Ukraine 'lên dây cót' cho cuộc tiến công mùa hè của Nga, hòa bình vẫn xa vời
Lời đe dọa của ông Trump về việc chấm dứt viện trợ và rút Mỹ khỏi các nỗ lực đàm phán hòa bình Nga - Ukraine đã gióng lên hồi chuông cảnh báo tại Kiev, mở đường cho những gì giới chức và binh sĩ Ukraine lo ngại: Nga sẽ mở một cuộc tổng tấn công mùa hè nhằm định hình lại cục diện chiến sự.
Chiến sự bước vào giai đoạn căng thẳng
Chỉ vài ngày sau khi đến thăm khu vực Kursk vào tuần trước, Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố lực lượng Nga đang "thiết lập vùng đệm an ninh" dọc biên giới Ukraine. Theo Điện Kremlin, quân đội Nga đã được lệnh tiếp tục tiến công, nhắm vào các vị trí quân sự của Ukraine gần biên giới.
Dọc theo chiến tuyến dài hơn 1.000 km, chiến sự đang bước vào giai đoạn căng thẳng nhất. Moscow đang tái tổ chức lực lượng – điều mà nhiều nhà quan sát nhận định là bước chuẩn bị cho một cuộc tổng công kích mới trong những tháng tới. Tại chiến tuyến miền Đông, các binh sĩ Ukraine cho biết lực lượng bộ binh Nga đang chiến đấu với xe máy, xe địa hình nhẹ và thậm chí cả xe tay ga điện – một hình ảnh kỳ lạ nhưng hiệu quả, cho thấy sự linh hoạt đầy bất ngờ trong chiến thuật tấn công của Moscow.
Giao tranh đã leo thang xung quanh Pokrovsk và Kostyantynivka, đe dọa đẩy lùi các cứ điểm phòng thủ then chốt của Ukraine ở Kramatorsk và Slovyansk và áp sát rìa khu vực Dnipropetrovsk. Hỗ trợ cho chiến thuật tấn công áp đảo này của Nga là vũ khí hạng nặng và công nghệ cao – từ bom lượn, tên lửa cho tới máy bay không người lái thế hệ mới có gắn sợi cáp quang, giúp chúng miễn nhiễm với hệ thống gây nhiễu điện tử. Trước áp lực khốc liệt, Ukraine buộc phải rút khỏi các thị trấn như Toretsk và Chasiv Yar – nơi mà cái giá cho việc trụ lại là quá đắt.

Quân đội Ukraine trên chiến trường. Ảnh: Reuters
Dẫu vậy, không phải mọi hy vọng đều tan biến.
“Người Ukraine vẫn là một lực lượng phòng thủ đáng gờm. Chúng ta có thể chứng kiến các bước tiến chậm rãi của Nga, nhưng không có dấu hiệu nào cho thấy một cuộc sụp đổ toàn diện của phòng tuyến Ukraine”, ông Franz-Stefan Gady, nhà phân tích quân sự tại Vienna nhận định.
Quân đội Ukraine đang dần “mất nhiệt”
Kể từ khi các quốc gia châu Âu bắt đầu tăng cường viện trợ, Ukraine hiện không còn quá phụ thuộc vào Mỹ trong việc duy trì nguồn hỏa lực pháo binh. Tuy nhiên, lợi thế chiến thuật ấy không thể xóa mờ thực tế là các đơn vị Ukraine, đặc biệt ở những điểm nóng như gần Pokrovsk, đang dần kiệt sức.
Sự mệt mỏi và hoài nghi đang lan rộng trong hàng ngũ quân đội Ukraine. Cả những sĩ quan dày dạn kinh nghiệm lẫn lính nghĩa vụ mới được điều động tới chiến trường đều đang phải vật lộn với một cảm giác u ám rằng không có chiến lược rõ ràng nào có thể nhanh chóng kết thúc cuộc chiến.
Ông Oleksandr Shyrshyn – chỉ huy tiểu đoàn thuộc Lữ đoàn cơ giới số 47 cho biết, đơn vị của ông đang vận hành những mẫu xe tăng hiện đại nhất từng được gửi tới chiến trường, bao gồm Abrams do Mỹ sản xuất và Leopard do. Nhưng trong một bài viết đăng trên mạng xã hội, vị chỉ huy này thẳng thắn thừa nhận rằng không một thiết bị tối tân nào có thể cứu vãn kế hoạch tác chiến sai lầm mà các lực lượng Ukraine đang theo đuổi.
Ông Shyrshyn kêu gọi một cuộc đánh giá nghiêm túc về khả năng tác chiến và yêu cầu xây dựng một chiến lược phù hợp hơn với thực tiễn chiến trường. Bộ Tổng tham mưu Ukraine sau đó xác nhận đang xem xét các đề nghị của ông.
Cuộc chiến đã làm lộ rõ những điểm yếu mang tính cơ cấu trong hệ thống chỉ huy của Ukraine. Theo ông Konrad Muzyka, giám đốc công ty tư vấn quốc phòng Rochan, việc khắc phục những điểm yếu ấy trong điều kiện hiện tại là một thách thức to lớn. Ukraine đã tiến hành một số cải cách sơ bộ nhưng vẫn còn nhiều hoài nghi về việc liệu chúng có đủ hiệu quả và kịp thời để thay đổi cục diện chiến sự hiện tại hay không?
