Ukraine giật mình khi TT Putin thắng lớn ở Karabakh: Bí ẩn nằm ở đội quân gìn giữ hòa bình?
Theo chuyên gia Anders Åslund, chiến thắng của Nga tại Nagorno-Karabakh sẽ gióng lên hồi chuông báo động tại các quốc gia khác thuộc Liên Xô cũ như Ukraine, Belarus, Moldova.
Tổng thống Nga Vladimir Putin có vẻ như đã đạt được chiến thắng lớn tại Nagorno-Karabakh trong tuần này, điều đó đe dọa sẽ làm thay đổi cán cân địa chính trị xuyên suốt các vùng thuộc Liên Xô cũ theo hướng có lợi cho Nga.
Bằng cách làm trung gian hòa giải giữa Azerbaijan và Armenia, ông Putin đã thành công trong việc mở rộng đáng kể sự hiện diện quân sự của Nga tại vùng Nam Caucasus vốn giữ tầm quan trọng chiến lược.
Quan trọng hơn cả là, ông Putin đã làm được điều đó mà không gặp bất cứ sự chống trả nào của phương Tây. Trong một bài viết đăng trên website Hội đồng Đại Tây Dương, chuyên gia phân tích Anders Åslund cho rằng, bước tiến đó sẽ gióng lên hồi chuông báo động tại các quốc gia cộng hòa khác thuộc Liên Xô cũ như Ukraine, Belarus, Moldova.
Chiến thắng của Tổng thống Putin
Bài học lớn trong quá trình hòa giải Azerbaijan và Armenia được đúc rút như sau: Sức mạnh quân sự là nhân tố quyết định. Trong những tuần qua, việc sử dụng lực lượng quân sự đã khiến các bên trong cuộc đạt được điều mà phương thức ngoại giao hàng thập kỷ qua không mang lại được.
Chỉ có 2 đội chơi quốc tế can thiệp sâu vào xung đột tại Nam Caucasus, đó là Nga và Thổ Nhĩ Kỳ. Mỹ đã rời đi, trong khi Liên minh châu Âu (EU) thì như một chú hổ giấy khi không có bất cứ lực lượng nào trong khu vực này.
Cuộc chiến giữa Armenia và Azerbaijan là 1 trong 4 cuộc xung đột đã bị đóng băng và gián đoạn trong quá trình Liên Xô sụp đổ. Trong mắt của phần lớn các nhà quan sát bên ngoài, Armenia – lép vế về quân lực và hỏa lực – dường như đã nắm ngay phần thất bại.
Azerabijan lớn hơn nhiều so với Armenia và đã hưởng lợi rất nhiều từ nguồn dầu mỏ dồi dào kể từ năm 2000. Baku còn có một đồng minh rất mạnh là Thổ Nhĩ Kỳ - quốc gia giáp ranh với Armenia và khóa chặt biên giới nước này.
Tình thế bất lợi đã buộc Armenia phải tìm kiếm một giải pháp cho phép họ giữ vững Nagorno-Karabakh trong khi từ bỏ các vùng lãnh thổ khác của Azerbaijan.
Armenia hiện cho Nga đặt một căn cứ quân sự trên lãnh thổ của mình và có hiệp ước quốc phòng với Moscow nhưng hiệp ước này chỉ áp dụng với vùng lãnh thổ được quốc tế công nhận của Armenia.
Một kết luận hiển nhiên đã được đưa ra, đó là sớm hay muộn thì Azerbaijan cũng sẽ sử dụng ưu thế quân sự lớn mạnh của họ để tiến hành cuộc tấn công quyết liệt nhằm vào Armenia và tái chiếm các vùng lãnh thổ.
Ngày 27/9, dự đoán trên đã trở thành hiện thực. Trang bị các máy bay không người lái mới của Thổ Nhĩ Kỳ và Israel, Azerbaijan đã nhanh chóng áp đảo phòng không Armenia. Lực lượng Azerbaijan từng bước chiếm ưu thế và tới ngày 9/11, họ đã giành quyền kiểm soát thành phố chiến lược Shusha ở Nagorno-Karabakh. Phía Armenia cận kề ranh giới sụp đổ hoàn toàn.
Sau một số cuộc đàm phán ngoại giao trước đó, ông Putin đã có bước đi dứt khoát hơn, và bước đi này dường như nhận được sự đồng thuận của Thổ Nhĩ Kỳ.
Tổng thống Nga đã đi đến một tuyên bố chung giữa Nga, Azerbaijan và Armenia để kết thúc cuộc giao tranh. Thỏa thuận được ký kết giữa Tổng thống Nga Putin, Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan và Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev.
