Trong bài viết trước với tiêu đề: “ ‘Vòm sắt’ Israel cũng vô dụng trước hỏa lực Nga ở Donbass” chúng ta đã được nghe nhận định của Đại tướng Yury Baluyevsky, nguyên Tổng tham mưu trưởng lực lượng vũ trang Nga (2004-2008) về việc Iron Dome sẽ không có tác động đáng kể nào đến cục diện xung đột Nga-Ukraine.
Ngoài ra, giới phân tích còn chỉ ra hàng loạt sự không phù hợp khác khiến Ukraine không thể mua sắm và sử dụng hệ thống Iron Dome của Israel, bao gồm cả những nguyên nhân về kỹ thuật và tài chính.
Một vấn đề khác là Iron Dome được thiết kế để chống lại tên lửa tầm ngắn và đạn pháo 155 mm có tầm bắn lên tới 70 km. Thế nhưng đối với những loại đạn pháo hay tên lửa vượt quá tầm bắn này hoặc được phóng từ phạm vi cực gần thì “Vòm sắt” tỏ ra thiếu hiệu quả.
Thực tiễn cuộc xung đột Israel-Palestine đã cho thấy Iron Dome kém hiệu quả hơn đáng kể khi chống lại các cuộc tấn công bão hòa trong khoảng cách rất ngắn. Hamas thường sử dụng các đòn tấn công bão hòa, liên tục bắn tên lửa ở quỹ đạo thấp để khiến chúng khó bị đánh chặn hơn.
Iron Dome không hiệu quả trong việc chống lại mối đe dọa của tên lửa Qassam đối với thành phố phía nam Sderot, do khoảng cách ngắn khoảng chưa đầy 1km từ điểm gần nhất ở Sderot đến Dải Gaza khiến thời gian đạn rocket bay đến mục tiêu là quá ngắn, không đủ thời gian để đánh chặn.
Hơn nữa, sở dĩ Iron Dome phát huy được hiệu quả đánh chặn là do Israel biết rõ mục tiêu được bắn từ bên kia dải Gaza nên triển khai các hệ thống một cách hợp lý để nâng cao hiệu quả đánh chặn, còn với bình diện rộng lớn ở chiến trường Ukraine, sẽ rất khó để tính toán việc triển khai các hệ thống sao cho vừa phát huy hiệu quả, vừa tránh được các phương tiện trinh sát của Nga.
Một vấn đề khác là “Vòm sắt” được thiết kế với tính năng tự động hóa cao để rút ngắn thời gian phản ứng. Tuy nhiên, điều này đã dẫn tới những sự cố bắn nhầm do hệ thống tự động không phân biệt được mục tiêu địch - ta.
Năm 2018, 10 tên lửa đánh chặn đã tự động khai hỏa khi hệ thống này nhầm lẫn tiếng súng máy của Hamas là một vụ phóng rocket. Trong cuộc chiến năm 2021, hệ thống “Vòm Sắt” đã bắn rơi 1 chiếc UAV đồng đội.
Tháng 5/2021, Iron Dome đã bắn nhầm vào một chiếc F-15 của chính Không quân Israel, dù kíp vận hành đã kịp phát lệnh hủy đạn nhưng mảnh văng từ tên lửa vẫn khiến chiếc chiến đấu cơ bị hư hại.
Một vấn đề cực lớn khác là giá thành của hệ thống Iron Dome và đạn tên lửa đánh chặn Tamir là rất đắt đỏ, ngay cả một nước giàu có như Israel cũng không thể triển khai nhiều hệ thống và không chịu nổi nhiệt nếu phải tiêu thụ lượng đạn quá lớn, chứ đừng nói đến một nước nghèo như Ukraine.
Chi phí triển khai và vận hành 1 khẩu đội “Vòm Sắt” (mỗi khẩu đội 3 bệ phóng) lên tới 170 triệu USD, Israel hiện đang triển khai 10 khẩu đội và tính toán phải 15 khẩu đội mới đủ để bảo vệ lãnh thổ đất nước trước đòn tấn công bằng rocket từ Palestine và Lebanon. Diện tích Ukraine gấp 30 lần Israel nên nước nảy sẽ cần đến vài chục khẩu đội “Vòm sắt” trị giá tới vài tỷ USD.
Một khẩu đội “Vòm sắt” có 60 quả Tamir trên bệ phóng của 3 xe, tính cả số đạn có thể tiếp tế ngay là khoảng hơn 100 quả, tổng cộng Israel có hơn 1.000 quả tên lửa đánh chặn sẵn sàng phóng, tính cả số dự trữ thêm vài ngàn quả nữa.
Số lượng đó còn chưa đủ để Israel chặn được đòn tiến công của Hamas hoặc Hezbollah trong chưa đầy 1 tháng. Trong cuộc chiến Israel - Palestine năm 2014, Mỹ đã phải viện trợ khẩn cấp 225 triệu USD để Israel tích trữ tên lửa Tamir, dù Hamas mới chỉ phóng 4.500 quả rocket.
Trong khi đó, Nga có hàng nghìn hệ thống rocket phóng loạt, tên lửa đạn đạo chiến thuật, pháo dẫn đường, với hàng triệu quả. Nga chỉ cần sử dụng một phần tiềm lực đó cũng đủ khiến Israel hết kho dự trữ đạn đánh chặn, không nói đến việc Ukraine chỉ mua được vài hệ thống với số lượng đạn có hạn.
Mỗi quả đạn tên lửa phòng không Tamir có giá lên tới khoảng 90.000 USD/quả, trong khi đạn rocket không điều khiển chỉ có giá vài trăm USD/quả. Để đánh chặn 1 rocket thì cần phải phóng 1 hoặc 2 tên lửa, như vậy để đánh chặn mấy chục nghìn rocket, Ukraine sẽ phải tiêu tốn vài tỷ USD, vượt quá khả năng ngân sách của nước này.
Toàn Thắng