân bằng giữa nhu cầu quốc phòng cấp bách và sự cần thiết của các cải cách cấu trúc dài hạn sẽ quyết định khả năng phục hồi bền vững của Ukraine trong tương lai.

Vũ Thanh/Báo Tin tức và Dân tộc

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/ukraine-ganh-nang-quoc-phong-de-doa-phuc-hoi-kinh-te-20250708174405030.htm