Ukraine khó thay đổi cục diện mặc dù đã sở hữu F-16. Tại sao?
Ukraine đã nhận được những chiếc máy bay chiến đấu F-16 sau hơn một năm chờ đợi. Theo thông tin từ các chuyên gia, lô máy bay đầu tiên đã cập bến vào ngày 31/8.
Các quan chức sau đó xác nhận với AP rằng một số chiếc F-16 đã có mặt tại Ukraine. Bốn quốc gia thành viên NATO - Bỉ, Đan Mạch, Na Uy và Hà Lan - đều đã cam kết gửi hàng chục chiếc máy bay này.
Mẫu chiến đấu cơ này được cho là sẽ nâng cấp đáng kể phi đội cũ kỹ có từ thời Liên Xô của Kiev. Chúng hứa hẹn sẽ giúp cải thiện khả năng phòng thủ và tấn công, cũng như tăng cường hỏa lực của quân đội Ukraine.
Tuy nhiên, chúng cũng đi kèm với những hạn chế lớn. Ukraine hiện chỉ có một số lượng ít ỏi chiến đấu cơ F-16 và một số ít phi công được đào tạo để sử dụng chúng. Ở chiều hướng ngược lại, Nga sở hữu các phương tiện chiến đấu trên không tiên tiến cùng hệ thống phòng không của riêng mình và có thể dễ dàng bắn hạ các máy bay của đối phương.
Theo các chuyên gia quân sự, hạn chế này đồng nghĩa với việc Ukraine có thể không sử dụng các máy bay F-16 cho các cuộc tấn công trực diện như mong muốn. Peter Layton, nghiên cứu viên tại Griffith Asia Institute và cựu thành viên của lực lượng không quân Australia, cho biết Ukraine sẽ phải hết sức thận trọng.
Ông cho rằng với số lượng máy bay và phi công hạn chế, Ukraine sẽ phải ưu tiên tránh tổn thất để có thể sử dụng các máy bay F-16 lâu nhất có thể. Các máy bay F-16 cần được "bảo vệ tốt" và nên được triển khai cho các nhiệm vụ "trong phạm vi" không phận Ukraine, nơi chúng được an toàn hơn.
“Mối đe dọa chính đối với chúng là các hệ thống phòng không tầm xa của Nga (S-400) và các máy bay chiến đấu Nga vẫn ở trong không phận Nga nhưng phóng tên lửa tầm xa vào không phận Ukraine”, ông nói thêm.
Nếu các máy bay F-16 của Ukraine tiến gần đến các tuyến đầu, chúng sẽ cần phải duy trì độ cao "rất" thấp để tránh bị radar Nga phát hiện, theo Justin Bronk, chuyên gia về chiến tranh không quân tại Viện Các quân chủng thống nhất Hoàng gia Anh.
Ông nói: “Việc tiến gần hơn 40 km tới các tuyến đầu sẽ mang theo rủi ro tăng đáng kể”.
Tướng Oleksandr Syrskyi của Ukraine đã phát biểu với tờ The Guardian vào tuần trước với quan điểm tương tự, cho rằng các máy bay F-16 có thể cần phải giữ khoảng cách ít nhất 40 km so với tuyến đầu. Ông nêu rõ sự "vượt trội trên không" và các hệ thống phòng thủ "rất mạnh mẽ" của Nga.
Ngoài ra, Marina Miron, nghiên cứu sinh hậu tiến sĩ tại Khoa Nghiên cứu Chiến tranh của King's College London, nói rằng Ukraine cần thiết lập một mạng lưới các trạm radar, các hầm chứa máy bay được gia cố, cung cấp phụ tùng thay thế, hệ thống tiếp nhiên liệu và các sân bay chất lượng.
Bên cạnh những vấn đề về hạ tầng, thiếu thốn về nhân sự cũng là một trở ngại lớn với Ukraine. Một cựu quan chức Bộ Quốc phòng nói với Politico vào tháng 5 rằng Ukraine chỉ có 20 phi công F-16- bằng một nửa số phi công cần thiết để vận hành một phi đội đầy đủ - dự kiến sẽ tốt nghiệp vào cuối năm nay.
Một khó khăn khác là số lượng máy bay mà họ sở hữu. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết số lượng F-16 có thể quá ít để tạo ra sự khác biệt trên chiến trường.
“Ngay cả khi chúng tôi có 50 chiếc, thì cũng chẳng là gì khi Nga có 300 chiếc”, ông nói và cho rằng cần ít nhất 128 chiếc F-16 để thay đổi cục diện.