Ukraine không dễ gia nhập EU
Ukraine có thể nhận được sự bảo vệ từ Liên minh châu Âu (EU) cùng những đặc quyền khác có lợi cho nền kinh tế khi gia nhập khối. Tuy nhiên, con đường này không hề dễ dàng.
Hôm 28/2, Tổng thống Volodymyr Zelensky cùng các lãnh đạo Ukraine ký đơn xin gia nhập Liên minh châu Âu (EU) - khối thương mại lớn nhất thế giới, đã giúp duy trì hòa bình ở lục địa già trong nhiều thập kỷ.
“Chúng tôi đã chứng minh rằng ở mức tối thiểu, chúng tôi cũng giống như các bạn", ông Zelensky phát biểu trước Nghị viện châu Âu hôm 1/3. "Vì vậy, hãy chứng minh rằng các bạn cũng đang sát cánh với chúng tôi, chứng minh rằng các bạn sẽ không rời bỏ chúng tôi".
Trong bối cảnh Nga vẫn đang tiếp tục chiến dịch quân sự ở Ukraine, yêu cầu của ông Zelensky đã được bà Ursula von der Leyen, chủ tịch Ủy ban châu Âu, đón nhận nồng nhiệt.
Người đứng đầu cơ quan hành pháp của EU hôm 28/2 tuyên bố Ukraine là “một trong số chúng tôi và chúng tôi muốn họ gia nhập khối".
Tuy nhiên, theo New York Times, những lời động viên của bà có thể chỉ mang tính biểu tượng. Nguyện vọng gia nhập vào EU của Tổng thống Zelensky sẽ khó thành trong thời gian ngắn.
Một quá trình dài
Trên thực tế, gia nhập EU là một quá trình phức tạp, khó khăn và tốn kém, kéo dài trong nhiều năm, thậm chí hàng thập kỷ và đòi hỏi một cam kết đặc biệt từ quốc gia ứng viên.
Chẳng hạn, Ba Lan đã đưa ra yêu cầu chính thức gia nhập khối vào năm 1994. Nhưng phải đến năm 2004, nước này mới được kết nạp.
Để gia nhập EU, quốc gia ứng viên cần được tất cả 27 nước thành viên EU nhất trí thông qua. Ngay cả khi Ủy ban châu Âu là bên dẫn dắt và đặt nền móng cho các cuộc đàm phán, việc tất cả thành viên có bật đèn xanh để ứng viên gia nhập không vẫn là câu hỏi còn bỏ ngỏ.
Yêu cầu đồng thuận này đã được chứng minh là trở ngại thường trực đối với nỗ lực mở rộng của EU. Bulgaria đang ngăn cản các cuộc đàm phán gia nhập EU của Bắc Macedonia và Albania do bất đồng liên quan đến lịch sử và ngôn ngữ.
Bên cạnh đó, nước xin gia nhập cũng phải đảm bảo hệ thống chính trị, tư pháp và kinh tế của họ tương thích với khối bằng cách thông qua hệ thống thông luật của EU, cũng như hơn 80.000 trang quy định về mọi thứ, từ tiêu chuẩn môi trường đến quy tắc vệ sinh thực phẩm.
Một quan chức cấp cao của EU từng giải thích rằng có thể mất đến 18 tháng để Ủy ban châu Âu đánh giá đơn xin gia nhập khối của một quốc gia trước khi chuyển đến các nước thành viên xem xét.
Hơn nữa, hàng dài danh sách các quốc gia vẫn đang chờ đợi để được kết nạp suốt nhiều năm qua, bao gồm Albania, Bosnia và Serbia, khiến EU có thể rơi vào tình huống “khó xử" và khó có thể đẩy nhanh tiến độ hơn đối với Ukraine.
Ngoài ra, EU dường như cũng không có ý chí mở rộng như trước khi phải tập trung giải quyết các vấn đề nội bộ khối vì khủng hoảng kinh tế, Brexit và đại dịch Covid-19, cũng như hành vi vi phạm luật lệ của nước thành viên như Hungary.
Trước đó, vào cuối năm 2021, tòa án EU đã ra phán quyết cho rằng Budapest vi phạm các quy tắc của EU trong việc bảo vệ người tị nạn khi trục xuất những người này về biên giới Serbia.
"Đây không phải là điều có thể diễn ra trong một sớm một chiều", Corina Stratulat, nhà phân tích cấp cao tại Trung tâm Chính sách châu Âu (EPC), trụ sở ở Brussels, Bỉ, nhận xét. "Gia nhập EU là một quá trình, không phải một sự kiện. Dựa trên những gì chúng ta biết cho đến nay, nó cần thời gian, lòng kiên nhẫn và rất nhiều chuẩn bị từ cả đôi bên".
Bà Stratulat cho rằng Ukraine hiện chưa thể đáp ứng tất cả tiêu chí của khối. Bà đồng thời bày tỏ lo ngại về những rủi ro chính trị có thể nảy sinh nếu thủ tục gia nhập được đẩy nhanh theo cách chưa từng có tiền lệ.
Tình thế thay đổi
Ukraine hiện chưa được công nhận là ứng cử viên chính thức cho tư cách thành viên EU, dù quốc gia này là một phần của thỏa thuận liên kết với EU, trong đó hai bên đồng ý gắn kết nền kinh tế trong các lĩnh vực nhất định và làm sâu sắc hơn quan hệ chính trị kể từ năm 2017.
Ông Josep Borrell, nhà ngoại giao của EU cho biết tư cách thành viên EU của Ukraine cho đến nay vẫn chưa được thảo luận để không gây bất lợi cho Nga, nhưng việc Nga tấn công Ukraine dường như đã thay đổi tình hình.
“Tôi nghĩ rằng việc Nga tấn công Ukraine, sự lên án mạnh mẽ của EU về hành động này, cũng có thể là một yếu tố xác định cách chúng tôi phản hồi về yêu cầu gia nhập EU của Ukraine”, quan chức EU nói.
Dù những thách thức đối với việc Ukraine gia nhập EU là gì, hành động của Nga đã tạo ra sự đoàn kết trong khối, kéo theo một số biện pháp trừng phạt khắc nghiệt nhất trong lịch sử của EU.
Một số quốc gia Đông và Trung Âu, như Ba Lan và các nước Baltic ủng hộ nhiệt tình việc trở thành thành viên của Ukraine.
Trước đó, hầu hết người châu Âu cũng hoan nghênh sự mở rộng về phía đông của EU vào tháng 5/2004, khi khối này kết nạp 10 nước, bao gồm cả Cộng hòa Czech, Hungary và Ba Lan.
Mặc dù quá trình trở thành thành viên EU của Ukraine có thể sẽ mất thêm thời gian, nỗ lực của nước này nhằm tăng cường quan hệ chặt chẽ hơn với NATO và EU dường như sẽ khiến Nga không hài lòng.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/ukraine-khong-de-gia-nhap-eu-post1300032.html