Ukraine gặp khó khi mùa đông đến
Cuộc chiến ở Ukraina sẽ tiếp tục như thế nào? Cách đây vài tháng, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố rằng nếu tái đắc cử, ông sẽ 'giải quyết cuộc chiến đó trong 24 giờ'.
Còn Tổng thống Nga Vladimir Putin trong một phát biểu hồi đầu tháng 10 đã đưa ra dự báo: Nếu mọi việc diễn ra theo ý ông, cuộc chiến có thể kết thúc sau một tuần.
Trong bài phát biểu hôm 5/10 tại cuộc họp thường niên của Câu lạc bộ Thảo luận Valdai về các vấn đề toàn cầu, ông Putin dự đoán rằng Ukraine sẽ sụp đổ nếu phương Tây tắt các nguồn viện trợ quân sự và hỗ trợ kinh tế. Ông nói: “Nhìn chung, nền kinh tế Ukraine không thể tồn tại nếu không có sự hỗ trợ từ bên ngoài. Một khi bạn dừng việc này lại, mọi thứ sẽ kết thúc sau một tuần. Điều tương tự cũng xảy ra với hệ thống phòng thủ. Hãy tưởng tượng rằng nếu nguồn cung cấp không còn nữa, họ sẽ chỉ còn sống được một tuần khi hết đạn”.
Những nhận xét này có lẽ là phát biểu rõ ràng nhất của Tổng thống Putin cho đến nay về chiến lược của ông ở Ukraine. Ông tin vào sự rạn nứt trong liên minh phương Tây ủng hộ Ukraine, cuộc chiến tranh tiêu hao khủng khiếp càng kéo dài thì sự rạn nứt đó càng lớn. Và, những diễn biến trong những ngày gần đây, trước sự lo lắng của những người ủng hộ Ukraine, cho thấy rằng kế hoạch của ông Putin có thể đang thu hút được sự chú ý.
Hãy nhìn vào những thông tin báo chí gần đây từ Washington. Tuần trước, Tổng thống Joe Biden đã ký thành luật một dự luật tạm thời nhằm ngăn chặn việc chính phủ đóng cửa, nhưng việc tài trợ cho Ukraine thì không được nhắc đến. Biện pháp được ký ban hành thành luật có thể khiến Chính phủ Mỹ chỉ mở cửa đến hết ngày 17/11, nhưng không bao gồm khoản tài trợ bổ sung cho Ukraine.
Trên bề mặt, chính quyền Tổng thống Biden khoe rằng sự ủng hộ của công chúng Mỹ dành cho Ukraine “vẫn mạnh mẽ”. Nhưng, việc thiếu kinh phí trong dự luật dành cho Ukraine đã khiến Nhà Trắng phải chật vật tìm cách giải quyết. Trong suốt thời gian qua, Mỹ là “nguồn sống” ổn định cho Ukraine, cam kết tổng cộng khoảng 113 tỷ USD cho nước này, bao gồm hỗ trợ quân sự trực tiếp, chuyển ngân sách và hỗ trợ nhân đạo. Nhưng, việc Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy bị phế truất đã khiến cho hoạt động lập pháp tại Hạ viện thực sự bị đình trệ. Từ đó, triển vọng ngắn hạn của gói hỗ trợ mới cho Ukraine trở nên bấp bênh.
Một số người đang lợi dụng cuộc chiến Israel-Hamas để lập luận đầy hoài nghi rằng Mỹ cũng không đủ khả năng để hỗ trợ Ukraine. Cần nhớ rằng, Mỹ không phải là quốc gia duy nhất gánh vác gánh nặng tài chính khi hỗ trợ Ukraine. Các thành viên Liên minh châu Âu (EU) cung cấp khoảng 39% viện trợ quân sự trực tiếp cho Ukraine. Đầu tháng 10, các nhà lãnh đạo châu Âu, trong đó có Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, đã đảm bảo với Ukraine rằng sự ủng hộ của họ sẽ không giảm sút. Nhưng, như Josep Borrell, người đứng đầu đối ngoại EU đã chỉ ra, châu Âu không thể lấp đầy khoảng trống của Mỹ. Một phần, đây là vấn đề về hậu cần cũng như ý chí, khi lượng vũ khí tồn kho vẫn đang ở mức thấp.
Cuối tháng 9 vừa qua, đảng do ông Robert Fico, chính khách thân Nga đứng đầu đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử quốc hội ở Slovakia, một thành viên EU và NATO. Ông Fico đã kêu gọi Chính phủ Slovakia ngừng trang bị vũ khí cho Ukraine, cho rằng “những kẻ phát xít Ukraine” đã kích động cuộc chiến của Nga tại Ukraine. Trong một cuộc thảo luận đầu tháng 10 tại Diễn đàn An ninh Warsaw, Đô đốc Hải quân Hoàng gia Hà Lan Rob Bauer, Chủ tịch Ủy ban Quân sự NATO đã cảnh báo rằng “bây giờ đã lộ rõ đáy nòng” khi nói đến việc sản xuất đạn dược cho Ukraine.
Để trấn an Ukraine, Tổng thống Mỹ Biden đã tìm mọi cách “lên dây cót” các đồng minh. Trong một cuộc điện đàm do Mỹ triệu tập có sự tham gia của các đồng minh chủ chốt ở châu Âu cũng như các nhà lãnh đạo Canada và Nhật Bản - được tổ chức 3 ngày sau khi ông Biden ký đạo luật nhằm giữ cho chính phủ liên bang được tài trợ. Nhà Trắng thông báo rằng tất cả các quốc gia tham gia cuộc điện đàm đều nhấn mạnh rằng sự ủng hộ của họ đối với Ukraine vẫn không thay đổi và không ai đặt câu hỏi nghi ngờ đối với sự hỗ trợ của Mỹ dành cho Kiev. Nhưng, chính quyền Mỹ đã nghiêm khắc cảnh báo rằng quốc hội không được để dòng viện trợ bị gián đoạn.
Nhóm cũng thảo luận về cách cung cấp cho Ukraine sự hỗ trợ về vũ khí và tăng cường phòng không, cũng như củng cố cơ sở hạ tầng năng lượng khi quốc gia này chuẩn bị cho một mùa đông lạnh giá. Theo thông tin từ Nhà Trắng, các nhà lãnh đạo cũng hoạch định chiến lược về cách huy động các khoản quyên góp tư nhân để hỗ trợ quá trình phục hồi kinh tế của Ukraine.
Việc loại trừ khoản tiền hỗ trợ cho Ukraine diễn ra chưa đầy một tuần sau khi các nhà lập pháp Mỹ gặp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy tại Điện Capitol. Ông Zelenskiy đã tìm cách đảm bảo với người Mỹ rằng quân đội của ông đang “chiến thắng” trong cuộc chiến, nhấn mạnh rằng sự hỗ trợ bổ sung sẽ rất quan trọng.
Tình hình thực tế chiến trường sẽ càng khó khăn hơn cho Ukraine khi mùa đông đang đến gần. Liệu tình hình có nghiêm trọng như dự báo hay không? Câu trả lời là có. Hiện Nga đang điều thêm lực lượng quân chủ lực mạnh đến mặt trận miền Đông Ukraine để tăng cường quân lực cho cuộc tiến công vào thành phố trọng yếu Avdiivka. Sau khi đánh bại mọi nỗ lực phản công của Ukraine, Nga hiện đang dốc sức để tăng tốc tấn công nhằm mở rộng các địa bàn chiến lược bao trùm khu vực xung quanh Biển Đen.