Vấn đề nhân lực đặc biệt trở nên cấp bách. Trong một cuộc họp tại Điện Kremlin về phát triển kinh tế hồi đầu tháng, Tổng thống Putin tuyên bố rằng mỗi tháng có tới 60.000 người Nga “tình nguyện” gia nhập quân đội, gấp đôi con số 30.000 lính Ukraine. Dù một số chuyên gia cho rằng cả hai con số đều được thổi phồng, chênh lệch nhân sự vẫn là vấn đề đáng lo ngại.
Mối đe dọa từ trên không
Giữa bức tranh ảm đạm ấy, một trong những điểm sáng hiếm hoi của Ukraine là khả năng phát triển máy bay không người lái nội địa. Nhà báo Christopher Miller từ Financial Times nhận định, quân đội Ukraine đang áp dụng tư duy từ thế giới trò chơi điện tử để thúc đẩy sự sáng tạo và tinh thần chiến đấu của các đơn vị sử dụng UAV. Vào tháng 4/2025, Ukraine triển khai một sáng kiến mới cho phép binh sĩ tích lũy “điểm kỹ thuật số” bằng cách gửi các đoạn video xác thực ghi lại cảnh UAV tiêu diệt mục tiêu Nga. Số điểm này sau đó có thể được quy đổi để “mua” linh kiện và thiết bị dành cho máy bay không người lái thông qua một nền tảng chuyên biệt có tên “Brave 1 Market”.
Tuy vậy, tương lai của quân đội Ukraine trên chiến trường vẫn hết sức u ám. Ông Valery Zaluzhny – cựu Tổng tư lệnh quân đội Ukraine, nay là đại sứ Ukraine tại Vương quốc Anh, đã lên tiếng cảnh báo trong một bài phát biểu tại London tuần trước rằng: “Không nên ảo tưởng rằng sẽ có một phép màu nào đó mang lại hòa bình cho Kiev”. Trước tình trạng khan hiếm nhân lực và nền kinh tế kiệt quệ vì chiến sự kéo dài ở Ukraine, ông Zaluzhny thẳng thắn mô tả cuộc chiến hiện tại là “một trận chiến sinh tồn công nghệ cao”, nơi Ukraine buộc phải chiến đấu bằng cách “tối thiểu hóa nhân lực và chi phí, tối đa hóa hiệu quả”.
Trong khi đó, các cuộc tấn công bằng tên lửa của Nga nhằm vào các mục tiêu Ukraine đang có xu hướng gia tăng. Theo nhóm phân tích của ông Konrad Muzyka, mùa xuân này đã chứng kiến một số đợt oanh kích quy mô lớn, mỗi lần lên tới hơn 200 tên lửa. Điều đáng lo ngại là Nga hiện sản xuất được nhiều tên lửa hơn số lượng mà họ sử dụng, trong khi kho tên lửa đánh chặn Patriot của Ukraine đang dần cạn kiệt.
Chiến thuật sử dụng máy bay không người lái của Nga cũng trở nên tinh vi hơn. Chỉ trong tháng 5/2025, hơn 2.000 UAV Shahed do Iran sản xuất đã được phóng vào lãnh thổ Ukraine. Dù Kiev đã cải thiện khả năng phân biệt giữa mồi nhử và UAV mang đầu đạn thật, số lượng máy bay tấn công khổng lồ được phóng từ Nga cũng khiến hệ thống phòng thủ của Ukraine trở nên quá tải.
“Ngày càng nhiều máy bay lọt lưới và đánh trúng mục tiêu”, ông Muzyka cảnh báo.
Các UAV của Nga nay bay cao và nhanh hơn, khó bị hạ bằng hỏa lực thông thường, trong khi những phương án đánh chặn khả thi như hệ thống Patriot hay tiêm kích F-16 thì vừa hiếm hoi, vừa dễ bị tổn thất. Vào giữa tháng 5/2025, Ukraine đã mất một chiếc F-16 trong một nhiệm vụ không chiến, dù phi công đã kịp thoát ra khỏi máy bay sau khi bắn hạ ba mục tiêu.
Trước bối cảnh ấy, một sự thật ngày càng được nhiều binh sĩ và quan chức công khai thừa nhận: Ukraine đang bước vào một cuộc chiến kéo dài, bất cân xứng và ngày càng mang tính tiêu hao. Trong lúc tiếp tục thúc đẩy một lệnh ngừng bắn tạm thời kéo dài 30 ngày, các nhà lãnh đạo Ukraine dường như không đặt quá nhiều kỳ vọng vào việc chiến sự sẽ nhanh chóng kết thúc. Financial Times dẫn lời một số quan chức và chỉ huy trên chiến trường cho biết, Nga chưa hề phát tín hiệu giảm leo thang hay sẵn sàng đưa ra bất kỳ nhượng bộ đáng kể nào. Một cuộc gặp gần đây tại Thổ Nhĩ Kỳ, vốn được trông đợi như một kênh ngoại giao tiềm năng, chỉ càng củng cố nhận định rằng hòa bình vẫn còn ở rất xa tầm tay.