Về cơ bản, Azerbaijan đã tái chiếm lại vùng lãnh thổ bị mất vào năm 1994 và giành quyền kiểm soát một góc Nagorno-Karabakh. Ngoài ra, thỏa thuận này cũng hứa hẹn với Azerbaijan về việc đảm bảo an toàn cho các liên kết giao thông qua Armenia tới Cộng hòa tự trị Nakhichevan [một khu vực tách rời không giáp biển của Cộng hòa Azerbaijan].
Ông Putin cũng cam kết sẽ triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình với "1960 binh sĩ trang bị vũ khí cá nhân, 90 xe bọc thép chở quân, 380 xe quân sự và thiết bị chuyên dụng khác". Lực lượng này sẽ làm nhiệm vụ dọc đường giới tuyến ở Nagorno-Karabakh, canh gác hành lang Lachin trong thời hạn ban đầu là 5 năm. Trong khi đó, phía Armenia sẽ rút quân.
"Lực lượng gìn giữ hòa bình" Nga sẽ hiện diện tại Đông Ukraine?
Theo nhà phân tích Anders Åslund, lực lượng đặc biệt của Nga, với nhiều thành viên từng tham chiến tại đông Ukraine, đã bắt đầu lên đường tới Armenia trên các máy bay vận tải IL-76 ngày 10/11.
Vị chuyên gia nhận định, bằng cách đưa lực lượng đặc nhiệm này, dưới danh nghĩa lực lượng gìn giữ hòa bình, tới Nagorno-Karabakh, ông chủ Điện Kremlin đã khiến quốc gia Armenia nhỏ bé phải tăng cường phụ thuộc vào Nga.
Kết quả này đã đáp ứng được các mục tiêu trong chính sách ngoại giao của Nga tại vùng lân cận thuộc Liên Xô cũ.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cũng đã giành chiến thắng sau cuộc xung đột.
Các nhân tố quốc tế duy nhất tham gia và giải quyết cuộc xung đột là Nga và Thổ. Thổ Nhĩ Kỳ đã hậu thuẫn Azerbaijan một cách mạnh mẽ, và ông Putin đã tham vấn ông Erdogan, dù thỏa thuận ngừng bắn mới đây không bao gồm Thổ Nhĩ Kỳ. Điều đó khiến mọi quyền phân xử xung đột giữa Azerbaijan và Armenia đều nằm trong tay Kremlin, dù tuyên bố không nêu rõ.
Trong khi đó, Tổ chức An ninh và Hợp tác ở Châu Âu (OSCE) Minsk Group, Mỹ, Pháp và Liên minh châu Âu (EU) đều bị xem là không có liên quan tới khu vực này. Đặc biệt, theo ông Anders Åslund, Mỹ trông rất nực cười khi tổ chức gặp riêng từng ngoại trưởng của Armenia và Azerbaijan tại Washington ngày 23/10 nhưng không tiến hành gặp chung các bên hay đi đến thỏa thuận nào.
Bản chất của cuộc xung đột giữa Armenia và Azerbaijan đã phản ảnh một môi trường quốc tế đang thay đổi. Mỹ dường như đã rút khỏi các vấn đề toàn cầu, EU không có "cơ bắp" quân sự, trong khi phương Tây nói chung ngày càng xa lánh Thổ Nhĩ Kỳ.
Theo ông Anders Åslund, xét về khía cạnh địa chính trị, kết quả quan trọng nhất của cuộc xung đột có vẻ là sự hiện diện quân sự quy mô lớn của Nga ở Nagorno-Karabakh. Các sứ mệnh "gìn giữ hòa bình" đã được Nga thực thi trong 3 cuộc xung đột khác "bị đóng băng" hậu Xô Viết. Trước đó, lực lượng này đã hiện diện ở vùng Transnistria của Moldova, cùng với Abkhazia và Nam Ossetia.
Tương tự, lực lượng quân sự Nga hiện giờ đã thiết lập sự hiện diện tại trái tim của vùng Nam Caucasus, đáp ứng một trong những mục tiêu dài hạn của Moscow tại khu vực này.
Ông Anders Åslund cho rằng, riêng đối với Ukraine, sự thụ động của phương Tây trong cuộc xung đột ở Karabakh rất đáng lo ngại. Hệ quả là, Nga đã có thể mở rộng sự hiện diện quân sự của họ tại các vùng thuộc Liên Xô cũ mà không vấp phải bất cứ sự phản đối quyết liệt nào từ phương Tây.
Nhà báo Ukraine Vitaly Portnikov cảnh báo, điều này có thể sẽ làm gia tăng đáng kể nguy cơ "lực lượng gìn giữ hòa bình" của Nga xuất hiện ở miền đông Ukraine trong tương lai.